Ngành nông nghiệp: Ứng dụng công nghệ để tạo đột phá

Cập nhật: 27-11-2019 | 08:34:13

 Huyện Phú Giáo là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp. Để phát triển ngành nông nghiệp bền vững, thời gian qua huyện đã tích cực triển khai các giải pháp để đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

 Hợp tác xã ổi Thanh Kiên mang lại hiệu quả kinh tế cao Ảnh: TIỂU MY

Minh chứng hiệu quả

Trong những năm qua, để nâng cao giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã triển khai nhiều giải pháp như tuyên truyền vận động người dân cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay phục vụ sản xuất nông nghiệp… Đặc biệt, một trong những giải pháp được triển khai mạnh mẽ và bước đầu mang lại hiệu quả đó là việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng ứng dụng kỹ thuật cao.

Theo đó, huyện tập trung các giải pháp thúc đẩy mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, gắn với nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, huyện triển khai thực hiện các quyết định của UBND tỉnh về những giải pháp, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020…

Bên cạnh Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái, hiện trên địa bàn huyện nhiều mô hình, trang trại trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao đã hình thành, bước đầu mang lại hiệu quả và rất triển vọng, có thể kể đến như Trang trại trồng rau an toàn Chiến Thắng, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, HTX ổi Thanh Kiên, HTX Bông Trang, Trang trại hoa lan Phước Sang… Bà Nguyễn Ngọc Thu, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện, cho biết việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nổi bật, chất lượng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn không ngừng được nâng cao và ngày càng bền vững.

Hiện nay, việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là xu hướng tất yếu. Hiệu quả kinh tế từ việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật ở các trang trại, tổ hợp tác, HTX, các hộ dân trên địa bàn huyện thời gian qua là minh chứng rõ nét cho hướng đi đó của ngành nông nghiệp huyện nhà.

Tăng cường chuyển giao công nghệ

Ông Tô Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện thời gian qua có nhiều khởi sắc. Nhiều hộ dân trong huyện đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng; nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao được tích hợp và phát triển đã nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Đạt, bên cạnh những kết quả tích cực đó, tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn còn đối mặt nhiều vấn đề cần giải quyết, đó là sản xuất còn manh mún, thiếu liên kết; xuất xứ hàng hóa chưa rõ ràng; nguồn lao động khan hiếm; công nghệ thu hoạch, bảo quản, sơ chế sản phẩm nông nghiệp, kỹ năng thương mại hóa sản phẩm còn thiếu và yếu… Điều này tạo thành những nút thắt và gây khó khăn cho việc phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Để nâng cao hơn nữa tính bền vững trong sản xuất cũng như áp dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, huyện đã xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai các hoạt động khoa học với các trường, viện, Sở Khoa học và Công nghệ… Mới đây, huyện đã phối hợp với trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh triển khai các hoạt động khoa học - công nghệ trên địa bàn huyện giai đoạn 2018- 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Đây là một trong những hoạt động nhằm tăng cường hợp tác giữa huyện với các đơn vị nghiên cứu chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Ông Đạt khẳng định, địa phương xác định lấy con người, cụ thể là lực lượng sản xuất nông nghiệp là trung tâm gắn với những giải pháp từ khoa học - công nghệ để tạo đột phá, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sản xuất nông nghiệp của huyện nói riêng. Bởi khoa học - công nghệ đóng vai trò quan trọng, vừa là công cụ, phương tiện, giải pháp để thực hiện vừa là mục tiêu hướng đến. Qua đó phản ánh tốc độ phát triển của địa phương trên các lĩnh vực.

Cùng với chương trình hợp tác giữa UBND huyện và trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, huyện còn triển khai chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Cây ăn quả miền Nam, trường Đại học Bình Dương và một số đơn vị liên quan nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện ngày càng phát triển.

 Nhiệm vụ đột phá trong kế hoạch phối hợp giữa UBND huyện Phú Giáo và trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, đó là: Xây dựng và phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tích hợp các giải pháp công nghệ 4.0 phục vụ sản xuất tự động và bán tự động liên hoàn từ khâu sản xuất đến thu hoạch và đóng gói. Xây dựng mô hình siêu thị mini nông sản tự động. Hình thành địa chỉ kết nối về trung tâm dịch vụ các giải pháp công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống gắn với chính sách hỗ trợ khoa học - công nghệ nhằm khuyến khích phát triển xã hội hóa các hoạt động khoa học - công nghệ trong nhân dân. Chính sách liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương theo nội dung dự án, mô hình khoa học - công nghệ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương và giúp cơ sở chủ động nguồn lực.

TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=992
Quay lên trên