Đối với hai anh Lê Hữu Thành, Bùi Văn Hưng-kiểm lâm viên Chốt kiểm lâm địa bàn huyện Phú Giáo, thuộc Hạt kiểm lâm Tân Uyên - Phú Giáo, nơi làm việc là khu rừng tự nhiên thuộc Tiểu khu 6 Công ty Cổ phần Nông Lâm nghiệp Bình Dương (xã Tam Lập, huyện Phú Giáo). Dù gặp nhiều khó khăn nhưng “cuộc sống nơi rừng thiêng lại có nhiều ý nghĩa nhất” như tâm tình của hai anh.
Lực lượng chức năng kiểm tra khu rừng thuộc Tiểu khu 6 Công ty Cổ phần Nông Lâm nghiệp Bình Dương. Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Đi, thấy và cảm phục
Một ngày đầu năm 2020, chúng tôi đến “bản doanh” của hai anh. Để không bị lạc đường, chúng tôi liên lạc với anh Thành trước, sau đó được anh dẫn vào nơi làm việc của Chốt kiểm lâm địa bàn Phú Giáo. Đoạn đường dù không xa, đã được trải nhựa nhưng dọc đường chỉ lác đác vài hộ dân sinh sống. Suốt chặng đường đi, chúng tôi không bắt chuyện với anh, bởi tâm trí tập trung vào việc nhớ đường ra để không phải phiền hai anh lần nữa.
Sau hơn 30 phút, chúng tôi đến nơi làm việc, nơi ở của các anh. Đó là một ngôi nhà gạch cấp 4, được dùng làm chốt kiểm lâm địa bàn. Anh Thành tâm tình, hầu hết thời gian làm việc của anh là trong rừng nên không cần bàn làm việc quy củ. Chỉ cần có giường chiếu để ngả lưng sau một ngày tuần rừng là đủ. Anh cho biết khu rừng các anh đang canh giữ là rừng tự nhiên với tổng diện tích khoảng 500 ha. Nhiệm vụ chính của các kiểm lâm viên tại chốt là bảo vệ rừng, giữ lại diện tích rừng tự nhiên hiện có; còn đối với rừng trồng thì đã được công ty Cổ phần Lâm nghiệp Bình Dương giao khoán cho các hộ dân.
Dù còn không ít khó khăn nhưng anh Thành và đồng nghiệp vẫn luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ảnh: H.PHƯƠNG
Anh Thành cho biết những năm qua, công tác quản lý rừng có nhiều thuận lợi, do rừng tự nhiên nguy cơ cháy thấp hơn nhiều so với rừng trồng; khu rừng trồng lại được người dân, công ty làm rất tốt công tác quản lý, phòng chống cháy nên áp lực về nguy cơ cháy rừng cũng giảm khá nhiều. Một nhiệm vụ khác mà các kiểm lâm viên phải thực hiện là quản lý, giữ vững diện tích rừng tự nhiên hiện có, không để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, xâm lấn đất rừng. Hơn 10 năm chốt tại địa bàn này, anh chưa phải giải quyết các vụ việc người dân chặt phá rừng, lấy đất rừng để sản xuất, nhờ đó mà diện tích rừng tự nhiên trong những năm qua được bảo tồn, phát triển.
Dẫn chúng tôi đi tham quan khu rừng tự nhiên tại chốt quản lý, anh Thành hỏi muốn tham quan hay đi tuần rừng, chúng tôi nói muốn đi tuần để biết công việc của các anh như thế nào. Nói là thế nhưng anh cho biết muốn đi tuần rừng thì phải ở lại nguyên ngày và phải có đầy đủ ủng và các dụng cụ để đi rừng, trong khi đó những thứ này chúng tôi đều không có. Để chúng tôi không mất “nhiệt huyết”, anh dẫn đi một đoạn bìa rừng bằng xe máy. Chỉ mới bìa rừng thôi nhưng đường đi cũng rất khó khăn, nhiều đoạn hẹp, bị xói mòn do mưa rừng gây nên.
Đi được một đoạn bìa rừng, chúng tôi trở lại chốt để nghỉ ngơi và trò chuyện. Đưa chúng tôi ra một cái hầm được xây bằng gạch, anh Thành cho biết đây là bể chứa nước sinh hoạt của hai anh em và cũng là nguồn nước dự trữ để cứu chữa ban đầu nếu có sự cố cháy rừng xảy ra. Bể này có dung tích 10m3, chứa nước mưa. Nước trong bể chủ yếu được hai anh dùng để nấu nướng, ăn uống và quan trọng nhất là phục vụ chữa cháy. Còn khi tắm rửa, giặt giũ hàng ngày, các anh vào nhà đội của Công ty Cổ phần Nông Lâm nghiệp Bình Dương cách chốt khoảng 200m lấy nước sử dụng.
Giữ màu xanh cho cuộc sống
Ngồi trò chuyện, chốc chốc anh Thành lại hỏi chúng tôi có thấy buồn không. Hỏi rồi anh lại tự trả lời “những người mới vào đây buồn là cái chắc”. Như để xua tan cái buồn, anh mở tivi và đi pha cà phê để mọi người cùng uống.
Nhâm nhi ly cà phê, anh Thành tâm tình những ngày đầu khi mới vào nhận nhiệm vụ, anh và anh Hưng cũng có những cảm giác hụt hẫng, nhớ phố thị đông vui. Nhiều hôm, cứ vào buổi chiều hai anh lại tính ra ngoài huyện cho đỡ buồn, nhưng nghĩ lại phải hoàn thành nhiệm vụ là canh giữ rừng, bảo vệ rừng nên hai anh động viên nhau vượt qua khó khăn trước mắt để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Anh Thành chia sẻ, mới đó đã hơn 12 năm gắn bó với mảnh rừng này. Giờ đây, một ngày có thể không đi tuần rừng nhưng 3 - 4 ngày không ở bên rừng thì anh thấy khó chịu. Hàng năm, để làm tốt công tác giữ rừng, ngoài việc thực hiện kế hoạch phòng, chống cháy rừng, tuần tra, kiểm soát, anh cùng đồng nghiệp còn tổ chức tuyên truyền cho người dân khu vực xung quanh, gắn bó sâu sát với dân. Nhờ đó mà chỉ cần có một đám khói nhỏ trên địa bàn các anh quản lý đều được người dân điện báo và đến hỗ trợ...
Chia tay những kiểm lâm viên thầm lặng khi bóng chiều đã đổ, chúng tôi vẫn vấn vương câu nói của anh Thành: “Việc giữ rừng đối với người trẻ không dễ đâu. Và nếu làm được thì phải là người có tâm huyết và một tình yêu rừng mãnh liệt”. Chúng tôi càng cảm phục tinh thần cống hiến thầm lặng của hai anh đang ngày đêm nỗ lực vượt qua khó khăn để giữ lại diện tích rừng tự nhiên, giữ màu xanh cho sự sống.
Ông Nguyễn Bình Dương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tân Uyên - Phú Giáo, cho biết những năm qua Chốt kiểm lâm địa bàn huyện Phú Giáo thực hiện rất tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Hàng năm, các anh luôn chủ động phát quang đường ranh chống cháy, phối hợp cùng người dân địa phương, những hộ nhận khoán rừng trồng thực hiện phòng, chống cháy rừng từ xa. Nhờ đó, không chỉ diện tích rừng tự nhiên do đơn vị quản lý được giữ vững mà tình trạng cháy rừng trong khu vực không xảy ra. Các phương tiện phòng, chống cháy rừng hiện đại được đơn vị trang bị hầu như chưa phải sử dụng đến, mà chỉ có các phương tiện thô sơ như dao phát, phảng hay bình xịt nước bằng tay được anh em sử dụng phòng chống cháy rừng ban đầu. Với những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng như vậy là rất tốt, vì ý thức người dân địa phương trong việc chung tay bảo vệ rừng tốt thì mới có được kết quả như nói trên. |
HOÀI PHƯƠNG