Ngành gỗ phải nhanh chân

Cập nhật: 22-02-2016 | 08:40:25

Trong năm 2015, xuất khẩu của ngành gỗ cả nước đạt 6,9 tỷ USD. Năm 2016 được xem là “khúc cua” quan trọng cho ngành gỗ trong việc chinh phục cột mốc 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới.

AEC đã lấn tới sân nhà

Trước khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực, ngành gỗ cả nước đã chịu áp lực lớn khi các tập đoàn của Malaysia, Thái Lan… đang từng bước chinh phục thị trường nội địa. Tập đoàn Index Interfurn (Thái Lan) đã mở siêu thị bán lẻ đồ gỗ đầu tiên tại TP.Hồ Chí Minh với diện tích trên 7.000m2, theo mô hình nhượng quyền. Sắp tới, tập đoàn này dự kiến sẽ cho ra đời 5 chuỗi siêu thị gỗ tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Tập trung vào thị trường gỗ tại Việt Nam của người Thái cho thấy tham vọng của họ muốn giành thị phần ngay trên sân nhà của Việt Nam.

Ngành gỗ cần giải quyết tốt vấn đề nguồn nguyên liệu. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất gỗ tại Công ty Kim Thành (TX.Thuận An). Ảnh: PHÙNG HIẾU

Lãnh đạo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (HAWA), nhận định trong lĩnh vực đồ gỗ, Thái Lan và Malaysia là hai nước có nhiều lợi thế thâm nhập sâu rộng thị trường Việt Nam, bởi hiện tại nhiều doanh nghiệp (DN) của hai nước này đang có nhà máy sản xuất tại nước ta. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển quốc tế giảm cũng là lợi thế cho Thái Lan và Malaysia chinh phục thị trường trong nước. Trong khi đó hiện nay, đại đa số DN chế biến gỗ của nước ta là DN vừa và nhỏ, chiếm đến 97% tổng số DN nếu dựa vào tiêu chí nguồn lao động và vốn. Các DN này còn thiếu công nghệ, năng lực cạnh tranh và tiếp cận thị trường.

Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), công bố báo cáo cho thấy có tới 76% DN Việt Nam không biết gì về AEC và 94% DN không nắm bắt được thông tin về “Biểu đánh giá AEC”… Chính vì thế, có tới 63% DN trong nước cho rằng AEC không có ảnh hưởng gì hoặc ảnh hưởng rất ít đến việc sản xuất, kinh doanh của họ. Đây là một nhận thức rất sai lầm về chiến lược hội nhập lâu dài của nền kinh tế nước ta đối với khối AEC.

Sớm “cởi trói” cây cao su

Theo tính toán của các chuyên gia, trong thời gian tới bình quân mỗi năm ngành gỗ cần khoảng 40 triệu m3, nhu cầu nhập khẩu gỗ nguyên liệu sẽ khoảng 20 triệu m3 mỗi năm. Hiện tại, nhiều DN xuất khẩu gỗ của Bình Dương nhập nguồn nguyên liệu từ Mỹ, sau đó cho tái xuất sang Mỹ. Đây là một lựa chọn sáng suốt, bởi nhập nguồn nguyên liệu từ nước này bảo đảm tính hợp pháp về nguồn gốc gỗ, Mỹ cũng chính là thị trường nhập khẩu sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, về lâu dài đây chưa phải là cách thức an toàn, do nguồn nguyên liệu chiếm tới 70% giá trị của đồ gỗ. Vì thế, việc tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ chính là cách tốt nhất để giúp DN giảm bớt chi phí, đủ sức cạnh tranh với DN các quốc gia khác.

Nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy hiện có tới 80% sản phẩm gỗ tại Việt Nam làm từ gỗ cao su tham gia thị trường xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, dự kiến tới năm 2030, nguồn gỗ cao su trong nước mới chỉ cung ứng khoảng 6 triệu m3 gỗ nguyên liệu. Chính vì vậy, trồng thêm cao su làm nguyên liệu đối với tỉnh Bình Dương cũng là một phương án hữu hiệu giúp các DN an tâm về nguồn nguyên liệu trong chiến lược dài hơi của ngành gỗ tỉnh nhà. Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, cây cao su trồng trên đất rừng sẽ được coi là rừng cao su. Còn theo quy định của EU, gỗ rừng phải tuân thủ theo quy trình gỗ hợp pháp, phải có giấy phép của cơ quan chức năng, kèm theo các giấy tờ khác như quyền sử dụng đất, giấy phép đầu tư trồng rừng…

Đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết hiện nay, đa số DN đều quen ứng xử cây cao su là cây công nghiệp, chứ không phải cây lâm nghiệp nên việc khai khác diễn ra hết sức tùy tiện. Sắp tới, gỗ cao su được đưa vào Định nghĩa gỗ hợp pháp và hệ thống bảo đảm tính hợp pháp của gỗ. Các cơ quan chức năng cần sớm có những bước đi thích hợp, “cởi trói” cho cây cao su để giúp các địa phương chuyên canh cây cao su giải quyết bài toán vừa bảo đảm đầu ra cho người trồng rừng, vừa bảo đảm nguồn nguyên liệu cho các DN tỉnh nhà sản xuất.

PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết
Tags
AEC

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên