Người có công bị mất hồ sơ: Sẽ sớm được hưởng chế độ

Cập nhật: 02-07-2014 | 00:00:00

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chế độ, chính sách ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn nhiều trường hợp NCC là thương binh, liệt sĩ bị mất hồ sơ gốc nên chưa được hưởng các chính sách ưu đãi. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) và Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP nhằm bảo đảm không để trường hợp NCC mà không được hưởng chính sách.  

Công ty Sabeco Miền Đông tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách ở Phú Giáo

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, đến nay cả nước đã xác nhận hơn 8,8 triệu NCC, trong đó hơn 1,5 triệu người đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước. Về cơ bản, hầu hết những NCC với cách mạng đã được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn nhiều trường hợp NCC bị mất hồ sơ, giấy tờ gốc nên chưa được hưởng các chế độ, chính sách. Có nhiều trường hợp chiến đấu và bị thương từ thời chống Pháp nhưng đến giờ chưa được công nhận là thương binh vì mất giấy tờ gốc. Các đối tượng bị thất lạc hồ sơ đa phần là những người chuẩn bị được xuất ngũ trở về, họ quá vui mừng khi trở về với quê hương, gia đình nên không quan tâm nhiều đến giấy tờ, vì vậy, hồ sơ gốc của họ bị thất lạc nhiều năm. Có trường hợp do cơ quan quân sự địa phương không quan tâm lưu giữ các giấy tờ gốc, đến khi lập hồ sơ giải quyết các chế độ, chính sách thì không còn.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Đảng, Nhà nước đã ban hành và thực hiện nhiều chế độ, chính sách đối với NCC, đã có nhiều văn bản hướng dẫn giải quyết các trường hợp NCC bị mất hồ sơ gốc. Tuy nhiên, đến năm 2009, cả nước còn tồn đọng trên 8.000 trường hợp vì nhiều lý do (không còn lưu giữ được hồ sơ, giấy tờ gốc, không còn thân nhân kê khai...) vẫn chưa được giải quyết chế độ. Đây cũng là vấn đề bất cập nhất hiện nay. Trước tình trạng đó, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành kế hoạch nhằm giải quyết hết các hồ sơ tồn đọng này và đã phối hợp với các địa phương, bộ, ngành liên quan giải quyết được hơn 3.000 trường hợp.

Trước tình hình này, Bộ LĐ- TB&XH cùng Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 28/2013/ TTLT-BLĐTBXH-BQP hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Thông tư này hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đối với người hy sinh, bị thương trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu từ ngày 31-12-1991 trở về trước không còn giấy tờ và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-12-2013.

Thông tư 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP có nhiều điểm mới, giúp NCC bị mất hồ sơ dễ dàng hơn trong việc xác nhận và tăng tính công khai, minh bạch trong việc xét duyệt, giải quyết chế độ cho NCC. Theo đó, cá nhân, tổ chức, cơ sở lập xác nhận ban đầu rất quan trọng đối với các đối tượng NCC. Trước tiên, địa phương của đối tượng đó phải lập danh sách và công khai danh sách đó để mọi người xác nhận, xác nhận từ nhiều nguồn. Đối với đối tượng từng là quân nhân, Hội đồng chính sách xã và Hội Cựu chiến binh phải có trách nhiệm xem xét, xác nhận xem người đó có đi bộ đội không, có tham gia kháng chiến không, vào thời điểm nào... sau đó, chuyển cơ quan chức năng của huyện, của tỉnh, quân khu. Tùy theo từng loại đối tượng, nếu là liệt sĩ sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình, nếu là thương binh sẽ được giám định thương tật để giải quyết theo chế độ. Quy trình hoàn thành hồ sơ theo Thông tư 28 giúp người xác minh đối tượng chính xác, khách quan, đồng thời cũng góp phần ngăn chặn gian lận đã từng xảy ra trong quá khứ.

NGỌC THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=405
Quay lên trên