Ngành Thanh tra: Khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Cập nhật: 19-07-2023 | 10:23:21

(BDO) Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của ngành Thanh tra. Tại hội nghị, đại diện các đơn vị đã nêu bật những kết quả đạt được, cũng như chia sẻ những khó khăn, tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ, qua đó kiến nghị nhiều giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra trong thời gian tới.

Hoạt động thanh tra có trọng tâm, trọng điểm

Báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2023 của TTCP cho thấy, toàn ngành đã triển khai 4.224 cuộc thanh tra hành chính và 94.797 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 178.863 tỷ đồng, 404 ha đất, trong đó kiến nghị thu hồi 148.206 tỷ đồng và 9 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 30.800 tỷ đồng, 395 ha đất; ban hành 60.319 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 2.873 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 784 tập thể và 2.912 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 208 vụ, 316 đối tượng.

Ông Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu tại hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong đề nghị ngành Thanh tra tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành, tạo sự chuyển biến tích cực, quyết tâm, quyết liệt, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ năm 2023. Trong đó, tập trung tiếp tục bám sát định hướng chương trình thanh tra năm 2023; tập trung triển khai thực hiện Luật Thanh tra năm 2022 và các nghị định hướng dẫn thi hành; tiếp tục củng cố và xây dựng bộ máy thanh tra tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực, xây dựng lực lượng cán bộ thanh tra chuyên nghiệp, kỷ cương, trách nhiệm, liêm chính, có bản lĩnh, đi đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong công tác phối hợp, ông Đoàn Hồng Phong đề nghị cơ quan thanh tra với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, nhất là cơ quan trong khối Nội chính có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ; phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân và toàn xã hội để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tại địa bàn Bình Dương, ngành Thanh tra tỉnh đã tiến hành 52 cuộc thanh tra hành chính tại 97 đơn vị và 329 cuộc thanh tra chuyên ngành tại 2.741 tổ chức, cá nhân. Qua công tác thanh tra hành chính, lực lượng thanh tra đã phát hiện các sai phạm thuộc lĩnh vực tài chính với tổng số tiền vi phạm hơn 12 tỷ đồng; kiến nghị xử lý thu hồi ngân sách nhà nước trên 11,5 tỷ đồng, đã nộp ngân sách nhà nước hơn 1,5 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác về kinh tế 441 triệu đồng, đã xử lý khác về kinh tế 173 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính 5 tổ chức, 21 cá nhân. Qua công tác thanh tra chuyên ngành, lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 920 tổ chức, cá nhân với số tiền trên 22,7 tỷ đồng, đã thu nộp ngân sách hơn 22,2 tỷ đồng.

Đánh giá kết quả đạt được, ông Đoàn Hồng Phong, Tổng TTCP, cho biết TTCP và toàn ngành Thanh tra đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác. Đáng lưu ý, công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra tiếp tục có chuyển biến tích cực; số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra tăng 110%, số kết luận thanh tra đã hoàn thành toàn bộ các nội dung phải thực hiện tăng 149% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả trên đã góp phần tạo sự ổn định chính trị - xã hội, phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Xiển, Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, cho biết căn cứ vào định hướng công tác của TTCP, Thanh tra Bộ Quốc phòng đã đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành chỉ thị về công tác thanh tra quốc phòng năm 2023 và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong toàn quân xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2023 theo đúng quy định. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xử lý chồng chéo trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra. Chủ động thực hiện kế hoạch công tác thanh tra năm 2023 đã được chỉ huy các cấp phê duyệt ngay từ đầu năm.

Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Thanh tra Quốc phòng đã tiến hành thanh tra đối với 186 cơ quan, đơn vị về chấp hành pháp luật Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, kinh tế - xã hội, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thanh tra tỉnh Bình Dương công bố quyết định thanh tra về việc thực hiện các kiến nghị, kết luận thanh tra của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và địa phương năm 2023

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các đơn vị chức năng từ trung ương đến địa phương đã tiếp 187.306 lượt người đến cơ quan hành chính khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 152.310 vụ việc. Cơ quan hành chính các cấp đã giải quyết 11.064/15.177 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 72,9%.

Qua thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện, chuyển cơ quan điều tra số vụ việc, đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự 6 tháng đầu năm tăng 49 vụ (28%), tăng 277 đối tượng (255%). Việc xác minh kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn tăng 2.826 người (176,5%) và đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều trường hợp kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Xiển, để triển khai thực hiện Luật Thanh tra năm 2022, Thanh tra Bộ Quốc phòng đang triển khai tham mưu xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 33/2014/NĐ-CP ngày 26-4-2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra quốc phòng. Ngoài ra, để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, Bộ Quốc phòng đang xây dựng và hoàn thiện Đề án “Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống cơ quan tư pháp, thanh tra, pháp chế, phòng chống tội phạm các cấp trong quân đội đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Trong khi đó, Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế TTCP, cho biết Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1-7-2023 với nhiều nội dung mới về tổ chức và hoạt động thanh tra. Do đó, quá trình tổ chức thực hiện luật, thanh tra các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý Luật Thanh tra 2022 không quy định thẩm quyền của thanh tra bộ thanh tra đối với doanh nghiệp Nhà nước do bộ trưởng quyết định thành lập. Thanh tra tỉnh thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước do chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập. Bên cạnh đó, luật cũng bỏ quy định về thanh tra thường xuyên. Do đó, trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra, thanh tra bộ, thanh tra tỉnh cần lưu ý nội dung này.

Về hoạt động thanh tra, thanh tra các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý một số điểm mới, như: thẩm quyền thanh tra; thời hạn thanh tra; quy định về trưởng đoàn thanh tra, phó trưởng đoàn thanh tra, thẩm quyền của thành viên đoàn…  Đáng lưu ý, một trong những điểm mới của Luật Thanh tra 2022 là việc quy định một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra. Ngoài ra, luật mới đã kéo dài thời hạn xây dựng báo cáo kết quả thanh tra và xây dựng dự thảo kết luận thanh tra.

NGUYỄN HẬU-HÀ VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=586
Quay lên trên