“Chú mới đi dự họp mặt truyền thống Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam nhân 40 năm Ngày thống nhất đất nước. Tự hào lắm! Ngày đó ai cũng tuổi đôi mươi mà nay đã sáu, bảy mươi cả rồi”. Họa sĩ Phạm Minh Sáu bắt đầu câu chuyện như thế khi tôi đến nhà để nghe ông kể những ngày chiến đấu bằng các bức hình ký họa chiến trường của mình…
Họa sĩ Phạm Minh Sáu vẽ tranh ký họa cho bạn bè
Tự hào người chiến sĩ của Ban Tuyên huấn Trung ương
Họa sĩ Phạm Minh Sáu sinh năm 1944. Ông là người con của miền quê An Tây (nay thuộc TX.Bến Cát) sớm giác ngộ cách mạng. Sau khi học ở trường Trung cấp Mỹ nghệ Bình Dương, năm 1961-1964, ông công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (R). Từ 1964-1970, ông làm trang trí, vẽ ở Phòng Hội họa (Ban Tuyên huấn R). Thời gian này ông còn phụ trách đoàn múa rối, kịch nói. Từ năm 1972-1975, ông được gửi ra Bắc học Cao đẳng Mỹ thuật - số 42 Yết Kiêu, Hà Nội. Một chuyến đi bộ vượt Trường Sơn cực kỳ gian khó mà 4 tháng sau, ông mới đặt chân đến Thủ đô. Sau ngày giải phóng miền Nam, ông được chuyển trường vào học tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM và về công tác tại Bình Dương. Ông nguyên là Hiệu trưởng trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa. Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, ông vẫn miệt mài sáng tác và mảng đề tài lớn của ông vẫn là ký họa, vẽ tranh sơn dầu phong cảnh chiến trường…
Bức ký họa tập bắn của họa sĩ Phạm Minh Sáu
Kể về Ban Tuyên huấn R, họa sĩ Phạm Minh Sáu rất tự hào trong những năm kháng chiến gian khổ mà oanh liệt đó. R có khi phải rút sang biên giới Việt Nam - Campuchia nhưng tinh thần chiến đấu của chiến sĩ trên mặt trận văn hóa luôn kiên cường, gan dạ. Sau thắng lợi của phong trào Đồng Khởi, để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, ngày 23-1-1961, Hội nghị lần thứ III Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam, đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà thường xuyên là Bộ Chính trị. Sau đó, tháng 11-1961, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam được thành lập, thực hiện các nhiệm vụ: Đề ra phương hướng công tác tuyên truyền giáo dục tư tưởng trong và ngoài Đảng; công tác văn hóa, giáo dục quần chúng. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã huy động tất cả lực lượng chuyên môn theo các mũi tiến công vào Sài Gòn, vừa tác nghiệp vừa tiếp quản các mục tiêu được phân công. Lúc mới thành lập, Ban Tuyên huấn có 150 đồng chí và 6 bộ phận. Từ năm 1962 đến 1975, Ban Tuyên huấn đã phát triển lực lượng đến hơn 3.700 người, hình thành thêm 26 bộ phận chuyên trách. “Có tất cả các lĩnh vực từ âm nhạc, kịch, múa rối, hội họa, nhiếp ảnh, điện ảnh… và anh chị em chúng tôi ai cũng bị sốt rét rừng hành hạ, đói rét, giặc đánh phá ác liệt, nhưng tất cả đều kiên gian bền chí quyết đi đến thắng lợi cuối cùng. Hồi đó, có nghệ sĩ từ miền Bắc đi B2, có học sinh, sinh viên từ Nam ra Bắc học tập. Tất cả phục vụ cho cách mạng, cho thắng lợi của mùa xuân năm 1975”, họa sĩ Phạm Minh Sáu tâm sự.
Ghi lại những hình ảnh thời chiến
“Cứ hình dung công việc của chúng tôi là của một cán bộ tuyên truyền. Nhà báo đến chụp ảnh, phỏng vấn, anh em họa sĩ thì ký họa nhân vật xuất sắc, những dũng sĩ diệt Mỹ, người mẹ miền Nam tham gia kháng chiến, có con đi chiến trường hy sinh để tuyên dương. Đó là một hình thức chiến đấu, khích lệ tinh thần đồng đội, nhân dân rất lớn”, ông Sáu chia sẻ về công việc của mình. Những năm kháng chiến, ông đi khắp các chiến trường từ Đồng Xoài, Phước Long, Bù Đốp… Năm 1966-1967, ông cùng đồng đội đi vẽ ký họa tại đồng bằng sông Cửu Long. Ở đây, ông gặp những người mẹ miền Nam gan dạ, dũng cảm mà ông kể, câu chuyện của họ làm ông xúc động và tự hứa là làm sao vẽ được cốt cách của những tấm gương hy sinh rất lớn này. Như bức Má Bảy, tranh màu nước được ông vẽ rất có hồn một người mẹ miền Nam chất phác, hồn hậu. Ký họa của ông có khi là một buổi tập bắn của chiến sĩ trẻ. Ngoài ký họa nhân vật, ông còn vẽ tranh phong cảnh làng quê sau cuộc chiến, cảnh các chiến sĩ nghỉ ngơi trên đường hành quân bằng nét họa rất sinh động (bức “Đường vào Nam” đã được Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM mua, trưng bày cho bộ sưu tập Ký họa miền Nam giai đoạn 1945-1975).
Tranh ký họa của họa sĩ Phạm Minh Sáu thời chiến rất nhiều. Ông tiếc là hành quân qua nhiều nơi, tranh thất lạc gần hết. Ông có sự đóng góp cho mỹ thuật cách mạng. Một mảng hội họa đã trở thành dòng chủ lưu của mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX. Trong đó, ký họa kháng chiến là thể loại đặc biệt, có vai trò quan trọng, chiếm một vị trí xứng đáng và là một đặc trưng rất riêng của hội họa đương đại Việt Nam. Ký họa chiến trường ghi lại hình ảnh của cuộc sống trong bom đạn của khói lửa, chiến tranh. Họa sĩ thực sự là người chiến sĩ, vừa cầm súng chiến đấu vừa vẽ. Ký họa chiến trường không những có giá trị mỹ thuật mà còn có giá trị lịch sử, tư liệu. Có được tác phẩm trưng bày trong một bảo tàng lớn với ý nghĩa to lớn như thế là niềm tự hào của một họa sĩ.
Hiện nay, họa sĩ Phạm Minh Sáu sống những ngày an vui bên người thân tại phường Hiệp Thành, TP.TDM. Niềm đam mê sáng tạo vẫn không nguôi và ông vẫn vẽ ký họa cho những người bạn mà ông yêu mến. Ông vinh dự được tặng Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương K háng chiến chống Mỹ hạng Ba và nhiều giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông cũng là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và “còn sống còn vẽ bởi đó là niềm vui của những ai đã sống vì nghệ thuật”…
Họa sĩ Phạm Minh Sáu xúc động kể: Chiều ngày 30-4-1975 lịch sử, lớp họa của chúng tôi đang đi sáng tác ở Phú Thọ. Chúng tôi có cái radio mang theo từ ngày vượt Trường Sơn ra Bắc học nên khi nghe tin chiến thắng, thống nhất đất nước, chúng tôi mừng quá ôm nhau nhảy cẫng lên. Thế là mong ước bao lâu nay thành hiện thực. Anh em chúng tôi - đa phần là học sinh miền Nam ra gom góp tiền lại để làm một bữa liên hoan. Bởi, chúng tôi biết những ngày xa quê hương, xa người thân đã chấm dứt. Ngày ra Bắc phải lội bộ hơn 4 tháng trời, thì nay, trở về Nam chúng tôi được đi máy bay. Thật không có niềm vui nào bằng…
QUỲNH NHƯ