Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, tuyên cáo ngày 28-8-1945 về việc thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký thành lập Bộ Lao động và Cứu tế xã hội trong tổng số 13 bộ, để bảo đảm những nhiệm vụ về Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng nước ta.
Trải qua quá trình lịch sử, xuất phát từ tình hình nhiệm vụ của mỗi thời kỳ cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra đường lối, chủ trương, nhiệm vụ cho lĩnh vực LĐ-TB&XH, đồng thời quyết định tổ chức bộ máy để thực hiện những nhiệm vụ đó. Lịch sử truyền thống của ngành đã được toàn quốc, toàn dân xây đắp nên dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ và với sự trực tiếp điều hành của Bộ LĐ-TB&XH và Cứu tế xã hội.
Ông Phạm Văn Cành (giữa), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng quà cho gia đình chính sách ở TX.Thuận An. Ảnh: T.VY
Ông Huỳnh Bình Minh, nguyên Giám đốc Sở Thương binh - Xã hội cho biết, trong kháng chiến, ông làm cán bộ tham mưu của Quân khu 7. Trong các trận chiến, ông từng chứng kiến rất nhiều thương binh đã bỏ lại một phần thân thể trên chiến trường. Hòa bình lập lại, năm 1976 ông được giao nhiệm vụ làm Giám đốc Sở Thương binh - Xã hội, lúc này cán bộ trong ngành đã nỗ lực rà lại danh sách liệt sĩ, thương binh, gia đình người có công để hưởng các chế độ của Nhà nước. Bên cạnh đó, giai đoạn này, Bình Dương cũng đang ổn định kinh tế nên ngành tiếp tục hướng đến điều kiện sống, an sinh xã hội cho nhân dân.
Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng các chính sách ưu đãi người có công không ngừng được hoàn thiện. Bình Dương quản lý gần 13.000 hồ sơ người có công, qua nhiều lần chính sách ưu đãi được bổ sung trong Pháp lệnh, Sở đã giải quyết mới hơn 39.000 hồ sơ, nâng tổng số hồ sơ đang quản lý trên 52.000 (trong đó đã phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 1.672 mẹ (hiện còn sống 97 mẹ), 16.155 liệt sĩ, 3.613 thương binh các hạng… Theo bà Huỳnh Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, trong giai đoạn kháng chiến, nhiệm vụ chính của sở là chăm lo cho thương binh, bệnh binh. Mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng tất cả các thương binh nặng đều được đưa về Bắc điều trị, điều dưỡng. Cống hiến cho cách mạng, nhận lại sự quan tâm, họ cảm thấy vui và quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác “thương binh tàn nhưng không phế”. Họ đã vượt qua nỗi đau thể xác để tiếp tục chiến đấu giành lấy hòa bình cho dân tộc.
Đây là một ngành quan trọng, trực tiếp phục vụ hàng triệu người và gia đình có công với cách mạng và Tổ quốc, hàng chục triệu người lao động và hàng triệu người thuộc các đối tượng xã hội khó khăn, yếu thế. Trải qua năm tháng lịch sử, ngành đã thực hiện tốt nhiệm vụ trong các lĩnh vực việc làm, dạy nghề, lao động, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp), an toàn lao động, bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội…
Trong 70 năm qua, dưới ánh sáng Nghị quyết của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh; sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các cơ quan ban ngành trong tỉnh cùng với sự nỗ lực phấn đấu và đoàn kết của bao thế hệ công chức viên chức trong toàn ngành LĐ-TB&XH đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, từng bước trưởng thành và lớn mạnh về nhiều mặt trên cả 3 lĩnh vực là Lao động - người có công và xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới của quê hương, đất nước.
THIÊN LÝ