Quý IV là thời kỳ quan trọng, có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của cả ngân hàng và doanh nghiệp. Hiện các ngân hàng thương mại đang tích cực giảm lãi suất vay, tăng giải ngân vốn tín dụng để cùng doanh nghiệp về đích đúng kế hoạch năm.
Khách hàng giao dịch tại HDBank - Chi nhánh Bình Dương. Ảnh: THANH HỒNG
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
Nhu cầu vốn của doanh nghiệp (DN) trong những tháng cuối năm tăng mạnh, song không phải DN nào cũng dồi dào tài chính, đặc biệt là các DN nhỏ. Vì vậy, có được sự trợ lực của ngân hàng sẽ giúp DN gặp thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm.
Chị Nguyễn Thị Thanh Đào, chủ Công ty Gỗ Lâm Thành (TX.Thuận An), cho biết do công nợ thường tập trung vào cuối năm mới thanh toán nên trước đây cứ vào cuối năm, công ty phải vay vốn để hoạt động. Công ty nhỏ nên khó vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi nên chị phải chấp nhận vay với lãi suất cao. Chưa kể, thanh toán các đơn hàng tập trung vào cuối năm nên công ty cũng mất một khoản phí không nhỏ.
Chia sẻ khó khăn của khách hàng là DN, trong những tháng cuối năm một số ngân hàng đã đưa ra những giải pháp tài chính phù hợp với nhiều ưu đãi để hỗ trợ khách hàng. Bên cạnh đó, từ đầu tháng 8 vừa qua, lãi suất cho vay tại một số ngân hàng đồng loạt được điều chỉnh giảm 0,5%/năm so với trước. Cụ thể, từ 1-8 đến 31-12- 2019, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm trần lãi suất cho vay xuống 5,5%/năm đối với 3 nhóm đối tượng khách hàng ưu tiên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thuộc các lĩnh vực kinh doanh hàng xuất khẩu, ngành công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao. Mức lãi suất này giảm 0,5%/năm so với tháng 7 và thấp hơn 1%/năm so với trần quy định của NHNN.
Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) giảm sàn lãi suất cho vay VND ngắn hạn 0,5%/năm đối với các nhu cầu vốn của khách hàng tốt phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, theo chuỗi liên kết; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng thông báo áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND ở mức tối đa là 5,5%/năm, giảm 1 %/năm so với mức quy định của NHNN, áp dụng cho tất cả các khoản cho vay hiện hữu và các khoản cho vay mới đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ và DN khởi nghiệp từ 1-8 đến 31-12-2019.
Không chỉ giúp DN, hộ kinh doanh dễ tiếp cận vốn vào mùa cao điểm cuối năm, một số ngân hàng còn đưa ra nhiều giải pháp tài chính để giúp khách hàng giảm gánh nặng về phí. Chẳng hạn như khách hàng có nhu cầu chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để nhập khẩu nguyên liệu vào mùa kinh doanh cuối năm sẽ được miễn phí 100% giao dịch; miễn phí chuyển tiền trực tuyến nội bộ và liên ngân hàng; miễn phí thường niên internet banking năm đầu tiên. Ngoài ra, khách hàng không cần tốn thời gian đến tận quầy giao dịch và có thể chuyển tiền trực tuyến mọi lúc, mọi nơi…
Chủ doanh nghiệp gỗ Lê Hiền Phát (Khu công nghiệp Đồng An), chia sẻ nhờ chính sách lãi vay, giảm phí dù ít nhưng ngân hàng đã hỗ trợ DN có thêm nguồn thu vào quỹ lợi nhuận, từ đó có điều kiện tăng thêm thu nhập cho người lao động dịp cuối năm.
Đẩy mạnh cung ứng vốn
Trong khi DN đang khát vốn, các ngân hàng cũng trăn trở để tìm đầu ra cho dòng tiền huy động được của mình. Thông qua nhiều hình thức, các ngân hàng đang nỗ lực để mang vốn đến tiếp cận DN. Mặt khác, các ngân hàng cũng đồng loạt tiết giảm chi phí hoạt động, giảm bớt chi tiêu.
Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Nhà TP.Hồ Chí Minh (HDBank) - Chi nhánh Bình Dương, cho biết với những khách hàng tốt, ngân hàng luôn sẵn sàng chào đón, bởi ngân hàng huy động vốn rất muốn cho vay ra. Cùng với tiềm lực tài chính vững mạnh và nguồn vốn huy động dồi dào, ngân hàng thường xuyên triển khai các chương trình ưu đãi tín dụng, đáp ứng mọi nhu cầu về vốn với mọi đối tượng khách hàng, nhất là DN vừa và nhỏ.
Cũng theo vị đại diện này, lãi suất cho vay sẽ không lập tức tăng theo huy động (từ trước đó), vì thực tế mức điều chỉnh lãi tiền gửi vừa qua không lớn. Nếu muốn đẩy tín dụng thì có nhiều cách, song với quan điểm kinh doanh thận trọng và phát triển bền vững hiện nay, không một ngân hàng nào nào bỏ qua việc đầu tư công nghệ, quản trị rủi ro, tài chính và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ngay từ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2019 và xuyên suốt các phiên họp Chính phủ các tháng sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN tiếp tục điều hành lãi suất linh hoạt, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và hạn chế tín dụng đen.
Ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN - Chi nhánh Bình Dương, khẳng định chủ trương này đã được truyền đạt tới các tổ chức tín dụng xem xét bối cảnh kinh tế hiện tại để giảm lãi suất, đồng hành với DN. Hiện tại, chính sách lãi suất của các ngân hàng cũng tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn sản xuất, nhất là các công ty hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên như phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; DN nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ... Nhìn chung, chính sách này đều được các ngân hàng nghiên cứu đáp ứng nhanh vốn tín dụng. Nhiều ngân hàng cũng đồng loạt tiết giảm chi phí hoạt động, giảm bớt chi tiêu, dù có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận.
THANH HỒNG