Hỗ trợ người nghèo (NN) bằng nhiều cách, các cấp, các ngành và địa phương ở Bình Dương đã vận dụng từ chủ trương, chính sách, tạo điều kiện cho NN vươn lên làm chủ cuộc sống gia đình. Họ không còn ỷ lại hay trông chờ vào Đảng, Nhà nước…
Người nghèo huyện Phú Giáo được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trao tặng quà tết. Ảnh: T.LÝ
Nỗ lực thoát nghèo
Sau khi tách tỉnh, Bình Dương có 904 hộ đói, 14.662 hộ nghèo (HN), chiếm 12,18% trên tổng số dân. Trước thách thức xóa đói giảm nghèo, Bình Dương đã đưa ra nhiều chính sách để hỗ trợ NN vươn lên làm chủ cuộc sống. Sau một năm thực hiện, toàn tỉnh giảm còn 9.967 HN, không còn hộ đói. Đến năm 2013, Bình Dương không còn HN theo tiêu chí Trung ương. Lúc này, Bình Dương bắt đầu nâng tiêu chí xác định HN mới. Theo đó, toàn tỉnh hiện còn 3.197 HN, chiếm tỷ lệ 1,12% và 4.286 hộ cận nghèo (HCN), chiếm 1,50%.
Với phương châm “Lấy sức dân chăm lo cuộc sống cho dân”, Ban vận động “Ngày vì người nghèo” tỉnh Bình Dương đã vận động các tổ chức, tầng lớp nhân dân đóng góp nguồn lực chăm lo cho NN. Kết quả từ năm 2009 đến cuối năm 2014, Ban vận động đã tiếp nhận ủng hộ Quỹ vì NN các cấp được hơn 90 tỷ đồng. Từ nguồn tiền ủng hộ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ NN, như xây dựng và sửa chữa nhà đại đoàn kết, hỗ trợ phát triển sản xuất, khám chữa bệnh, tạo điều kiện con em HN được đến trường, tặng quà tết…
Nhận được sự quan tâm hỗ trợ đó, bản thân HN đã không ỷ lại mà mạnh dạn chọn mô hình làm ăn phù hợp, phát triển kinh tế gia đình và nhanh chóng thoát nghèo. Gia đình ông Cao Văn Minh, ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên là một minh chứng. Gia đình ông đã được UBND tỉnh tặng bằng khen vì những cố gắng trong quá trình lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Từ một hộ khó khăn, nhờ được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, gia đình ông nhanh chóng thoát nghèo. Đến nay, gia đình ông có 5.000m2 diện tích cây ăn trái, trang trại gà, mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng. Kinh tế ổn định, hai con ông được ăn học đàng hoàng và liên tục đạt thành tích học sinh giỏi.
Đến xã An Linh, huyện Phú Giáo, chúng tôi còn gặp gia đình ông Hà Văn Thàn được mọi người biết đến với nghị lực thoát nghèo, các con học giỏi. Ông tâm sự, những ngày đầu đến Bình Dương, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng với ý chí kiên định, gia đình ông nhắc nhở nhau “không được gục ngã trước khó khăn”. Ban đầu, vợ chồng ông khai hoang đất trồng hoa màu, sau đó, được địa phương hỗ trợ vốn, cây con giống, khoa học kỹ thuật. Chẳng bao lâu, gia đình ông đã vươn lên thành hộ khá giả, có “của ăn, của để”. Không phụ lòng ba mẹ, các con ông Thàn nỗ lực học tập tốt. Hiện ông có 3 người con đã tốt nghiệp đại học, tìm được việc làm ổn định; 2 người đang theo học đại học.
Giảm nghèo bền vững
Thuận lợi là vậy, nhưng vướng mắc vẫn còn. Giải bài toán này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo tỉnh năm 2015. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm sẽ giảm khoảng 1.000 HN, để đưa tỷ lệ HN cuối năm toàn tỉnh khoảng 0,6%, hạn chế tốc độ gia tăng khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa nhóm hộ giàu và nhóm HN. Theo đó, tất cả các cấp, các ngành phải chung tay chăm lo để HN có thêm động lực vươn lên thoát nghèo.
Riêng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) là đơn vị thường trực BCĐ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tỉnh sẽ phối hợp với các ngành thực hiện nhiều giải pháp. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, sở sẽ chú trọng các cách giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho HN, tránh tái nghèo. Muốn vậy, sở tiếp tục thực hiện các nhóm chính sách về tín dụng ưu đãi đối với HN, HCN; đào tạo nghề, tạo việc làm cho NN; tăng cường truyền thông, vận động, động viên các HN phát huy nội lực, chủ động, nỗ lực không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ bên ngoài. Đặc biệt, sở thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên thuộc HN; cấp thẻ BHYT cho 100% NN, HCN…
Đối với các huyện, thị, thành phố, ông Trần Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị phải kiện toàn BCĐ chương trình giảm nghèo các cấp; phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên BCĐ. Địa phương phải nắm chắc nguyên nhân nghèo của các hộ để có giải pháp hỗ trợ thoát nghèo bền vững; thực hiện các chính sách, chế độ đối với HN, HCN bảo đảm đúng đối tượng; triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó ưu tiên cho HN, HCN, người khuyết tật. Các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tiếp nhận NN vào làm việc. Đặc biệt, tổ chức khen thưởng, đề nghị cấp trên khen thưởng các tập thể, hộ gia đình có thành tích trong công tác giảm nghèo hàng năm; tuyên truyền, động viên HN, HCN biết cách vươn lên thoát nghèo.
THIÊN LÝ