Có hiệu lực từ 1-5-2013, Bộ Luật lao động (sửa đổi) sẽ quy định thời gian nghỉ Tết của công chức tăng từ 4 lên 5 ngày; thời gian nghỉ sinh của lao động nữ được tăng lên 6 tháng.
Ngày 16-7, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố các văn bản luật vừa được thông qua tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa 13.
Theo nội dung của Bộ luật Lao động sửa đổi (có hiệu lực từ 1-5-2013), lao động nữ sẽ được nghỉ sinh 6 tháng thay vì 4 tháng như hiện nay, thời gian nghỉ Tết của công chức là tăng từ 4 lên 5 ngày. Trường hợp sinh đôi trở lên, cứ thêm một trẻ người mẹ lại được nghỉ thêm một tháng. Trong thời gian nghỉ sinh, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động...
Thời gian nghỉ Tết của công chức sẽ được tăng thêm một ngày. Ảnh minh họa Có hiệu lực từ đầu năm 2013, Luật Biển Việt Nam được xây dựng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Luật cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới.
Gồm 7 chương, 55 điều, luật bắt đầu xây dựng từ năm 1998 trên cơ sở các quy định của Công ước Luật biển 1982, có tham khảo các thông lệ quốc tế, trong đó có thực tiễn của các nước và yêu cầu phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng của Việt Nam.
Luật Phòng, chống rửa tiền, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013 được kỳ vọng sẽ góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia. Về tổng thể, cơ chế phòng, chống rửa tiền theo luật này được thực hiện chủ yếu thông qua việc thiết lập một cơ chế thu thập, xử lý các thông tin về nhận dạng khách hàng, thông tin về giao dịch bất thường, giao dịch có giá trị lớn để xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất, sàng lọc, xác định các giao dịch có nguy cơ liên quan đến hành vi rửa tiền được thực hiện thông qua các giao dịch tại các tổ chức tài chính, các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan. Luật Phòng, chống rửa tiền có 5 Chương, 50 Điều, được xây dựng theo hướng quy định, chi tiết cụ thể, số lượng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật không nhiều.
Luật bảo hiểm tiền gửi có 7 chương, 39 điều được ban hành nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Luật này đã đạt một bước tiến trong việc xác định rõ Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi. Để khắc phục những hạn chế trong quy định về chủ thể được bảo hiểm tiền gửi, Luật quy định chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân mà không bảo hiểm tiền gửi của hộ gia đình tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh.
Ngoài các văn bản luật trên, cùng ngày, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố các văn bản luật khác gồm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Giá; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Giám định tư pháp; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật Quảng cáo; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012 và Nghị quyết về việc thi hành Luật xử lý xử lý vi phạm hành chính.
Theo VNE