Người dân Nga bỏ phiếu cho sự ổn định chính trị

Cập nhật: 08-07-2020 | 10:29:27

Ngày 1-7, tuần lễ trưng cầu dân ý kể từ ngày 25-6-2020 về cải tổ Hiến pháp Nga đã kết thúc. Sở dĩ có đến gần 80% người dân Nga ủng hộ việc cải tổ Hiến pháp là vì họ tin những gì ông Putin đã làm cho họ trong nhiều năm qua và có lẽ trong bối cảnh quốc tế hiện nay, ông là lựa chọn tốt nhất cho sự ổn định chính trị nước Nga.

Theo số liệu của Ủy ban Bầu cử Nga, kế hoạch cải tổ Hiến pháp được 77,92% cử tri ủng hộ, tỉ lệ tham gia khoảng 65% và chỉ có một vùng của nước Nga phản đối việc cải tổ Hiến pháp (vùng Nenetsia thưa thớt dân cư ở Bắc cực, 55,25% cử tri bỏ phiếu chống). Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được Tổng thống Putin đề xuất dự trù được đem ra trưng cầu ý dân vào tháng 4 nhưng tình hình bệnh dịch COVID-19 đã buộc chính quyền dời lại đến nay.

Tổng thống Putin cùng đại diện Giáo hội Chính Thống và các tôn giáo khác đặt hoa bên tường Điện Kremlin.

Phần sửa đổi Hiến pháp đã được Quốc hội lưỡng viện Nga thông qua từ đầu năm nay và vừa được người dân Nga tán thành nêu rõ rằng người Nga "theo tín ngưỡng Chính Thống giáo và có niềm tin vào đức Chúa Trời". Ý tưởng này được cả đảng Cộng sản Nga trong Viện Duma ủng hộ. Các báo Nga, như tờ Moscow Times nói ông Putin sau 20 năm cầm quyền đang muốn trở về truyền thống.

"Là người bảo vệ truyền thống Nga, ông tìm kiếm sự ủng hộ cho việc cổ vũ các giá trị đối nghịch với phương Tây và đi vào hướng bảo thủ", theo trang Moscow Times. Trong số các sửa đổi này có điều khẳng định hôn nhân "chỉ có giữa nam và nữ", trái với một xu hướng ở phương Tây ủng hộ hôn nhân đồng tính.

Dự thảo sửa đổi của Tổng thống Putin cũng ghi vào Hiến pháp Nga rằng "không ai có quyền làm mất đi bất cứ phần nào lãnh thổ Nga". Điều này sẽ "khóa tay" bất cứ người kế nhiệm nào muốn mở ra cuộc đàm phán về lãnh thổ với các nước khác. Hiện nay Nga đang có tranh chấp với Nhật Bản về một số đảo ở Thái Bình Dương, quần đảo Kuril và bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga từ năm 2014 nhưng hiện Ukraine vẫn tuyên bố chủ quyền.

Theo đạo diễn nổi tiếng Vladimir Mashkov, người có tham gia soạn thảo hiến pháp mới thì điều khoản sửa đổi về lãnh thổ sẽ "đảm bảo Kuril và Crimea mãi mãi thuộc về Nga". Cùng lúc, ông Putin tái khẳng định quan điểm cứng rắn về lịch sử Liên Xô giai đoạn Thế chiến 2. Ông nêu ra khái niệm "sự thật lịch sử" trong hiến pháp để bảo vệ thành quả vì tổ quốc vĩ đại.

Cho đến nay, Hiến pháp Liên bang Nga quy định tổng thống chỉ được cầm quyền liên tục 2 nhiệm kỳ và không ai được tái tranh cử sau 4 lần cầm quyền. Nhưng, nhờ sửa đổi mới, ông Putin có thể làm thêm 2 nhiệm kỳ 6 năm nữa, tới năm 2036, khi ông 84 tuổi.

Đây không phải lần đầu tiên ý tưởng để ông Putin tiếp tục nắm quyền được nêu ra. Ngay từ năm 2018, Điện Kremlin đã gợi ý là không có ai hơn ông Putin để cầm quyền, đảm bảo ổn định chính trị Nga. Giải thích hiện tượng này, nhà báo Andrei Koleshnikov viết trên trang Moscow Times (ra tháng 7-2018) rằng sau khi lên cầm quyền từ 1999-2000, ông Putin đã “trở thành nước Nga”.

Người dân Nga bỏ phiếu trưng cầu dân ý về cải tổ Hiến pháp.

Với nhiều người dân, họ chỉ có một bản sắc “tôi là người Nga thì tôi ủng hộ Putin”. “Tổng thống Putin trở thành lá cờ, thành biểu tượng của đa số và bầu cử chỉ là phương tiện để họ thể hiện bản sắc đó”, ông Koleshnikov bình luận.

Trong khi phương Tây đồn đoán rằng quy trình thông qua các điểm sửa đổi Hiến pháp của Nga không nghiêm ngặt thì mặc dù được cả Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga), Tòa án Hiến pháp và tất cả 85 chủ thể liên bang thông qua nhưng ông Putin vẫn quyết định tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý nhằm đạt được tính hợp pháp rộng khắp đối với các thay đổi mà ông đề xuất. Vì vậy, bản thân cuộc bỏ phiếu trên đã mang hàm ý đánh giá liệu Tổng thống Putin còn là một ứng viên nhận được sự ủng hộ rộng rãi để chiếm được ưu thế trên chính trường Nga hay không.

Kết quả các cuộc bỏ phiếu đã cho thấy rằng đa số người dân Nga thực sự muốn ông Putin tiếp tục nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2024. Mùa hè năm ngoái, theo cuộc khảo sát do một đơn vị thăm dò dư luận độc lập tiến hành, 54% người dân Nga muốn ông Putin tiếp tục là tổng thống ít nhất  đến năm 2030. Như vậy, cuộc bỏ phiếu tuần qua cho thấy rhầu hết người dân Nga thực sự muốn điều gì, ít nhất là trong tương lai trước mắt, bất kể những nghi ngại và ảnh hưởng của bên ngoài ra sao.

Kể từ khi Hiến pháp nước Nga được thông qua năm 1993, nước Nga đã có sự phát triển mạnh mẽ, với những thách thức và đe dọa mới, đòi hỏi sự đổi mới trong vận hành nhà nước. Với kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 1-7, các đề xuất của Tổng thống Putin, từ tăng lương hưu và lương tối thiểu đến điều chỉnh nhiệm kỳ tổng thống đều được người dân Nga ủng hộ, cho thấy đây là những cải cách kịp thời và cần thiết. Các cử tri cho rằng, những sửa đổi Hiến pháp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế ổn định, nâng cao mức sống của người dân.

“Tôi nghĩ đây là bước đi đầu tiên vì sự thay đổi xã hội lớn, mang lại lợi ích cho người dân, tầng lớp công nhân với các chế độ phúc lợi xã hội và an ninh của nước Nga. Tôi nghĩ những thay đổi này sẽ giúp cho đất nước phát triển và thành công trên mọi lĩnh vực”, bà Ella Panfilova, người đứng đầu Ủy ban Bầu cử trung ương Nga khẳng định.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1661
Quay lên trên