Ngành thép trong nước vững vàng vượt khó

Cập nhật: 18-07-2018 | 07:48:56

Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra, sau khi Mỹ đánh thuế 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Đáp lại, Trung Quốc cũng có động thái tương tự. Nhiều ý kiến lo ngại ngành thép Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn vì thép Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các doanh nghiệp (DN) thép Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng đều chịu rất ít sức ép từ tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

 Các doanh nghiệp thép tại Bình Dương trong thời gian qua phát triển tốt nhờ liên tục đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất thép tại Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc. Ảnh: K.VINH 

Thép Việt lạc quan

Với quyết định mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngành thép Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 12 nước bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, các nhà phân tích đến từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng mức độ ảnh hưởng thực tế sẽ không quá nghiêm trọng. Lý do là Mỹ hiện chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 11% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng sắt thép của Việt Nam.

Trên thực tế, nếu như xuất khẩu sang Mỹ bị ảnh hưởng do quyết định mới của Tổng thống Trump, ngành thép Việt Nam có thể sẽ quay về dồn sức cạnh tranh trên thị trường chính hiện nay là khối ASEAN (hiện chiếm 59,3% tổng giá trị xuất khẩu của ngành thép nước ta). Cụ thể, Tập đoàn Hoa Sen và Nam Kim (NKG) - hai doanh nghiệp tiên phong trong việc tận dụng cơ hội xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2016, đều tiêu thụ không quá 5% tổng sản lượng tại thị trường Mỹ.

Thực tế, Trung Quốc là đối thủ đáng lo ngại nhất, bởi họ là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, có vị trí giáp ranh với Việt Nam và hiện có khoảng 36% lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, từ sau khi lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc tăng đột biến do dư thừa sản lượng (giai đoạn 2014-2015), Mỹ đã liên tục áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với thép Trung Quốc. Tính đến nay, Mỹ đang áp dụng 28 biện pháp thuế quan và phi thuế quan đối với nhiều loại sản phẩm thép Trung Quốc.

Nhiều DN lo lắng về việc sản phẩm thép Trung Quốc sẽ tìm cách tuồn vào Việt Nam, mang mác thép Việt để hưởng thuế suất ưu đãi vào Mỹ. Tuy nhiên, khả năng này khó xảy ra bởi Việt Nam cũng đã có những biện pháp phòng vệ và ngăn chặn làn sóng nhập khẩu ồ ạt của thép Trung Quốc từ những năm trước.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Trong bối cảnh hiện nay, theo ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị NKG, điều đáng lo ngại nhất đối với các DN thép Việt Nam chính là sức ép hàng hóa đến từ các quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu thép. Bởi lẽ, khi đường vào Mỹ bị thu hẹp, các nước này sẽ tìm cách khai thác các thị trường nhỏ hơn, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc… là những nước xuất khẩu thép chính vào Mỹ. Do đó, các quốc gia này sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ việc hạn chế nhập khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cũng chỉ chiếm 5 - 12% trong cơ cấu xuất khẩu của các quốc gia này, nên có tác động nhưng không phải trọng yếu.

Theo dự báo của Hiệp hội thép Việt Nam, trong năm 2018, tăng trưởng sản xuất thép cuộn cán nóng và thép lá cuộn cán nguội sẽ đạt lần lượt 154% và 5%; tăng trưởng tôn mạ và sơn phủ màu đạt 12%. Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng điều này sẽ giúp Việt Nam chứng minh được nguyên liệu sản xuất không có xuất xứ từ Trung Quốc, qua đó tránh được “tiếng xấu” là xuất khẩu thay cho Trung Quốc và từ đó có thêm cơ sở để đàm phán về các biện pháp bảo hộ thương mại với Mỹ.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc (TP. Thủ Dầu Một), đối với Mỹ - quốc gia nhập khẩu thép lớn nhất trên thế giới, sản lượng nhập khẩu cũng chỉ chiếm 8% tổng thương mại thép toàn cầu. Như vậy, Mỹ vẫn buộc phải nhập khẩu thép khi sản xuất nội địa trong ngắn hạn không thể đáp ứng được nhu cầu. Trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành thép của Mỹ đang ở trạng thái ổn định khi hiệu suất sử dụng bình quân của ngành ở mức 73,9%. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hơn 105 triệu tấn/năm, các nhà máy bình quân phải chạy với hiệu suất 95%. Đây là hiệu suất không thể đạt được ở quy mô cả ngành sản xuất thép nội địa của Mỹ. Về cơ bản, Mỹ vẫn phải nhập khẩu thép trong vòng ít nhất 2 năm tới trước khi xây dựng các nhà máy mới và đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ bằng sản xuất nội địa. Như vậy, các DN thép tại Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

Tuy nhiên, việc Mỹ áp dụng chính sách bảo hộ với ngành thép có thể dấy lên các hành động trả đũa của các quốc gia khác. Nếu các hành động trả đũa này chỉ nhằm vào Mỹ sẽ không gây ảnh hưởng đến ngành thép Việt Nam, song nếu trên một quy mô rộng hơn là bảo hộ sản xuất và hạn chế nhập khẩu từ tất cả quốc gia sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam. Chính vì vậy, theo ông Hồ Minh Quang, các DN thép trong nước cần sớm đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh để đứng vững trên thị trường trong nước, sau đó mới hướng tới xuất khẩu. Có như vậy, thép Việt mới giảm thiểu nguy cơ rủi ro, tiếp tục phát triển vững mạnh trong thời gian tới.

 KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=280
Quay lên trên