Mặc dù đã nhiều lần ghé thăm, đã thân quen nhưng sao mỗi lần đến vẫn rưng rưng cảm động. Cảm động khi lần đầu tiên thấy mấy đứa trẻ bị bỏ rơi được các cô bồng vào nuôi nấng, chăm sóc trong một ngôi chùa nhỏ bé. Cảm động khi được biết một trung tâm cho trẻ mồ côi của chùa được khởi công xây dựng. Và bây giờ, cảm động khi chứng kiến các cháu bé chuyển về... nhà mới. Một ngôi nhà chung khang trang, tiện nghi. Đó là Trung tâm Nuôi dạy trẻ (người dân thường gọi là chùa Thầy Thỏ) ở số: 5/1 ấp Bình Phước B, xã Bình Chuẩn, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Kinh phí xây dựng trung tâm dự trù 7 tỷ đồng nhưng đến nay đã gần 10 tỷ đồng. Theo thực tế xây dựng đã phát sinh thêm tầng trên cộng thêm vật giá leo thang từng ngày nên số tiền tăng lên gấp rưỡi so với dự kiến ban đầu.
Ni sư Thích nữ Từ Thảo cùng các bé mồ côi nhỏ tuổi nhất
Quy mô của tòa nhà 3 tầng có hơn 40 phòng ở. Toàn bộ khuôn viên chùa rộng 12.000m2 trong đó diện tích xây dựng trung tâm là 2.400m2. Đưa chúng tôi đi tham quan, ni sư Thích nữ Từ Thảo giới thiệu: “Tầng 1 dành cho ni chúng nội trú, đang theo học tại trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương. Tầng 2 và tầng 3 dành cho trẻ mồ côi. Với các trẻ ở đây còn có phòng sinh hoạt chung, có thư viện để đọc sách, có phòng học nhạc, họa...”. Trong chùa cũng dành khoảng không gian riêng để xây dựng phòng đón khách đến thăm, có trà thất để tiếp đãi khách... Đến nay, hầu hết các cô ở chùa đều biết cách chăm sóc trẻ, bằng tình thương, bằng lòng nhân ái, cùng với sự quyết tâm, kiên trì, nhẫn nại của các sư cô trong chùa mà mọi khó khăn cũng qua và dần trở nên quen thuộc với công việc nuôi dạy trẻ.
Ni sư Thích nữ Từ Thảo, trụ trì chùa luôn cười tươi khi nói đến những “đứa con” của mình. Dường như trời phật ban cho cô một nghị lực rất lớn để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng này. Nuôi 1 - 2 đứa trẻ đã vô cùng vất vả! Thế mà với cô, mọi chuyện lại trôi êm một cách nhẹ nhàng. Bởi có lẽ, tất cả đã được bao bọc bởi tình thương yêu...
Nói về các trẻ mồ côi ở đây, cô Thảo tâm sự: “Trung tâm hiện có 40 trẻ, đa phần các bé còn rất nhỏ, cháu lớn nhất học lớp 5. Cháu nhỏ nhất mới vài tháng tuổi. Tất cả các bé đều được tôi đứng ra làm giấy khai sinh và mang họ của tôi. Tôi đặt cho các bé nhiều cái tên thật đẹp và ý nghĩa, bé trai là: Trí Phước, Trí Thành, Trí Nhân, Trí Hậu... Còn bé gái thì: Thảo Đoan, Thảo Trang, Thảo Ngân, Thảo Hà... Tất cả đều có giấy tờ đàng hoàng để sau này các cháu còn đến trường và học hành tử tế, được như vậy tôi mới thật sự yên lòng”.
Trong suốt thời gian qua dù vất vả khó khăn, chi phí sinh hoạt cho mỗi tháng trên 50 triệu đồng nhưng các cô luôn cố gắng hết sức bên cạnh đó nhận được sự tài trợ của nhiều tổ chức, cá nhân. Để có tiền lo cho các cháu hàng ngày, ngoài việc chăm lo cho trẻ, các cô ở chùa còn phải làm thêm nhiều việc như làm bao bì giấy carton cho các cơ sở có nhu cầu, làm đèn cầy bán, bán nhang, sản xuất nước rửa chén, bán chuỗi hạt để kiếm thêm chi phí nuôi dưỡng cho các bé .
Điều mà cô Thảo lo nhất cho... đàn con của mình là vấn đề giáo dục. Vật chất thì có thể thu xếp ổn thỏa nhưng việc nuôi dưỡng những tâm hồn đã có “vết hằn” thì không phải dễ. Cô cho rằng, đến khi nào các cháu có thể tự tin trong cuộc sống, không bao giờ “lạc lối” trong tương lai thì việc tôi làm hôm nay mới thật sự có kết quả. Thế nên việc học của các bé ở đây rất được quan tâm. Hiện, có 5 bé học mẫu giáo bán trú (trường Hoa Mai 5, Bình Chuẩn). Các bé được giảm học phí 50.000 đồng/tháng/bé. Còn lại cô đóng học phí hàng triệu đồng tiền ăn để các bé học bán trú bình quân 350.000 đồng/tháng/bé. Với những em đã lên lớp 4, lớp 5, các cô ở trung tâm cũng tự đưa đón đi học bằng xe máy chứ không cho bé đạp xe đến trường vì “xe cộ đông đúc thế kia, ai mà yên tâm cho con đi học một mình được?”.
Cái khó vẫn là thiếu nhân lực để chăm sóc bé thật chu đáo. Điều cần thiết là phải luôn nhận được sự quan tâm thì các trẻ ở đây mới khỏa lấp được nỗi trống vắng thiếu tình thương của ba mẹ. Tiếp đến là cần lắm những tấm lòng vàng, những người hảo tâm dành cho các em để cuộc sống các em không bị vất vả, thiếu thốn...
Những việc làm nhân nghĩa ở trung tâm này nhằm bù đắp thiệt thòi cho các bé khi sinh ra vì một lý do nào đó của bậc sinh thành mà các em phải chịu bị bỏ lại nơi cổng chùa. Tình mẫu tử vẫn bao la vời vợi. Và cũng đã có phép mầu xảy ra. Bởi, đâu đó trong cuộc sống này, những người mẹ vẫn đau đáu nhớ về đứa con bé bỏng ngày nào của mình. Cô Từ Thảo kể trong niềm vui: “Đã có 6 em nhận lại mẹ ruột của mình. Những khi như thế, tôi buồn vui lẫn lộn, một tình cảm kỳ lạ lắm. Buồn vì những đứa trẻ mình coi như con, yêu thương hết mực nay phải chia xa. Nhưng cũng vui lắm bởi các em tìm được cội nguồn của mình. Tình cảm ruột rà là tình cảm thiêng liêng nhất. Thế nên, mỗi khi có người đến nhận con, tôi thường tạo điều kiện để họ báo với chính quyền địa phương, chứng minh giấy chứng nhận kết hôn, chứng minh đúng là mẫu tử ruột rà thì sẽ cho các bé nhận lại cha mẹ ruột của mình. Tôi coi đó là một sự chia ly đã được đoàn tụ. Và tôi cầu mong cho gia đình họ, cho gia đình mới của những đứa con tôi có một cuộc sống thật êm đềm...”.
Vẫn là những buổi trưa chúng tôi tranh thủ đến thăm. Vẫn là hình ảnh các bé ôm bình sữa ngủ ngon lành. Nhưng giờ đây, giấc ngủ của các bé bình yên, mát mẻ hơn biết bao trong những căn phòng rộng rãi, dễ thương này...
QUỲNH NHƯ