Cứ mỗi dịp đất nước kỷ niệm những ngày lễ lớn, tôi lại bồi hồi nhớ về chị với một cảm giác như người mắc lỗi. Kể từ ngày làm báo đến nay, cơ duyên đã đưa tôi trở thành một người thân trong gia đình của chị. Tôi đã nhiều lần đọc và tìm hiểu về cuộc đời của chị. Và mỗi lần như thế, tôi thầm hứa phải viết về những chiến công của chị. Nhưng rồi tôi lại chưa viết được! Hôm nay, trong những ngày tháng tư sục sôi, tôi lại nhớ đến chị và xin được kể với bạn đọc câu chuyện về chị: Liệt sĩ Nguyễn Thị Kim Phượng (còn có tên là Trần Thị Vẹn), nguyên Đại đội trưởng Đại đội nữ Bến Cát (C5) - người con ưu tú của quê hương Thanh An, Dầu Tiếng anh hùng…
Liệt sĩ Nguyễn Thị Kim Phượng
Mỗi lần lên Dầu Tiếng công tác, có dịp là tôi lại ghé xã Thanh An thăm cựu chiến binh Trần Quốc Hoàng, em trai của chị Phượng. Lần nào cũng vậy, câu chuyện của chúng tôi đều xoay quanh về những năm tháng chiến đấu của chị. Thỉnh thoảng, anh Hoàng dẫn tôi ra bến sông Sài Gòn, nơi cách đây hơn 40 năm về trước, chị Phượng đã trốn nhà lên đường tòng quân. Vẫn còn đó sông xưa, bến cũ, con đò mà bóng người xưa đâu chẳng thấy. Chiến tranh khốc liệt đã cướp đi biết bao người con ưu tú của dân tộc, trong đó mảnh đất Thanh An hiền hòa có đến 432 liệt sĩ. Những chiều bên bến sông Sài Gòn, tôi thấy đôi mắt của anh Hoàng mang mác nỗi buồn khôn nguôi. Con sông hiền hòa bao đời vẫn chảy, nước trong veo, những cánh bèo lững lờ trôi nhưng dưới lòng sông này, một thời đạn lửa đã hòa biết bao máu xương của cha ông. Những ai đã đi qua cuộc chiến, những người như anh Hoàng càng thấu hiểu nỗi đau của chiến tranh…
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Phượng đã 2 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, một danh hiệu Dũng sĩ diệt cơ giới và một danh hiệu Dũng sĩ diệt máy bay; 3 năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp phân khu và cấp tỉnh; một Huân chương Chiến công giải phóng hạng hai và nhiều bằng khen, giấy khen… Riêng C5, ngày 20-10-1976, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. |
Quê tôi hai tiếng Thanh An/ Hiền từ nhưng rất vẻ vang, anh hùng/Hai cuộc kháng chiến gian truân/Thanh An trung dũng đi cùng nước non… Đó là những vần thơ của Thiếu tướng Võ Thành Đức, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cảm tác về quê hương yêu dấu, rất đỗi kiên cường của ông. Trong suốt chặng đường 30 năm đấu tranh, phong trào cách mạng ở Thanh An đã trải qua bao nỗi thăng trầm, khó khăn nghiệt ngã nhất. Nhưng dù gian khổ đến đâu, đồng bào nơi đây vẫn một lòng hướng về Đảng, về Bác Hồ kính yêu, quyết tâm đưa cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng. Bến Chùa, Cỏ Trách, Bến Tranh, Cần Nôm, Suối Dứa… là những địa danh còn in đậm biết bao chiến công chói lọi của đất Thanh An anh hùng, của biết bao máu xương cán bộ, chiến sĩ trên mọi miền Tổ quốc và trong đó có xương máu của chị Phượng, người con ưu tú của vùng đất này.
Năm 1964, mới 17 tuổi chị đã trốn nhà đi bộ đội, đến năm 1967, khi huyện Bến Cát thành lập Đại đội nữ, chị Phượng được tổ chức điều về xây dựng đơn vị, giữ chức vụ trung đội phó rồi đại đội phó… Đến năm 1972, chị là Đại đội trưởng C5, nổi tiếng đánh giặc rất ngoan cường. Trong mùa xuân xuống đường Tết Mậu Thân 1968, chị Phượng cùng C5 phối hợp với đơn vị pháo binh của Sư đoàn 7, chủ lực Miền đánh vào chi khu quân sự Bến Cát, căn cứ dã chiến thuộc Trung đoàn 8, Sư đoàn 5 bộ binh ngụy. Đây là một trận đánh vang dội của quân ta, phá hủy 10 xe quân sự, 2 khẩu pháo 105 ly và loại khỏi vòng chiến đấu gần 200 tên địch. Phân đội cối thuộc C5, do đồng chí Nguyễn Thị Kim Phượng chỉ huy được cấp trên khen ngợi về tinh thần chiến đấu dũng cảm và đầy mưu lược.
Chiến công nối tiếp chiến công, đầu tháng 8-1968, khi địch sử dụng 2 tiểu đoàn bộ binh Mỹ và 2 chi đoàn xe bọc thép cùng nhiều vũ khí tối tân đánh vào căn cứ Huyện đội Bến Cát và một số đơn vị của ta ở xã Long Nguyên, cùng với các lực lượng vũ trang địa phương, đồng chí Phượng đã chỉ huy C5 bám trụ căn cứ, sử dụng mìn tự tạo, anh dũng quyết chiến với kẻ thù suốt 19 ngày đêm, bắn cháy 41 xe tăng, xe bọc thép và loại khỏi vòng chiến đấu hơn 200 lính Mỹ. Riêng C5 bắn cháy và phá hủy 13 xe tăng, tiêu diệt 50 lính Mỹ, nhiều xe quân sự khác của địch đã giẫm phải mìn do chị Phượng gài, nổ banh xác.
Kể sao cho hết những chiến công oanh liệt của người chỉ huy “đội quân tóc dài” nổi tiếng năm xưa. Năm 2014, khi Huyện đội Bến Cát lập hồ sơ, báo cáo thành tích của chị Phượng nhằm đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho chị, đọc những dòng chữ ghi lại chiến công của chị, tôi càng ngạc nhiên và khâm phục người phụ nữ ấy. Nghe tin chị gái mình đang được đề nghị truy tặng danh hiệu anh hùng, anh Hoàng lại rủ tôi đi thăm nơi chị yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Bến Cát. Rồi tôi và anh trở lại khu vực ngã ba Thùng Thơ, xã An Tây, nơi ngày 11-4-1973, chị đã anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trời hôm đó mưa như trút nước, cơn mưa đầu mùa đã mang lại sự tươi mới sau những ngày nắng gay gắt. Bên quán nước ven đường, anh Hoàng bùi ngùi kể lại: “Vào ngày 25- 5-1973, mẹ tôi sau bao năm trông ngóng con gái chưa về, bỗng thấy cán bộ xã mang đến tờ giấy báo tử! Trời đất như sụp đổ, cả nhà tôi khi ấy như chết lặng. Thế là chị đã ra đi và mãi mãi không trở về. Sau này vào bộ đội, tôi tìm hiểu thêm và biết được hoàn cảnh lúc chị hy sinh. Hôm đó, buổi chiều trên đường chị tôi đi dự hội nghị thi đua quyết thắng ở Chiến khu Đ trở về thì sa vào ổ phục kích của địch. Mìn nổ, đôi chân chị tôi gãy nát nhưng vẫn kiên cường bắn trả kẻ địch đến viên đạn cuối cùng rồi anh dũng hy sinh. Chị tôi ngã xuống trước sự chứng kiến của bà con và được bà con chôn cất từ tế. Sau giải phóng, chính quyền đã đưa chị về yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Bến Cát, nằm bên cạnh các đồng đội của chị…”.
Đôi mắt anh Hoàng lại thoáng buồn. Anh kể, trước lúc hy sinh, chị và một đồng chí cán bộ (hiện còn sống ở TX.Thuận An - PV) chuẩn bị làm lễ tuyên bố kết hôn. Nhưng rồi ngọc đá nát tan, chiến tranh tàn khốc đã làm cho bao trái tim rướm máu, đi vào những vần thơ đượm chất bi hùng: Ai viết tên em thành liệt sĩ/Bên những hàng bia trắng giữa đồng/Nhớ nhau anh gọi em: Đồng chí!/Một tấm lòng trong vạn tấm lòng…
Người em trai Trần Quốc Hoàng noi gương chị gái đã lên đường chiến đấu. Anh đã đi qua cuộc chiến cho đến ngày đất nước thống nhất và trở về sống cuộc đời giản dị tại quê nhà. Thật trùng hợp, những năm trước, chính quyền xã Thanh An đã chọn mảnh đất ở cạnh ngôi nhà của anh để xây dựng nhà tưởng niệm, khắc tên những anh hùng liệt sĩ của xã vào bia ghi công. Có chiến thắng nào mà không mất mát đau thương. Chiến tranh tàn khốc đã chia cắt tất cả, nay tên tuổi của người chị lại được khắc ghi cạnh ngôi nhà của em trai mình. Chỉ còn mấy ngày nữa, cả nước sẽ kỷ niệm ngày thống nhất, chiều nay tôi thấy anh Hoàng lại qua thăm chị gái mình ở nhà bia tưởng niệm…
KIẾN GIANG