Người cách mạng phải “nói đi đôi với làm”

Cập nhật: 07-05-2012 | 00:00:00
 (Theo bài giảng của Giáo sư Hoàng Chí Bảo Chuyên viên cao cấp Hội đồng Lý luận Trung ương)Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa lớn, là sự kết tinh của những gì ưu tú nhất, quy tụ những giá trị tốt đẹp nhất làm nên văn hóa của dân tộc Việt Nam. Người là tấm gương lớn về đạo đức cách mạng, từ tư tưởng và trí tuệ, tâm hồn và tình cảm, đạo đức và lối sống, cốt cách và bản lĩnh Việt Nam. Bác Hồ của chúng ta là một con người giản dị nhưng thực sự vĩ đại. Triết lý của Hồ Chí Minh là triết lý vì dân, tất cả vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Bác đưa cả dân tộc chúng ta từ nô lệ đến tự do và làm cho mỗi con người Việt Nam có thể ý thức được vị trí của mình và giá trị của mình trong cuộc sống. Bác nói là: “Chúng ta làm tất cả những gì có lợi cho dân, khó mấy cũng làm cho bằng được và những gì có hại cho dân, dù chỉ một cái hại nhỏ thôi cũng phải tránh cho bằng được”. Và Bác khuyên cán bộ, đảng viên là: “Đảng viên đi trước, làng nước đi sau”. Bác nói: “Gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất khi Đảng đã cầm quyền vì một tấm gương tốt còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn”.Sinh thời, Bác dạy chúng ta là nói ít, làm nhiều, chủ yếu là hành động. Cuộc đời Bác là tấm gương về thực hành và Người để lại cho chúng ta 5 bài học lớn. Bài học thực hành thứ nhất gắn lý luận với thực tiễn và Người chủ trương là từ thực tiễn để kiểm tra lý luận và phát hiện lý luận mới. Đó là phẩm chất tư duy độc lập sáng tạo của Hồ Chí Minh. Bài học thực hành thứ hai là thực hành về dân chủ. Hồ Chí Minh không chỉ là nhà lý luận về dân chủ mà còn là người thực hành về dân chủ rất mẫu mực. Bác để lại cho chúng ta một câu nói nổi tiếng là “dân chủ chính là dân làm chủ”. Bác còn nói thực hành dân chủ là chiếc chìa khóa duy nhất giải quyết được mọi khó khăn. Trên thế giới này, có lẽ Hồ Chí Minh là hình ảnh đẹp nhất của một vị lãnh tụ mà gần dân, thân dân, quý trọng dân và làm tất cả cho dân được hưởng hạnh phúc. Bác đặc biệt chú trọng đến thực hành dân chủ trong Đảng, vì dân chủ trong Đảng sẽ là tấm gương thúc đẩy toàn bộ dân chủ trong xã hội. Bác lại dặn cán bộ, đảng viên là: “Các cô, các chú nhớ là dân chủ chứ không được làm quan chủ”. Tức là quyền lực của dân ủy thác cho mình phải thực hiện. Bác lại dặn: “Cán bộ phải là đầy tớ, công bộc của dân chứ không được lên mặt quan cách mạng...”. Bài học thực hành thứ ba của Người là thực hành về đoàn kết. Đây cả là một chiến lược đại đoàn kết của Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”. Mà có dân chủ thực chất thì mới đoàn kết thực chất được, nó mới dẫn đến cái gọi là sức mạnh đồng thuận của xã hội. Bài học thực hành thứ tư rất mẫu mực ở Người là thực hành dân vận. Công tác xã hội với quần chúng, vận động không sót một người nào, không phí phạm tài năng nào dù nhỏ nhất, bởi vì sức mạnh ở trong dân, quyền lực, lợi ích là ở trong dân. Mà dân vận ở Hồ Chí Minh là “không được chỉ tay năm ngón, không được hành chính mệnh lệnh”, mà “phải óc nghĩ, mắt nhìn, tai nghe, miệng nói, chân đi, tay làm”. Bài học cuối cùng là thực hành đạo đức cách mạng. Đây là thực hành lớn nhất, xuyên thấm tất cả những thực hành trong cuộc đời của Hồ Chí Minh, là mẫu mực đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chúng ta: “Cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”. Mà phải đủ cả 4 đức mới là người hoàn thiện. Thiếu một đức là không thành người. Và có đạo đức cách mạng thì Đảng mới trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh.Trong thời kỳ xây dựng đất nước công nghiệp hóa, đổi mới và hội nhập hiện nay, những bài học chúng ta phải luôn luôn học tập từ tấm gương sáng ngời của Bác Hồ suốt đời đó là: Động cơ và lối sống, động cơ vì nước vì dân và làm tất cả những gì vì hạnh phúc của nhân dân, làm tất cả những gì có thể phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Đây là lẽ sống cao cả nhất của Người và vì thế mà mình hy sinh cả đời mình. Có lẽ chỉ có duy nhất Hồ Chí Minh là một mẫu mực của việc vượt ra khỏi mọi cám dỗ của vòng danh lợi, vượt ra mọi cám dỗ của chủ nghĩa cá nhân, đánh bại chủ nghĩa cá nhân mà người coi là cuộc chiến đấu lâu dài trong cả cuộc đời. Học tập Bác ở động cơ sống cao thượng như vậy thì mới có đủ nghị lực sống, vượt qua mọi khó khăn, vất vả hy sinh để làm trọn sự nghiệp của mình.Thứ hai là học phương châm hành động của Bác, lời nói đi đôi với việc làm. Bác dặn người cách mạng là phải ít lòng ham muốn về vật chất, nghĩa là phải hy sinh, lời nói đi đôi với việc làm. Đấy chính là phẩm chất trung thực về đạo đức, đó là bản lĩnh văn hóa, sâu xa hơn nữa là sức mạnh của trí tuệ. Thứ ba là phải sống giản dị, tự nhiên, trung thực như chính cuộc đời mà Bác là một mẫu mực. Điều này gắn với vấn đề dân chủ, gắn với vấn đề gần gũi dân chúng, tôn trọng nhân cách của từng người. Điểm cuối cùng học Bác lúc này cần nhất cho chúng ta là thực hành dân chủ, trọng dân, trọng pháp để có sức mạnh chống lại chủ nghĩa quan liêu - cái mà phản cảm nhất trong tâm trạng, ý thức của dân chúng để có thể bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng và đưa sự nghiệp của chúng ta tới thành công. D.T
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=463
Quay lên trên