Ngón ngắn, ngón dài

Cập nhật: 29-11-2014 | 10:46:23

Mẹ thở dài khi lật từng trang quyển bài tập toán của con. Nét chữ ngoằn ngoèo như cua bò, gạch xóa tứ tung. Hầu như tất cả bài làm đều lẹt đẹt điểm 5, 6.

Nhắc con hoài, nét chữ phần nào thể hiện nết người, phải ráng viết cho dễ nhìn. Tập vở rối rắm thế này nên học không thông là phải. Mẹ mở xem bìa cuối. Con sử dụng vở kiểu “đa năng”. Phía trước là bài tập chính thức, từ phía sau ngược trở lại là… "thùng rác", viết, vẽ linh tinh. Ham chơi, không tập trung nghe giảng, kiểu này làm sao tiến bộ nổi. Mẹ vừa đọc vừa giận. Dự định sẽ quát cho một trận. Bỗng mẹ sững sờ dừng lại trước vài dòng nhật ký ngắn ngủn: “Hôm nay bà Kim đánh mình một cái. Đánh xong còn chửi. Mình khóc, ba mẹ không bênh mà còn nghe theo bả mắng mình. Chẳng ai thương. Nhà như cái trại tù”.

Xếp quyển vở vào chỗ cũ, mẹ cẩn thận xóa các dấu vết, làm như chưa từng chạm đến bàn học của con. Chắc con đã rất tức giận nên gọi chị là “bà Kim”. Với con, hình ảnh của chị đúng là áp lực. Cũng phải, ba mẹ suốt ngày khen và muốn con noi gương chị. Đứng đầu lớp chuyên suốt mười một năm liền, Kim hiền hậu, ngoan ngoãn, nền nếp. Không mê chơi như con, chị suốt ngày chỉ học. Rảnh thì chị tập đàn, tập hát, đùa với em mèo hoặc xem các chương trình thế giới động vật.

Còn con, tính cứng cỏi như trai, trái hẳn vẻ thùy mị nết na của chị. Con không ham học, rảnh một tí là dắt xe đạp ra phố đi chơi, có lần còn dám trốn tiết học thêm để tập họp bè bạn trên mạng làm một đội bóng nữ. Con làm thủ lĩnh kiêm tiền đạo của đội bóng ấy, tập luyện cả tháng gia đình mới biết. Trong một tháng đó, việc học của con tuột dốc không phanh. Cái tát của chị Kim cũng vì nguyên nhân này. Cứ như vậy, trách sao cả nhà không dồn hết sự quan tâm vào con.

 Mẹ còn nhớ, năm học nào con cũng đôi lần bị cô giáo gửi giấy mời phụ huynh lên thông báo lỗi lầm, tìm hướng khắc phục. Ba bảo đi họp phụ huynh cho con mắc cỡ lắm. Vô phòng ngồi nghe chuyện con cái nhà người ta phát ham. Đến lượt con, lần nào cô giáo nhận xét cũng làm ba “ê mặt”. Ở nhà, ba luôn gắt gỏng mỗi khi trò chuyện với con.

Ba đánh thì mẹ nên xoa. Nhưng hình như mẹ cũng thường đứng về phía ba trong những lần con bị chỉ trích. Cả chị Kim cũng nhiều lần đưa ra “kỷ luật thép” khi được ba mẹ trao toàn quyền giám sát chuyện học hành mỗi ngày của con. Chữ con không được đẹp nhưng thật ra con cũng đã cố gắng rất nhiều. Con học chưa giỏi nhưng con nhạy bén, là một cô bé hướng ngoại, thích hoạt động thể thao. Con cởi mở và xử lý tình huống thực tế nhanh hơn chị. Ba mẹ chưa bao giờ lấy những ưu điểm đó để khen con. Mọi người chỉ mải lo đặt một vòng vây kiểm soát rồi “siết” con đến khó thở.

 Nếu hôm nay không tình cờ đọc được những dòng nhật ký, hẳn mẹ chẳng bao giờ nghĩ tới tâm trạng bức bối của con. Có phải thời gian qua con đã rất cô đơn? Có phải con rất cố gắng để tốt hơn, nhưng chưa làm được? Có phải cả nhà áp dụng sai phương pháp khi phê bình, khiến con cảm thấy bơ vơ, chán nản?

Mẹ xin lỗi con nhiều. Khi bị chỉ trích, ai chẳng bực mình phải không con? Người lớn còn không tránh khỏi sự tổn thương, huống hồ con chỉ là một cô bé đang tuổi dậy thì. Tối nay mẹ sẽ nói chuyện với ba và chị. Gia đình sẽ âm thầm thay đổi cách quan tâm, sẽ khuyến khích và nhìn nhận ưu điểm của con nhiều hơn. Mẹ tin rồi con cũng thay đổi theo chiều hướng tốt. Con gái của mẹ sẽ dần cảm giác bình yên thoải mái hơn.

Chị Kim đúng là một hình ảnh con gái chuẩn mực mà ba mẹ mong muốn. Nhưng bây giờ mẹ nhận ra, điều đó không có nghĩa là con cũng phải giống chị. Bàn tay có ngón ngắn ngón dài, ngón nào cũng là một phần của thân thể, đều quan trọng như nhau.

Theo PNO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=702
Quay lên trên