Có thể nói, Học kỳ quân đội (HKQĐ) là chương trình được mong đợi không chỉ riêng các em học sinh mà còn là của phụ huynh (PH). Bởi không vì thế, sẽ không có những bậc cha mẹ phải lặn lội từ các tỉnh, thành xa xôi đến Bình Dương đăng ký và tham gia tất cả các khóa huấn luyện trước giờ xuất quân cùng với các con. Các bậc PH tin rằng con mình sẽ trưởng thành hơn từ HKQĐ.
Phụ huynh đặt nhiều kỳ vọng...
Suốt những ngày qua, cũng như những PH khác cho con tham gia HKQĐ 2011, cô Lê Thị Hòa đã cùng với cô con gái cưng đi từ Long Xuyên đến Bình Dương tham gia các buổi tập huấn cho PH và “chiến sĩ” (CS) trước giờ “nhập ngũ”. “Phấn khởi và vui lắm, vì chưa bao giờ cô thấy con gái mình lại hào hứng đến như vậy” - cô cho biết. Có thể nói, bé Phạm Lê Minh Tú, cô con gái duy nhất, chưa một lần sống xa gia đình và thiếu sự chăm sóc của mẹ, nhưng lần này cô quyết định cho con đi học bởi vì theo cô “giới trẻ bây giờ được hưởng cuộc sống đầy đủ, sung sướng nên lười vận động, thiếu các kỹ năng sống và hòa nhập với cộng đồng”. Vì thế, cô “mong con mình có những trải nghiệm bổ ích cho bản thân, bồi dưỡng thêm tình cảm cộng đồng, chan hòa với bạn bè, yêu thương gia đình”.
Cô Lê Minh Hòa dặn dò con gái Phạm Lê Minh Tú tại buổi lễ xuất quân HKQĐ vào sáng ngày 14-6-2011
Chị Văn Thị Hoa, đến từ thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cũng đồng suy nghĩ: “Các cháu bây giờ được sống trong điều kiện đầy đủ và sung sướng nên dù rất ngoan nhưng không thể tự lập, không biết quý trọng những giá trị quý giá từ cuộc sống. Vì thế, chúng tôi không ngại xa xôi, đưa con đi học để con được rèn luyện nhiều hơn”. Theo chị Giang Kim, phường Phú Cường, TX.TDM thì kỳ vọng phương pháp giáo dục có kỷ luật và nề nếp của quân ngũ sẽ “làm thay đổi” đối với cậu con trai hơi bướng bỉnh và hay cãi lời. “Chúng tôi mong cháu sẽ biết vâng lời và có nhiều tình cảm hơn với gia đình”. Chị nói mà rươm rướm nước mắt khi nhìn con trai “chiến sĩ” Nguyễn Hoàng Dung đang cùng với tiểu đội lỉnh kỉnh ba lô, áo, dép vào quân ngũ.
Chiến sĩ háo hức lên đường
Trong suốt thời gian từ khi đăng ký tham gia khóa học đến khi chính thức xuất quân, hầu hết các CS đều vô cùng háo hức, mong đợi. CS Phạm Lê Minh Tú đã phải hét lên “vì mong muốn được đi học ngay bây giờ” thay vì phải đợi hơn tuần nữa mới được bắt đầu. CS Nguyễn Thị Trang, Tiểu đội 6 đến từ tỉnh Bình Phước cho biết “Mình ao ước từ lâu để được về Bình Dương tham gia chương trình” (vì gia đình Trang vốn là người Bình Dương đến Bình Phước làm ăn sinh sống). Cô học sinh lớp 8 nhỏ nhắn tỏ ra rất quyết tâm để học tập và rèn luyện. “Em muốn học những điều mới mẻ và những kiến thức bổ ích làm hành trang cho cuộc sống của mình”.
CS Hoàng Khánh Linh, phường Phú Hòa, TX.TDM mang những lời dặn dò của ba mẹ làm hành trang khi lên đường: “Mình cũng hơi nhút nhát nhưng mà nhất quyết sẽ không ngại khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt khóa học”. Đỗ Minh Kha, thuộc Tiểu đội 3 tỏ ra chính chắn: “Mình mong muốn tìm hiểu nhiều hơn về truyền thống quân đội, cùng với việc rèn luyện được nhiều kỹ năng hết sức thú vị. Qua đó, mình biết yêu thương gia đình, sống có ích cho cộng đồng xã hội, học tập những kiến thức bổ ích để làm hành trang cho tương lai”...
Quyết tâm là vậy, nhưng trước giờ chia tay ba mẹ, các chiến sĩ đã không ghìm được cảm xúc. Cậu em trai vừa lên lớp 3 của CS Nguyễn Thị Trang còn lắc lắc tay mẹ đòi theo chị. Những khóe mắt đỏ hoe nhưng đầy hào hứng và phấn khởi, tất cả đang bắt đầu khám phá những điều mới mẻ từ tình cảm của chính mình!
Làm nên thương hiệu HKQĐ
Năm nay, học phí tham gia chương trình là 4,5 triệu đồng/CS, trong đó, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục hỗ trợ cho những em có hộ khẩu thường trú, tạm trú tại Bình Dương 1,2 triệu đồng/CS. Như vậy, mỗi CS chỉ phải đóng học phí 3,3 triệu đồng, bao gồm tất cả quân trang và các chi phí sinh hoạt, học tập trong thời gian 10 ngày. Để được tham gia khóa học, các em phải có học lực từ loại trung bình khá trở lên, có sức khỏe tốt.
Với khoản học phí không phải là ít như vậy, những em tham gia khóa học, có thể nói là “những cậu ấm, cô chiêu” rất được nuông chìu trong gia đình. Các bậc PH quyết định cho con rời xa gia đình suốt 10 ngày hè với lòng tin tưởng và kỳ vọng, phương cách giáo dục đặc biệt của môi trường quân đội sẽ tạo ra những hiệu ứng bất ngờ làm thay đổi những đứa con của họ từ nhiều góc độ. Không chỉ vậy, ngay cả các bậc PH, cũng được trải nghiệm cảm xúc dõi theo từng bước chân con. Sức hút của một chương trình xuất phát từ nhu cầu rất lớn của xã hội là điều kiện hết sức thuận lợi. Vấn đề còn lại là, cần phải khẳngđịnh được đẳng cấp của HKQĐ “made in Bình Dương”.
MAI ANH
Anh Đặng Xuân Văn, quyền Giám đốc Trung tâm Hoạt động thanh niên cho biết, HKQĐ năm 2011 sẽ có thêm một chuỗi các hoạt động, huấn luyện và các bài giảng mới dành cho teen như cho em trải nghiệm môi trường “kỷ luật thép” như một CS bộ binh thực thụ; huấn luyện các kỹ năng sống (kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sinh tồn, tính tự lập, khám phá và hoàn thiện bản thân, kỹ năng ứng xử trong giao tiếp...); gắn kết tình cảm giữa CS với ông bà, cha mẹ, anh chị em, thầy cô, bạn bè thông qua những bài giảng sâu sắc và cảm động; sinh hoạt tập thể với các điệu nhảy múa dân vũ, tham gia lễ hội lớn, các chương trình văn nghệ, các trò chơi sôi động mang đậm chất teen đúng hiệu! “Ngày đầu sống trong môi trường mới, nhiều CS còn nhút nhát và chưa quen, nhưng hiện tại, các CS đều thích ứng tốt và đang bước vào các chương trình huấn luyện đặc biệt của khóa học” - anh Văn cho biết thêm.