Những ngày qua, Bình Dương đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra. Trong cuộc chiến này, không thể quên sự tận tụy, làm việc quên ngày đêm của đội ngũ cán bộ y tế làm công việc phun sát khuẩn, khử trùng ở các trường học trong tỉnh.
Cán bộ y tế huyện Phú Giáo cùng lực lượng dân quân trước giờ lên đường làm nhiệm vụ khử khuẩn trường học
Làm việc quên mình
Thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nCoV gây ra, từ ngày 3-2, Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố đã bắt đầu triển khai chiến dịch phun khử khuẩn, sát trùng tại các trường học công lập trên địa bàn. Công việc này được từng thành viên trong các đội thực hiện khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao. Theo chân đoàn phun khử khuẩn của Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một, chúng tôi mới thấy được quyết tâm phòng, chống dịch bệnh nCoV gây ra của những người làm công việc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Tháng giêng, nhưng thời tiết đã nắng nóng như thách thức con người. Trong tiết trời oi bức, vậy mà các anh trong đội phun thuốc phải mặc đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân. Trên vai vác bộ dụng cụ khoảng 15kg, vậy mà các anh làm việc thoăn thoắt như con thoi, đi lần lượt từng dãy phòng học phun xịt thuốc. Hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã được lầu hóa, với khuôn viên rộng thênh thang. Lúc này đây, đó là nỗi vất vả cho những người làm nhiệm vụ phun thuốc, bởi phải di chuyển nhiều. Để kịp tiến độ đưa ra, ai ai cũng làm việc khẩn trương, vừa hoàn thành trường này, các anh lại cấp tốc lên xe đến trường khác để tiếp tục công việc.
Cán bộ y tế Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một phun khử khuẩn tại trường THCS Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một)
Theo kế hoạch, đội sẽ phun khử khuẩn tất cả trường học công lập trên địa bàn thành phố, thời gian từ ngày 3 đến 16-2, nhưng mọi người cố gắng hoàn thành trong tuần này, để kịp đón học sinh (HS) có thể đến trường trong tuần tới. Do đó, đội làm việc quên giờ giấc. Chỉ trong ngày 4-2, anh em tổ chức phun xịt trên 10 trường của phường Phú Thọ và Chánh Nghĩa. Xong việc trở về nhà đã quá 22 giờ đêm. Anh Bùi Văn Phước kể: “Làm việc cật lực cả ngày, đuối sức, tôi vừa tắm rửa, vệ sinh xong đã nghe xây xẩm, may mà đang ở nhà...”. “Chưa bao giờ chúng tôi làm việc với cường độ cao như vậy. Tuy vất vả, nhưng anh em không hề than phiền, xong trường nào nỗi lo lắng của chúng tôi lại giảm dần”, anh Trần Hoàng Phương, chia sẻ. Đâu chỉ làm việc vất vả, mà các anh còn ăn uống vô chừng, đói đâu ăn đó, cơm, bánh mì, xôi... bất kể món gì có thể lót dạ để có sức tiếp tục làm nhiệm vụ. Thậm chí có lúc anh em còn quên cả uống nước, tất cả chỉ vì công việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là các em HS, những thế hệ tương lai của đất nước.
Không để dịch bệnh nCoV vào trường học, ngành y tế đã phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh. Trong số các huyện, thị, thành phố, huyện Phú Giáo đã sớm hoàn thành công tác phun khử khuẩn, sát trùng cho 61/61 trường học. Quyết tâm về đích sớm nhiệm vụ quan trọng này, anh em trong đội làm việc quên ngày đêm. Công việc này bắt đầu từ sáng chủ nhật (2-2). Mới 5 giờ 30 phút sáng, 10 người chia ra thành 2 đội đã tỏa ra các trường làm nhiệm vụ. Phú Giáo có địa bàn rộng, trường học cách xa nhau, việc di chuyển mất thời gian hơn, nên mọi người càng làm việc khẩn trương. Bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo đã nói, với ý thức trách nhiệm cao, việc phun xịt được anh em bảo đảm không chỉ đúng kỹ thuật, mà còn hoàn thành nhiệm vụ sớm, tạo sự an tâm cho thầy cô và HS khi các em trở lại trường lớp.
Những “chiến binh” bất đắc dĩ
Với nhân lực của các trung tâm y tế như hiện nay không thể đảm đương được việc phun khử khuẩn, sát trùng cho tất cả các trường học trên địa bàn. Do đó, trong đội quân làm nhiệm vụ này còn có sự tham gia của lực lượng dân quân, dân phòng ở các xã, phường trong tỉnh. Nhận nhiệm vụ đột xuất nhưng ý thức được trách nhiệm, ai cũng vui vẻ thực thi công việc với hiệu quả tốt nhất. Với huyện Phú Giáo, trong đợt phun xịt thuốc vừa qua có sự tham gia của 10 dân quân. Theo bác sĩ Đức, các anh em đều còn trẻ, khỏe và quan trọng là có tính kỷ luật trong công việc. Do có ý, chỉ cần cán bộ y tế hướng dẫn một lần, anh em đã nắm được kỹ thuật, bảo đảm tốt việc phun xịt thuốc, giúp huyện hoàn thành sớm nhiệm vụ đề ra.
Theo chân đoàn phun khử khuẩn ở các trường học trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, chúng tôi cũng thấy sự tham gia của lực lượng dân quân của các phường. Vừa hoàn thành công việc ở trường THCS Chu Văn An, những anh làm nhiệm vụ cùng với anh em dân quân khác đã nhanh chóng di chuyển đến trường Tiểu học Lê Hồng Phong. Vừa nhanh chóng mặc đồ bảo hộ, dân quân Lê Bảo Nghĩa, phường Hiệp Thành vừa chia sẻ: “Khi nghe trung tâm y tế cần nhân lực thực hiện phun xịt thuốc, em tình nguyện tham gia. Biết công việc vất vả, nặng nhọc do mang vác nặng cả ngày, nhưng thấy được ý nghĩa của công việc chúng tôi vui vẻ nhận lời, vì đã góp chút công sức cùng với xã hội ngăn chặn dịch bệnh nCoV gây ra”.
Phòng, chống bệnh nCoV gây ra là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Ngoài vai trò của các ngành có liên quan, từng công dân cũng cùng cộng đồng trách nhiệm tham gia phòng chống dịch, bệnh. Chính sự vào cuộc của toàn xã hội như hiện nay, chúng tôi tin rằng, dịch bệnh nCoV gây ra sẽ sớm được đầy lùi, để các em HS sớm trở lại trường lớp.
“Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh nCoV gây ra, Sở GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trường học triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ngoài phối hợp với ngành y tế thực hiện khử khuẩn, sát trùng, trường học các cấp còn thực hiện tổng vệ sinh trường lớp. Không chủ quan trước dịch bệnh nguy hiểm này, trong những ngày qua, lãnh đạo Sở GD-ĐT còn đi thực tế xuống cơ sở kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các trường học. Nhìn chung, các đơn vị, trường học đã phối hợp với cơ quan y tế địa phương lên kế hoạch khử khuẩn trường học. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD-ĐT đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học cần chủ động liên hệ với cơ quan y tế để đẩy nhanh khử khuẩn trường lớp, vệ sinh môi trường trước khi HS trở lại học tập; chủ động theo dõi và quản lý sức khỏe của HS và giáo viên, nhân viên trong nhà trường; kịp thời phát hiện sớm các trường hợp bất thường và báo cáo ngay cho cơ quan y tế để được hỗ trợ”. (Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT) |
ÁNH SÁNG