Bùi ngùi chia tay anh em đồng chí, nhưng rồi như có gì thôi thúc từ trong tim, cậu thanh niên 17 tuổi ấy đã quyết định đuổi theo và nằn nì bằng được ban chỉ huy đơn vị cho ông được đi bộ đội! Cảm động trước sự nhiệt tình và chân thành của người thanh niên yêu nước ấy, các cán bộ lãnh đạo đơn vị đã xin chỉ thị cấp trên và chấp nhận cho Đinh Thế Văn vào bộ đội. Ngày ấy cũng được tính luôn là ngày nhập ngũ của Đinh Thế Văn, và đúng 10 ngày sau, ta bắt đầu nổ súng đánh Điện Biên Phủ.
Ngay sau khi nhập ngũ, Đinh Thế Văn được huấn luyện xạ kích bộ binh, sau đó được bổ sung vào khẩu đội 12 ly 7 phòng không bảo vệ bộ binh và hoạt động tiếp tế huyết mạch cho chiến trường… Cho đến sau này, khi đã trưởng thành, trở thành Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa Anh hùng, Đại tá Đinh Thế Văn vẫn cho rằng, mặc dù kẻ địch ở mỗi thời kỳ có khác nhau, nhưng khí chất người lính được rèn giũa trong con người ông, có được từ đấy.
Ông Văn là người quê gốc tại thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, là nơi có nghề múa rối nước truyền thống đặc sắc. Thấm đậm tình quê hương, trải qua bao gian nan thử lửa, người lính Bộ đội Cụ Hồ ấy nay đã ngoại bát tuần nhưng vẫn nặng lòng với làng xóm. Trong khuôn viên ngôi nhà mái bằng có sân vườn rất đẹp, ông cho đào cả một cái ao vuông lớn. Ý định là nếu đám múa rối làng thiếu chỗ tập, thì kéo về đấy… May thay với nỗ lực của làng, Đào Thục giờ đã có hẳn một sân khấu rối nước, nằm ngay dọc đường chính, mỗi tháng có 2 buổi biểu diễn đều đặn, khách nước ngoài đến xem đông lắm. Có sân khấu rồi, người lính năm xưa lại cùng các hội, đoàn thể đến từng nhà gõ cửa kêu gọi mọi người tham gia, dựng lại tích trò cũ, viết kịch bản mới. Chẳng thế mà bây giờ có ai đến Đào Thục xem rối nước, thể nào cũng có dịp được xem sân khấu làng diễn vở "Chiến thắng B52" cho mà xem…
Đến nhà ông Văn, hỏi từ đầu làng, người ta đã chỉ rất cặn kẽ đường vào nhà ông. Người làng quý ông. Người ta không chỉ quý ông vì ông bắn rơi B52. Người làng quý ông bởi ông đại tá về hưu sống mẫu mực, hết lòng với bà con lối xóm. Bản lĩnh thì phải được tôi luyện, nhưng bản chất con người thế nào, thì vẫn cứ là như thế. Nhớ lại cái hồi đánh thắng B52, Tiểu đoàn 77 được phong Anh hùng, nhưng ông thì không, bởi có dính tí thành phần. Sau rồi thấy cũng có người nói ông sao không làm hồ sơ đưa lên cho đỡ thiệt thòi? Ông bảo mình đánh B52 thế nào, cả nước biết. Bảo là thiệt thòi, thì mình vẫn còn đang sống vui vẻ đây, được bà con làng xóm yêu mến thế, so với những anh em khác đã hy sinh vì đất nước từ lúc tuổi còn quá trẻ, thì so thế nào? Người lính chiến đấu, vì nhân dân quên mình, đâu phải vì danh hiệu.
B52 giả, B52 thật
Đã B52, làm gì có giả với thật? B52 là "pháo đài bay", là nỗi kinh hoàng thực sự đối với bất cứ mục tiêu mặt đất nào mà nó hướng tới. Mỗi chiếc B52 mang trung bình 30 tấn bom. Một phi đội 3 chiếc có thể mang tổng cộng gần 100 tấn. Mỗi lần rải thảm, sức tàn phá của bom B52 có thể "quét sạch" một khu vực rộng 2,5km2 với mật độ bom rơi dày đặc. Tính đơn giản nếu một quả bom tiêu chuẩn gần 250 kg thì mật độ bom rơi sẽ là khoảng 130 quả trên 1km², tức là khoảng cách trung bình giữa hai hố bom cạnh nhau là khoảng 80m. Với mật độ ném bom cao như vậy xác suất hủy diệt trong bãi bom B52 sẽ là cực cao, nếu như không nói là hoàn toàn.
Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn (đội mũ ở giữa) đang thuyết minh với Chủ tịch Tôn Đức Thắng (ngoài cùng bên trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay sau khi bom vừa dứt. Ảnh tư liệu gia đình ông Đinh Thế Văn. Vấn đề là ở chỗ, để bảo vệ một loại vũ khí như thế, kẻ địch phải nghĩ ra đủ mọi biện pháp nhằm bịt mắt bộ đội ta, đặc biệt là bộ đội tên lửa - đối thủ chính của B52. Mỗi một chiếc B52 có từ 9 đến 15 máy gây nhiễu điện tử. Những máy này do một sĩ quan điện tử phụ trách, và đây thường là sĩ quan có quân hàm cao nhất trong tổ lái 6 người và cũng có vai trò quan trọng nhất trong đảm bảo an toàn cho máy bay. Máy gây nhiễu có hai loại: máy gây nhiễu thụ động và máy gây nhiễu chủ động. Máy gây nhiễu thụ động là các máy rải các đám mây kim loại, gồm các mảnh giấy kim loại mỏng nhẹ bay lơ lửng trong không gian, có tác dụng làm nhiễu sóng điện tử của radar của ta, gây ra các chấm trắng nhỏ li ti nhấp nháy trên màn hình radar làm che lấp và lẫn tín hiệu mục tiêu thực…
Trong Linebacker II - ta gọi là Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, không quân Mỹ sử dụng máy gây nhiễu thụ động trong toàn bộ các lần B52 bắn phá Hà Nội. Sau mỗi đợt đánh phá, sợi giấy bạc thường vương vãi khắp nơi… Khi ấy, Tiểu đoàn 77 tên lửa phòng không được giao nhiệm vụ đóng quân tại Chèm, chặn hướng tấn công Tây Bắc của máy bay địch.
Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn nhớ lại vào thời điểm ấy, nỗi băn khoăn B52 thật, B52 giả là rất lớn. Sợ thì không sợ! Trên các trận địa lúc ấy anh em ai cũng khí thế hừng hực trả thù cho đồng bào, bắt giặc phải đền tội. Nhưng vấn đề là trên đã chỉ đạo, tên lửa chỉ để "ưu tiên" đánh B52. Đạn thì không thiếu, nhưng cũng không phải muốn bắn bao nhiêu thì bắn. Đã bắn là phải trúng, mà đã trúng là phải trúng B52 mới sướng.
Qua nhiều lần nghiên cứu, tìm hiểu, anh em cũng rút ra được vấn đề: Máy bay tiêm kích (các loại F) đi bảo vệ pháo đài bay đều là loại cánh nhỏ (áp suất trên cánh nhỏ) nên không thể bay cùng tốc độ và độ cao với B52 được. Nếu bay cùng độ cao thì tốc độ của F phải lớn hơn. Chính vì vậy nếu một chiếc F102 bay cùng độ cao để yểm hộ cho B52, chúng phải bay vòng theo hình sin để giữ được giãn cách với B52. Bay thế này thì không thể thả nhiễu. Còn nếu muốn làm nhiễu giả B52 thì chúng phải bay thấp hơn, chỉ ở độ cao 6.000m. Kinh nghiệm được quán triệt tới các trắc thủ. Dải nhiễu thấp bỏ qua. Dải nhiễu cao hơn thì bắn. Thế là rơi B52!
Bắn B52 theo nguyên tắc… ná cao su!
Câu chuyện về Tiểu đoàn 77 tên lửa bắn rơi tại chỗ chiếc B52 thứ hai trong đợt 12 ngày đêm đánh phá của giặc Mỹ thì nhiều người biết. Nhưng nói rằng đó là chiếc B52 đầu tiên từ trước đến thời điểm ấy bị bắn rơi theo phương pháp "vượt nửa góc" và sau này trở thành cẩm nang cho bộ đội tên lửa tiếp tục lập công thì không phải ai cũng biết.
Sau ngụm trà nóng, vị đại tá già chậm rãi: Việc bắn nửa góc của Tiểu đoàn 77 là hoàn toàn chủ động, chứ không hề là "ăn may", bắn đón vu vơ như có người lầm tưởng lúc ấy. Chiếc máy bay đó rơi tại chỗ xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Tây cũ, trong thân máy bay còn nguyên bom…
Nếu nghe giải thích một cách chuyên môn, về phương vị, về góc tà… thì tin chắc chỉ vài bạn đọc có chuyên môn mới hiểu được. Lính tên lửa, radar thì vốn toàn là các tay học toán cự phách rồi. Ông đại tá cười khà khà, nói đại khái: Khi còn bám mục tiêu thì giữa quả tên lửa của ta và mục tiêu là một góc. Đến điểm góc bằng không là tên lửa đã bắn được B52. "Vượt nửa góc" nghĩa là quả tên lửa của ta điều khiển sao cho phải luôn luôn đón trước nửa góc với mục tiêu. Khi đến điểm bằng không là tên lửa tự động bắn mục tiêu.
Cách đánh này đã được khẳng định đạt xác suất cao, vừa tiết kiệm đạn, vừa bắn rơi được B52 tại chỗ. Trước đó, theo "cẩm nang bìa đỏ" về đánh B52 được phổ biến, thì chủ yếu là đánh theo phương pháp 3 điểm. Nghĩa là ấn nút bắn mục tiêu khi đài radar, tên lửa và mục tiêu - thực ra là đám nhiễu xác định là B52 - nằm trên một đường thẳng. Cách đánh này an toàn hơn bởi không phát sóng vạch nhiễu tìm B52, tránh được tên lửa không đối đất AGM45 (Shrike) nhưng lại không phát huy được tên lửa bắn tự động và thường phải bắn một lúc nhiều quả.
Rõ ràng là bắn vượt nửa góc thì hiệu quả hơn, nhưng để bắn B52 bằng phương pháp ấy đòi hỏi lòng dũng cảm và bản lĩnh chiến đấu của cả kíp. Bởi mở radar lùng sục vạch trong dải nhiễu tìm đúng vị trí B52 chẳng khác nào chiếu đèn pha lên trời để cho máy bay tiêm kích hỗ trợ của B52 nhằm đấy mà bắn. Muốn "ăn" được "nó", toàn kíp chiến đấu gồm tiểu đoàn trưởng, sĩ quan điều khiển và kíp trắc thủ phải hiệp đồng chặt chẽ, nhuần nhuyễn trong thao tác để sao cho chỉ trong vòng 60 giây là phải hoàn thành một trận đánh, bắn trúng. Nếu kéo dài hơn, khả năng trận địa "ăn" phải "nhím" Shrike là gần như chắc chắn…
Vượt nửa góc không chỉ được toàn binh chủng áp dụng bắn rơi nhiều máy bay khác, mà nó còn được chính các phi công Mỹ thừa nhận. Đại úy phi công lái B52 Robert E. Wolff, từng bị bắt tại Hà Nội, khi có bài phân tích trên tờ Air Force Magazine đã nhận định: "Nhiều phi công trong toán bay tưởng rằng đoạn bay trong lúc bắn phá của phi vụ sẽ là đoạn nguy hiểm nhất. Nhưng trên thực tế, giai đoạn rời khỏi mục tiêu cũng khó khăn không kém. Chúng tôi phát hiện ra là các tên lửa SAM đạt hiệu suất cao nhất khi các máy bay B52 đổi hướng lần cuối cùng để rời mục tiêu, vì lúc này radar đối phương thu nhận được hình ảnh tối đa của máy bay…
Mâu thuẫn gay gắt nhất giữa các phi công và Bộ Tham mưu chiến dịch là về "thế đi của đàn voi con". Đội hình kéo dài nhiều dặm, các máy bay cùng theo một đường, một độ cao, một hướng. Cả 36 máy bay đến một điểm nhất định rồi lần lượt đổi hướng thì chẳng cần tài giỏi gì phe phòng thủ cũng biết nhằm vào đâu để bắn chiếc thứ 37!"
Theo CAND