Theo khảo sát, ở Việt Nam, chim yến chủ yếu sống từ Đà Nẵng trở vào. Do đó, những địa phương trong khu vực này có điều kiện thuận lợi trong việc nuôi chim yến. Tại Bình Dương, những năm gần đây nhiều gia đình đã áp dụng thành công nghề nuôi yến ở trong nhà.
Theo các chuyên gia, nuôi yến cho thu nhập cao nhưng đòi hỏi người nuôi có nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn và nắm vững kỹ thuật nuôi Ảnh: NHI VÂN
Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 80 hộ nuôi yến, tổng diện tích nuôi khoảng 33.766m2, ước tính số lượng khoảng 46.200 con. Mỗi năm, các hộ nuôi yến trên địa bàn tỉnh thu về khoảng 269kg yến, tương đương 5,38 tỷ đồng. Hiện nay, trên thị trường yến có giá trung bình từ 20 - 45 triệu đồng/kg; giá huyết yến và hồng yến thì cao hơn, dao động trong khoảng 70 - 120 triệu đồng/kg tùy theo độ tinh sạch của tổ yến.
Nghề chăn nuôi đặc thù
Theo ông Nguyễn Văn Trí, Trưởng phòng chăn nuôi Chi cục Thú y tỉnh, đây là nghề chăn nuôi đặc thù, người nuôi yến không tốn chi phí về con giống, thức ăn mà mức đầu tư xây dựng một nhà dụ yến về làm tổ có giá khá cao, khoảng trên dưới 1 tỷ đồng. Trong thời gian 1 - 3 năm, nếu “dụ” được khoảng 1.000 con về làm tổ thì mức thu lợi nhuận cao và lâu dài hơn rất nhiều nghề chăn nuôi khác.
Căn cứ Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến để hướng dẫn người dân có nhu cầu nuôi yến, trong thời gian tới Chi cục Thú y tỉnh sẽ tham mưu cấp trên về quy định nuôi yến cụ thể hơn cho phù hợp với địa bàn. Bên cạnh đó, chi cục kết hợp hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến khai báo nuôi chim yến cho phòng chuyên môn cấp huyện; kiểm tra việc thực hiện quản lý, phối hợp công tác, chế độ báo cáo của phòng chuyên môn cấp huyện; đồng thời tập hợp số liệu thống kê về hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo và tổ chức kiểm tra hoạt động chăn nuôi chim yến đề quản lý về chăn nuôi và dịch bệnh.
Cần khoản vốn đầu tư nhất định
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của nghề nuôi chim yến trong nhà vẫn là vốn đầu tư và kỹ thuật. Theo các chuyên gia, ngành chức năng cần sớm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nuôi chim yến trong nhà đại trà cho bà con nông dân, đồng thời có chính sách hỗ trợ nhằm bảo tồn và phát huy đàn yến tại địa phương giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Một khó khăn nữa là, chim yến là loài chim hoang dã, tự kiếm ăn và tìm chỗ làm tổ, người nuôi không thể can thiệp được và hành trình bay mỗi ngày của chim yến chúng ta cũng không thể xác định được. Vì vậy, công tác phát hiện, bao vây, khoanh vùng khống chế dịch trong trường hợp có dịch trên đàn yến sẽ gặp rất nhiều khó khăn…
Theo kinh nghiệm của các nhà nuôi yến, người nuôi có thể bắt đầu với nhàyến đơn giản, chi phíđầu tư rẻ (kiểu nhàtrệt cấp 4, bên trên là khung sắt, tôn chống nóng). Sau vài năm cóthểmởrộng bằng cách xây nhàkiên cốlân cận. Cách nuôi này có thuận lợi là chi phíđầu tư thấp, nhưng khả năng yến vào không nhiều; còn nếu xây kiên cố ngay từ đầu đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và phải xin phê duyệt khi xây dựng, nhưng bù lại yến về nhiều. Cũng cần lưu ý, khi nuôi yến người nuôi cũng phải tính toán hạn chế tiếng ồn từ máy “dẫn dụ” chim yến và ô nhiễm cho khu vực xung quanh.
Ông Nguyễn Thanh, ở xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng chia sẻ, để mở rộng quy mô nuôi yến, trong thời gian tới ông sẽ tiếp tục đầu tư xây thêm nhà nuôi yến theo đúng quy cách trên với tổng diện tích 500m2. Đây là bước đi cần thiết khi mà giá trị của tổ yến ngày càng cao, mang lại thu nhập ổn định.
Mặc dù nghề nuôi yến trong nhà trên địa bàn tỉnh còn mang tính tự phát nên hiệu quả đem lại chưa cao, song có thể nói, đây là nghề mới, nếu đầu tư hiệu quả sẽ cho thu nhập cao. Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia, việc nuôi yến không phải dễ thực hiện bởi đòi hỏi phải có nhiều vốn và chịu khó học tập kinh nghiệm nuôi yến thì mới mong thành công.
VÂN NHI