Những năm qua, người làm nghề công tác xã hội (CTXH) trên địa bàn tỉnh luôn âm thầm kết nối những tấm lòng hảo tâm, giúp những phận đời có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Đến với nghề bằng cái tâm
Theo chân anh Võ Đức Trọng, cộng tác viên CTXH phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên, chúng tôi đến tìm gặp bà Nguyễn Thị Liễu, khu phố Bình Hòa 1. Con đường ngoằn ngoèo đưa chúng tôi vào sâu trong tận khu phố. Để gặp được bà Liễu, anh Trọng phải lặn lội xuống đây từ rất sớm, tìm hiểu, thu thập thông tin, xác minh hoàn cảnh. Có những hôm trời mưa to nhưng anh Trọng vẫn một mình chạy xe máy xuống khu phố, gặp gỡ đối tượng với mong muốn góp công sức nhỏ giúp đỡ họ bằng cái tâm của người làm nghề. Qua nhiều nguồn thông tin thu thập, được biết bà Liễu có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bản thân bị bệnh suy cơ, đã hơn 60 tuổi nhưng bà vẫn còn đi bán vé số. Biết bà Liễu đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội, anh Trọng đến gia đình xác minh, hướng dẫn bà Liễu kê khai hồ sơ. Hoàn thiện hồ sơ để trình Hội đồng xét duyệt ở phường, thị xã ra quyết định hưởng trợ cấp hộ nghèo. Chỉ tính trong năm 2018, anh Trọng đã làm cầu nối giúp 20 đối tượng trên địa bàn phường là những người yếu thế được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang (phải), cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên tìm hiểu, nắm bắt thông tin đối tượng trợ cấp
Công việc của những người làm nghề CTXH là thế, nhưng nếu không vì cái tâm thì khó có thể cống hiến hết mình cho cộng đồng. Nữ cán bộ Nguyễn Thị Thu Trang (xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên) là một ví dụ điển hình. Sau khi tốt nghiệp trường đại học, chị Trang nhận làm cộng tác viên CTXH cho xã Bình Mỹ. Vào nghề, va vấp thực tế, chị đã nhận ra rằng những khó khăn ở ngoài đời còn khó hơn cả những gì học ở trường. Chị Trang cho biết: “Mình sẽ gắn bó lâu dài với nghề này. Càng tiếp xúc với những đối tượng được trợ giúp, bản thân càng đồng cảm với hoàn cảnh của họ, đồng cảm với những khó khăn trong cuộc sống. Qua những trường hợp được trợ giúp là những bài học sinh động giúp mình vững tâm và gắn bó hơn với nghề CTXH”.
Không chỉ đến với nghề bằng cái tâm, tình yêu thương, những người làm nghề CTXH còn đòi hỏi phải có cả kỹ năng. “Một số gia đình chưa hiểu rõ về quy định chính sách của Nhà nước, nhiều lần làm đơn, xin được hưởng chế độ nhưng khi giải thích họ không thuộc đối tượng thì không ít người tỏ thái độ. Hoặc có trường hợp khi đến gia đình tiếp xúc đối tượng, gia đình không hài lòng, né tránh hoặc không cho tiếp xúc với đối tượng bởi họ không biết rằng những người khuyết tật rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng, xã hội”, anh Nguyễn Trọng Vương, cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã Lai Hưng (Bàu Bàng) cho biết.
Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CTXH
Ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: “Những năm qua, cùng cả nước, Bình Dương luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách xã hội. Các đối tượng thụ hưởng chế độ bảo trợ xã hội được mở rộng, mức hỗ trợ nâng lên, không chỉ được hỗ trợ về y tế, giáo dục, việc làm, nhà ở mà còn tham gia vào hoạt động cộng đồng. Từ đó đời sống vật chất và tinh thần của đối tượng xã hội từng bước được cải thiện, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh”. Để đạt được kết quả này, thời gian qua, tỉnh đặc biệt quan tâm tới mạng lưới nhân viên CTXH, cũng như các cơ sở trợ giúp xã hội.
Thực hiện Quyết định số 32 của Thủ tướng Chính phủ, Bình Dương đã xây dựng kế hoạch phát triển nghề CTXH thành một nghề chuyên nghiệp, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH, xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH. Tỉnh đã phối hợp cùng trường Đại học Thủ Dầu Một thực hiện đào tạo được 145 cử nhân nghề CTXH; đồng thời bố trí việc làm cho những sinh viên đã tốt nghiệp trong các cơ quan, tổ chức nhằm phát huy những kiến thức về nghề đã được đào tạo. Bên cạnh đó, hàng năm tỉnh luôn cử cán bộ công chức tham gia các khóa đào tạo, mở các lớp tập huấn, trang bị cho đội ngũ công chức làm công tác thương binh xã hội, người hoạt động không chuyên trách giảm nghèo, gia đình, trẻ em ở cấp xã những chính sách mới cho người nghèo, cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội để kịp thời triển khai các chính sách này đến các đối tượng được thụ hưởng. Bên cạnh đó, tỉnh đã tuyển chọn và ký hợp đồng với 111 cộng tác viên CTXH ở xã, phường, thị trấn để xây dựng hệ thống mạng lưới cộng tác viên; Đồng thời từng bước hình thành và kết nối đội ngũ cộng tác viên CTXH xã, phường, thị trấn...
Để ghi nhận vai trò to lớn của người làm CTXH, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1791/QĐ-TTg lấy ngày 25-3 hàng năm là Ngày CTXH Việt Nam.
Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 1.000 người làm CTXH và có 13 cơ sở bảo trợ xã hội. Số người cần trợ giúp xã hội ngày càng nhiều, người cao tuổi là 81.518 người, người khuyết tật là 16.800 người, có 2.146 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trên 28.500 người hưởng trợ giúp xã hội hàng tháng.
KIM HÀ