Thời gian qua, ngành nông nghiệp của huyện Phú Giáo đã có những bước chuyển biến tích cực. Riêng trong năm 2018, ngành nông nghiệp huyện nhà tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, góp phần phát triển vùng nông thôn rộng lớn, cải thiện đời sống nhân dân toàn huyện.
Phát triển hài hòa giữa trồng trọt và chăn nuôi
Năm 2018, cơ cấu sản xuất giữa trồng trọt và chăn nuôi của huyện Phú Giáo là 69,4% và 30,6% (năm 2017 tỷ trọng này là 69,5% và 30,5%). Trong năm, tổng diện tích cây hàng năm trên địa bàn huyện đạt 3.245,11 ha, tăng 3,2%; tổng diện tích cây lâu năm đạt 38.740,73 ha, giảm 0,28% so năm trước. Trong số này, diện tích cây cao su trên địa bàn huyện đạt 36.225,14 ha, giảm 0,49%; diện tích cây điều 855,65 ha, tăng 3,21%; diện tích cây tiêu 388,66 ha, giảm 5,47% so với năm 2017.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại xã An Bình, huyện Phú Giáo. Ảnh: H.PHẠM
Năm 2018, huyện tiếp tục chủ động trong công tác phòng chống dịch, khuyến cáo và hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp canh tác và phòng trừ dịch bệnh trên một số cây trồng chính thông qua các lớp tập huấn và mô hình tuyên truyền. Về chăn nuôi, trong năm, mặc dù tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm có thời điểm biến động nhưng nhìn chung ngành chăn nuôi của huyện vẫn tương đối ổn định. Nguyên nhân là do trên địa bàn huyện có nhiều mô hình chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, nuôi gia công được bao tiêu sản phẩm đầu vào và đầu ra. Tổng đàn heo trên địa bàn huyện trong năm là 215.639 con, tăng 34,33%; đàn gia cầm 1.336.040 con, tăng 0,83% so với năm 2017.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi trong huyện vẫn duy trì tổng đàn trâu, bò do tận dụng được đất vườn ao liền kề nhà để trồng cỏ nuôi thêm bò, góp phần cải thiện thu nhập cho các gia đình. Toàn huyện hiện có 285 con trâu, 3.948 con bò.
Chú trọng nông nghiệp công nghệ cao
Trên địa bàn huyện Phú Giáo hiện có 177 trang trại, so với năm trước giảm 18 trang trại. Nguyên nhân số trang trại trên địa bàn huyện giảm là do trang trại chăn nuôi có quy mô nhỏ, số lượng vật nuôi không nhiều và không bảo đảm tiêu chí hình thành trang trại. Đến nay, toàn huyện còn có 100 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (gồm 54 mô hình trồng trọt, 46 mô hình chăn nuôi; có 14 mô hình sản xuất được chứng nhận VietGAP), tăng 16 mô hình so với năm 2017.
Thực hiện Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND, toàn huyện có 22 tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lập thủ tục và được vay 178 tỷ đồng theo chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp; hiện đã giải ngân được trên 120 tỷ đồng.
Toàn huyện còn có 15 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động (tăng 7 HTX so với năm 2017) với tổng số vốn điều lệ 26,985 tỷ đồng (tăng 1,985 tỷ đồng so với năm 2017). Phần lớn các HTX trên địa bàn huyện hoạt động có quy mô nhỏ, thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chưa tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp; quỹ đất ít, sản phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ không ổn định và không có đầu ra nên hiệu quả hoạt động còn thấp. Mặc dù Nhà nước đã có các chính sách ưu đãi, ưu tiên phát triển nhưng nhiều HTX trên địa bàn huyện chưa đủ điều kiện để được hỗ trợ.
Ngành nông nghiệp đang đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển chung của huyện Phú Giáo. Hiện địa phương đang tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp đã để ra nhằm đưa ngành nông nghiệp huyện nhà tiếp tục phát triển ổn định trọng thời gian tới.
M.KHÁNH