Cuộc xung đột biên giới suýt gây chiến tranh giữa hai cường quốc châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ từng gây quan ngại về an ninh toàn cầu trong vài tuần lễ qua đột ngột “tắt lửa” khi hai bên đạt được thỏa thuận xuống thang, quân ai về nhà nấy. Báo chí quốc tế vừa “điểm danh” người đã giúp 2 nước tránh được một cuộc xung đột vũ trang hiển hiện.
Giới phân tích cho rằng phải có thần kinh thép và một “cái đầu lạnh” để đảm nhận trọng trách đàm phán với Trung Quốc trong tình huống bị khiêu khích, có 20 binh sĩ tử vong trong vụ đụng độ tại thung lũng biên giới Galwan trên dãy Hymalaya. Khó khăn hơn nữa là việc phải làm sao “tháo ngòi nổ” chiến tranh trong tình huống như thế. Nhưng Ajit Doval đã làm được. Doval là Cố vấn an ninh quốc gia cho Thủ tướng Narendra Modi.
Người ta mô tả công việc khó khăn mà Doval đã làm giống như đi thăng bằng trên dây. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và Bộ trưởng Ngoại giao Subrahmanyam Jaishankar phải cảm ơn Doval vì nhờ có ông mà họ đỡ phải nhọc công điều động binh sĩ lên “điểm nóng” biên giới, đồng thời đi khắp thế giới để vận động ngoại giao các cường quốc ủng hộ mình.
Kết quả đàm phán mà Doval mang lại, đó là hai nước đồng ý không để cho các khác biệt trở thành tranh chấp, đồng thời xuống thang căng thẳng bằng việc rút binh sĩ các khu vực biên giới và tạo vùng đệm nhằm ngăn ngừa các vụ đụng chạm trong tương lai.
Doval là một cựu sĩ quan tình báo Ấn Độ, thời gian dài đảm trách nhiệm vụ một cách thầm lặng trong hậu trường. Thế nhưng, sau “thành tích” đàm phán thỏa thuận thành công, ông bỗng trở nên nổi tiếng, được nhiều người chú ý đến. Từ trong bóng tối bước ra, Doval đã khẳng định mình là một “tay chơi” chủ chốt trong chính phủ của Thủ tướng Modi. Và mặc dù luôn cố giữ kẽ, kín tiếng nhưng nhiều vẫn biết ông có những mối quan hệ rất quan trọng ở New Delhi.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Cố vấn An ninh Ấn Độ Ajit Doval.
Là một sĩ quan giàu thành tích của Cục Cảnh sát quốc gia Ấn Độ, Doval từng có 6 năm được phái sang Pakistan trong vai trò sĩ quan tình báo, đồng thời cũng từng là một tùy viên trong Cao ủy Ấn Độ tại Anh. Ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Cục Tình báo quốc gia dưới thời chính phủ do đảng Quốc đại Ấn Độ lãnh đạo. Lợi thế quan trọng nhất của Doval chính là kinh nghiệm, dồi dào của ông trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Chính những kinh nghiệm thực tế công việc giúp ông có óc phán đoán rất sát thực tế, không phải kiểu quan liêu bàn giấy. Sở trường của ông là quản lý khủng hoảng.
Thời làm cảnh sát, ông được nhiều người kính nể với vụ đàm phán lôi kéo tổ chức khủng bố Mặt trận Quốc gia Mizo quay trở về với chính nghĩa vào năm 1986. Ông cũng tham gia giải quyết thành phần khủng bố người Sikh vào năm 1988 và phong trào ly khai ở Kashmir trong thập niên 90 thế kỷ XX. Hơn nữa, ông cũng góp công giải quyết vụ cướp máy bay hãng Air India với 171 hành khách vào năm 1999, mặc cả thành công với bọn khủng bố để giải cứu toàn bộ hành khách chuyến bay.
Trong vụ việc Ấn Độ tước quy chế đặc biệt dành cho Jammu and Kashmir vào tháng 8-2019, kinh nghiệm lâu năm trong nhiều lĩnh vực hoạt động đã giúp ông kiểm tốt tình hình bất ổn trong khu vực không để lan ra bên ngoài. Doval cũng là người ra tay dập tắt hiệu quả làn sóng biểu tình bạo loạn phản đối chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 2-2020.
Giới quan sát ở New Delhi xem Doval như một người có sức mạnh vô tận, một quan chức hành động rất ghét thói quan liêu và những nguyên tắc cứng nhắc mà giới chức hành chính thường phải nhất nhất tuân theo. Văn phòng làm việc của ông đặt bên cạnh Văn phòng của Thủ tướng Modi, cho nên người ta cho rằng ông là người có tiếng nói dễ “lọt lỗ tai” Thủ tướng Modi nhất.
Thỏa thuận Ladakh với Trung Quốc đương nhiên cần phải có chữ ký và con dấu của ông Modi nhưng chính Doval là người đã có khả năng truyền đạt những ý kiến tham mưu quan trọng từ các bộ trưởng chủ chốt lọt vào tai Thủ tướng Ấn Độ. Doval không chỉ có tầm nhìn tương đồng với Thủ tướng Modi mà còn có mối quan hệ thân hữu lâu dài. Và cũng giống như Modi, Doval là người chuộng cách làm việc sâu sát với các tầng lớp rộng rãi trong xã hội.
Nói như thế không có nghĩa Chính phủ Ấn Độ chỉ có Doval làm việc được với Thủ tướng Modi, hay xem nhẹ vai trò của các quan chức cao cấp khác. Nói gì thì nói, Bộ trưởng Quốc phòng Singh vẫn là nhân vật kỳ cựu nhất, người đóng vai trò rất quan trọng trong việc xử lý các vấn đề an ninh, quốc phòng, là nhân vật số 2 trong chính phủ; còn Bộ trưởng Ngoại giao Jaishankar, người có 40 năm trong nghề, từng làm Đại sứ tại Mỹ lẫn Trung Quốc, chính là người không thể thay thế trong vai trò người đứng đầu ngành ngoại giao, giúp Thủ tướng Modi chăm lo chính sách đối ngoại. Xét về kinh nghiệm chính trường cũng như nhiều lĩnh vực khác nhau thì hai người này đều không kém gì Doval.
Thế nhưng, giới phân tích đặt câu hỏi: Tại sao không phải là Singh hay Jaishankar mà phải là Doval đảm nhận vai trò trưởng đoàn đàm phán với Trung Quốc? Giới phân tích lý giải rằng một phần lý do là vì chính phủ của Thủ tướng Modi có thói quen “bọc lót” cho nhau trong nhiều vấn đề; phần khác là vì các cuộc đàm phán với Trung Quốc trong 2 thập niên qua được stiến hành theo cơ chế cử “đặc sứ” của cả hai phía.
Phía Ấn Độ, đó là Doval, còn bên phía Trung Quốc là Ngoại trưởng Vương Nghị. Sau khi xảy ra vụ việc 20 binh sĩ Ấn Độ bị giết chết trong vụ đụng độ hôm 15-6, Ngoại trưởng Jaishankar đã nổi nóng lớn tiếng phản đối khi nói chuyện điện thoại với Ngoại trưởng Vương Nghị. Chính vì vậy mà người Trung Quốc cho rằng khó nói chuyện với ông hơn.
Một vấn đề quan trọng hơn đối với Chính phủ Ấn Độ, đó là theo luật định thì các vị bộ trưởng tham gia ký kết thỏa thuận sẽ phải giải trình trước Quốc hội, còn Cố vấn An ninh quốc gia của Thủ tướng ký thì đích thân Thủ tướng sẽ xử lý tình huống được. Đây chính là lý do cốt lõi, bởi vẫn còn nhiều người phản đối, cho rằng thỏa thuận Ladakh khiến Ấn Độ thua thiệt trước Trung Quốc.
Theo CAND