Ngôi nhà độc đáo này được lắp ráp bằng 8.800 vỏ chai nhựa với nhiều sắc màu khác nhau. Với vẻ ngoài dễ thương, công trình này không chỉ là thư viện, chốn nghỉ chân của người dân Tuệ Viên mà còn giúp lan truyền cảm hứng bảo vệ môi trường tới bất cứ ai đã từng ghé thăm.
Thư viện đọc sách làm bằng... 8.800 vỏ chai phế thải
Nằm cách trung tâm TP hơn 10km về hướng đông, nông trại Tuệ Viên (Long Biên, Hà Nội) giống như một thế giới khác. Không gian ở đây tràn ngập cỏ cây, yên tĩnh và thoáng đãng. Giữa những khu vườn trồng toàn rau củ quả theo phương pháp hữu cơ, có một ngôi nhà sừng sững hiện lên với vẻ ngoài độc đáo.
Căn nhà này chủ yếu xây bằng vỏ chai, ngoài ra có dùng thêm gạch, tre nứa và xi măng để kết dính. Dù làm bằng vật liệu tái chế nhưng gian nhà nhỏ nhìn khá vững chãi. Nó cao ráo, nhiều cửa sổ, mái và hiên dốc thoải, phủ tôn lạnh tạo cảm giác mát mẻ.
Phần đuôi chai sẽ hướng ra bên ngoài
Tất cả các đầu chai quay vào bên trong. Màu vỏ chai được phân bố theo chủ ý của KTS
Mục đích chủ yếu là tạo nguồn ánh sáng tự nhiên đẹp mắt cho căn nhà
Gian nhà nhỏ nhưng có nhiều cửa sổ, cửa lối, mái hiên cao và có phần hở để thông gió đối lưu
Xung quanh có nhiều cây xanh, giúp ngôi nhà thoáng mát vào mùa hè
Căn nhà được trang trí bằng những đồ vật khá xinh xắn
Ý tưởng xây dựng ngôi nhà này do chị Nguyễn Thị Phương Liên (chủ nông trại Tuệ Viên) cùng kiến trúc sư Nguyễn Đức Duy và những người bạn của họ chung sức nghĩ ra. Khoảng tháng 6/2015, những người nông dân làm việc trong nông trại bắt đầu thu thập vỏ chai để xây cất căn nhà.
Chị Phương, Quản lý chung tại nông trại, một trong những người tham gia làm công trình này cho biết, ngôi nhà hợp lại từ 8.800 vỏ chai nhựa. Để thu gom đủ số vỏ chai, chị Phương và mọi người đã làm việc cật lực suốt 3 tuần. "Việc tìm vỏ chai không dễ dàng vì phải chọn vỏ có kích thước đồng đều".
Khoảng tháng 6/2015, nông trại Tuệ Viên khởi công căn nhà vỏ chai. "Thời gian đó đúng vào đợt nắng nóng nhất trong năm. Bọn mình chọn lúc ấy vì còn phải lo phơi cát để lấp đầy những vỏ chai nhựa".
Bên trong ngôi nhà bày một số tủ sách nhỏ
Thư viện này phù hợp cho cả người lớn và trẻ nhỏ
Chị Phương nói mỗi chiếc chai nhựa phải đổ đầy cát vào trong để nó có độ chắc bền giống như một viên gạch. Cát ở trong đó được phơi đi, phơi lại giữa tiết trời nắng nóng hơn 40 độ C. Khi xây, đầu chai sẽ hướng vào bên trong và đuôi nhô ra ngoài. Kết cấu căn nhà do KTS Đức Duy thiết kế khá tinh tế. Ngoài cửa chính, cửa sổ, mái thoải thoáng gió, căn nhà còn đan xen giữa các loại màu của vỏ chai, tạo ra nguồn ánh sáng đẹp mắt dù khi đã tối trời và không thắp điện bên trong.
Quá trình xây nhà kéo dài hơn 3 tháng. Sau khi hoàn thành, nó trở thành một thư viện nhỏ. Không chỉ là chốn nghỉ chân cho công nhân, nhân viên của nông trại, thư viện nhà chai còn là điểm đến của nhiều bạn trẻ, khách tham quan muốn tìm hiểu một cuộc sống khác, yên bình hơn so với nhịp sống năng động của Hà Nội.
Ước muốn lan tỏa cảm hứng bảo vệ đất tới cộng đồng
Nhà chai nằm giữa khuôn viên nông trại Tuệ Viên giờ đây trở thành một thư viện sách rất bình lặng. Đáng lẽ, người dân ở đây có thể xây nó bằng gạch, bê tông, sắt thép thông thường nhằm tiết kiệm thời gian, công sức nhưng thay vì điều đó, họ dành nhiều tâm huyết để sử dụng hiệu quả chất liệu tái chế.
Không chỉ làm bằng vật liệu tái chế ngôi nhà này còn được thiết kế nhằm đảm bảo ấm về đông, mát về hè, nhiều ánh sáng và tiết kiệm năng lượng.
Cửa sổ...
Hay cửa lối đều được làm bằng tre
Nói về ý nghĩa của ngôi nhà, chị Phương chia sẻ, đây được xem là một "món quà tri ân với đất". "Phải làm nông nghiệp thì mới hiểu hết ý nghĩa của đất. Đáng tiếc là bây giờ môi trường ô nhiễm nặng quá. Đủ loại rác thải, chai nhựa bị chôn vào đất, không biết bao lâu sau mới phân hủy hết... Bọn mình muốn làm ngôi nhà chai vì rất nhiều ý nghĩa. Đầu tiên là tái sử dụng 8.800 vỏ chai. Thứ hai là muốn lan tỏa cảm hứng đến cộng đồng, muốn mọi người thấy rằng những vật liệu tái chế vẫn còn rất hữu ích, muốn họ hiểu và trân trọng hơn môi trường mình đang sống".
Nơi ngồi đọc sách bên ngoài căn nhà
Chị Phương tâm sự, khi thu gom vỏ chai, hơn 8.000 vỏ chai hầu hết đều còn 50% nước ngọt, nước suối bên trong. "Điều đó chỉ làm cho việc thu gom trở nên vất vả thêm một chút nhưng chủ yếu nó làm cho bọn mình nhận ra mọi người đang rất lãng phí, ngoài tiền bạc, đồ uống còn lãng phí nước ngọt, nguồn tài nguyên rất quý ở nhiều nơi".
Theo Trí Thức Trẻ