Đó là thương binh Hồ Thanh Tâm, ngụ ở khu phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, TX.Thuận An - người đã gắn bó với công tác ở khu phố hơn 10 năm nay…
Tham gia cách mạng từ nhỏ
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có mẹ và anh trai tham gia cách mạng ngay tại địa phương nên ngay từ nhỏ, mới 11, 12 tuổi anh Tâm đã được giao làm giao liên. Để che mắt địch, hàng ngày anh đi chăn bò để tiếp cận nắm tình hình, cung cấp thông tin, rải truyền đơn, cung cấp lương thực và súng đạn trộm được của địch vào cho bộ đội địa phương hoạt động ở khu rừng Cò Mi thuộc Chiến khu Thuận An Hòa. Đến năm 17 tuổi, anh Tâm thoát ly gia đình tham gia bộ đội ở Tiểu đoàn 1 Phú Lợi chiến đấu cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.
Anh Hồ Thanh Tâm (bìa trái) tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở khu phố Bình Thuận 2
Khi đất nước thống nhất, anh lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt- Iêngxary. Năm 1978, trong một trận đánh ngăn chặn bọn Pôn Pốt tàn sát người dân ở Bù Đốp, huyện Lộc Ninh, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước) anh Tâm là một trong những chiến sĩ chiến đấu dũng cảm tiêu diệt nhiều tên địch, được đơn vị tặng bằng khen Chiến sĩ chiến đấu xuất sắc bảo vệ biên giới và được cử đi học trường Sĩ quan Lục quân 2. Sau đó anh về làm Đại đội phó, Đại đội 10, Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 339, Quân đoàn 4. Năm 1980 trong một trận đánh truy quét quân Pôn Pốt anh tâm bị mìn nổ, bị thương nặng mất 72% sức khỏe.
Làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia công tác ở địa phương
Năm 1981, anh Tâm chuyển ngành về làm Thư ký Công đoàn Ty Công nghiệp tỉnh Sông Bé, được một thời gian thì anh xin nghỉ mất sức. Trở về địa phương, lúc đó, điều kiện kinh tế gia đình anh hết sức khó khăn, mặc dù bị thương mất sức 72% nhưng hàng ngày anh Tâm vẫn cần mẫn lao động nặng nhọc. Từ 6 giờ sáng anh đã phải đi ra rẫy để trồng, chăm sóc khoảng 2 ha khoai mì cho đến tận 11, 12 giờ đêm mới về nhà. Khi thu hoạch khoai mì anh Tâm không bán cho thương lái mà chịu khó lặn lội chở đi bán ở xa như Thủ Đức, Đồng Nai… Đi bán vậy mới có lời, anh Tâm nói. Nhờ cần cù lao động, tích lũy dần dần anh Tâm không những xây dựng đời sống kinh tế gia đình ổn định mà còn vươn lên trở thành hộ gia đình khá giả ở địa phương, nuôi dạy con cái trưởng thành.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Tâm còn tích cực tham gia các hoạt động công tác ở địa phương. Từ năm 1995, anh làm Trưởng ban Thương binh xã Thuận Giao (nay là phường Thuận Giao) và tham gia Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh phường cho đến nay. Anh còn là Trưởng khu phố, Bí thư Chi bộ khu phố Bình Thuận 2 đã hơn 10 năm. Anh Tâm cho biết: Khu phố Bình Thuận 2 hiện có 64 đảng viên, là khu phố có số lượng đảng viên đông nhất của phường, trong đó nhiều đồng chí đảng viên lão thành cách mạng, cán bộ nghỉ hưu có chức vụ cao nên việc sinh hoạt chi bộ luôn được các đảng viên giám sát chặt chẽ, sinh hoạt phải thiết thực, nói phải đi đôi với làm là yêu cầu của các đảng viên trong chi bộ. Vì vậy với vai trò Bí thư chi bộ, anh Tâm luôn nêu gương là một đảng viên, cán bộ khu phố gương mẫu, tận tụy góp phần xây dựng khu phố phát triển vững mạnh, giữ vững 11 năm đạt danh hiệu Khu phố văn hóa và chi bộ nhiều năm đạt trong sạch vững mạnh. Anh Tâm chia sẻ: Tham gia công tác ở khu phố nhiều năm cũng mang lại cho mình nhiều thuận lợi, đó là sự gắn bó với dân tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân từ đó thực hiện tốt các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương. Đó là kinh nghiệm xây dựng cơ sở từ trong chiến tranh, lấy dân làm gốc, được nhân dân đồng tình ủng hộ thì việc gì cũng thành công. Ở khu phố của anh, từ văn phòng khu phố, hội trường và trang thiết bị để khu phố hoạt động đều được nhân dân đóng góp xây dựng đến hàng trăm triệu đồng. Anh còn nhớ cách đây không lâu khi phát động nhân dân khu phố ủng hộ Trường Sa thì chỉ trong vòng 3 ngày khu phố đã vận động được 125 triệu đồng, điều mà khó có khu phố nào có thể làm được. Chính sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ và sự đồng thuận của nhân dân là nguyên nhân giúp khu phố thực hiện thành công các phong trào, các cuộc vận động của địa phương trong nhiều năm qua. Cá nhân anh Tâm hàng năm đều nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, của phường như bằng khen thương binh làm kinh tế giỏi (1995-2015), bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bí thư chi bộ, giấy khen đột xuất của Giám đốc Công an tỉnh (năm 2014) về thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…
Một điều đáng quý khác ở anh Tâm đó là tấm lòng của anh đối với đồng đội. Đã 4 năm nay cứ vào dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), anh tổ chức họp mặt, tặng quà cho anh em thương binh tại nhà riêng của mình. Trong những buổi họp mặt như thế, anh Tâm luôn động viên anh em thương binh thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, động viên anh em tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động, nhất là đấu tranh tố giác tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Vào dịp tết anh đi thăm hỏi, tặng quà cho anh em thương binh có hoàn cảnh khó khăn. Anh Tâm còn nhận đỡ đầu cho một thương binh 1/4 có hoàn cảnh neo đơn (phường Bình Nhâm, TX.Thuận An) mỗi tháng 1 triệu đồng. Có những trường hợp đồng đội cũ gặp khó khăn tìm đến anh, anh liền sẵn lòng giúp đỡ. Anh Tâm chia sẻ: Khi đời sống kinh tế ổn định anh lại nhớ đến khoảng thời gian trước đây của mình mà cảm thông cho những người có hoàn cảnh khó khăn muốn vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng nên hễ có điều kiện, có dịp là anh lại làm từ thiện giúp đỡ cho đồng đội và cho người dân nghèo ở khu phố của mình.
Có thể nói chính nhờ những hạt nhân tiêu biểu như anh Tâm đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng chính quyền địa phương vững mạnh, nhất là tạo được niềm tin của nhân dân đối với hình ảnh cao đẹp của người lính Cụ Hồ trong thời chiến cũng như thời bình.
ĐỨC LÊ