Người Việt ở Nga: Cầu mong hai chữ bình yên

Cập nhật: 13-06-2014 | 15:38:31

Những sự việc lộn xộn ngoài đường phố ở Nga đang ảnh hưởng nhiều đến công việc và cuộc sống của bà con người Việt. Hầu như ai cũng có tâm trạng chung là cầu mong hai chữ bình yên! Ở đây sự yên ổn không chỉ về an ninh mà cả trong công việc làm ăn

Hiểm nguy rình rập

Hôm 17-12 lúc 1 giờ sáng tại ga xe điện ngầm Liublino bọn quá khích đánh anh Phạm Hữu Tâm, 37 tuổi bị vỡ hộp sọ phải nhập viện. Cùng ngày một người Kavkaz bị đâm trọng thương... Hôm 18.12 khoảng 500 người biểu tình trái phép gần Đài Truyền hình Ostankino, hô vang các khẩu hiệu phân biệt chủng tộc, nhưng đã bị cảnh sát kịp thời giải tán. Rất may không có sự cố nghiêm trọng gì.

Thị trưởng Mátxcơva đã lại cảnh báo mọi người trong thời gian tới  (từ 18.12 trở đi) phải hết sức cẩn trọng khi ra đường. Bởi tình hình có xu hướng xấu. Cảnh sát thủ đô được lệnh trực 24/24 giờ, đảm bảo an ninh chủ yếu tại các ga xe điện ngầm, bến tàu, trường học, quảng trường... Các phụ huynh học sinh được khuyến cáo phải trông chừng con trẻ không tham gia vào các vụ ẩu đả đường phố đồng thời phải chịu trách nhiệm về pháp luật.

Bà con ta ở Mátxcơva từ bữa lộn xộn đầu tháng 12 đến nay nâng cao cảnh giác khi ra đường hơn. Ai cũng bảo nhau phải thận trọng. Đi taxi, ôtô buýt... đến chỗ làm đỡ lo hơn. Đi bộ có nhiều lo ngại, nhất là ở ga xe điện ngầm. Phương tiện xe nhà là an toàn nhất. Nhưng có phải ai cũng có xe đâu? Nhất là học sinh, sinh viên, bà con đi chợ loại nghèo... Có lẽ ước tính cứ 1.000 người Việt ở Mátxcơva thì mới có khoảng 1 người có xe ôtô?

Ngày 18-12, cảnh sát Nga đã bắt giữ khoảng 1.300 đối tượng có hành vi kích động bạo lực sắc tộc tại thủ đô Mátxcơva. Cùng ngày, Tòa án Simonov ở Mátxcơva đã chuẩn y lệnh bắt giữ Ilia Kubrakov, nghi can tổ chức các vụ lộn xộn trên Quảng trường Quần Ngựa ở trung tâm thủ đô Mátxcơva trong ngày 11.12. Đối tượng này bị truy tố về tội giết hại một công dân Kyrgyrstan trên phố Đóng tàu (Sudoctrojenje) ngày 12.12. Bảy phần tử quá khích khác cũng bị bắt cùng Kubrakov do đã tham gia vụ tấn công những người gốc Kavkaz và cảnh sát đặc nhiệm, đặc biệt, trong đó có những kẻ tình nghi giết hại một thanh niên tại ga điện ngầm “Công viên Văn hóa” (Park Kyltury) ngày 15.12. Hãng tin Interfax ngày 18.12 cho biết hai thanh niên Nga, thủ phạm vụ tấn công một người Việt và hai người Thổ Nhĩ Kỳ vừa bị kết án hơn 4 năm tù. Hai thủ phạm là thành viên của một nhóm dân tộc chủ nghĩa cực đoan, gồm những đối tượng tuổi từ 18 đến 26. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động cực đoan và thù hằn sắc tộc, đồng thời ra lệnh cho các cơ quan chức năng Nga kiên quyết truy tìm và xử lý nghiêm những kẻ tổ chức hoặc trực tiếp gây rối, gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Chẳng ai có thể biết được những hiểm nguy trên đường phố sẽ đến với mình hôm nay hay ngày mai? Nhưng công việc, học tập và cuộc sống mưu sinh buộc mọi người phải đối mặt. Vì vậy, người Việt ra đường mắt trước mắt sau và phương án hay nhất là “tránh voi chẳng xấu mặt nào” cứ thấy vài thanh niên có dáng dấp nghi ngờ thì tốt nhất là biến khỏi tầm kiểm soát của họ! 

Tuy nhiên sự lộn xộn không đến mức quá lo lắng. Bởi nó chỉ có thể diễn ra ở những vị trí và thời gian, không gian nhạy cảm. Nhìn chung thì tình hình vẫn trong tầm kiểm soát. Chợ vẫn họp, trường vẫn học, công sở vẫn làm việc đều đều...

“Nên hạn chế chơi bời và những việc không cần thiết phải ra đường. Khi cần đi đâu có thể có thêm người càng tốt. Bảo ban nhau là vậy nhưng cái gì đến thì tự nó đến. Rồi cũng tự quen với tình thế” - anh Hoàng Văn Thiết, cựu binh ở chợ Chim (Sadovov) tự trấn an mình.

Trông chờ sự yên ổn

Hầu như ai cũng cầu mong hai chữ bình yên, không chỉ về tình hình an ninh mà cả công việc làm ăn. Cách đây có 5 hôm, ngày 13-12 tại thành phố Kazan (thuộc nước Cộng hòa Tatarstan) một trung tâm thương mại của người Việt mang tên “Vitarus” do bà Đào Thị Côi quê Nghệ An làm giám đốc đã bị tòa án cấp quận buộc đóng cửa trong phạm vi 30 ngày với lý do “vi phạm an toàn phòng, chống cháy nổ”?...

Nhưng đến ngày 17-12 thì lệnh đóng cửa nói trên được dỡ bỏ bởi Tòa án Tối cao nước Cộng hòa Tatarstan đã xác minh lại vụ vi phạm chỉ cần xử lý bằng phạt tiền. Và đến ngày 18-12 thì chợ đã trở lại hoạt động bình thường trong tiếng reo hò phấn khởi của mấy ngàn người cả Việt lẫn Nga đang buôn bán tại đây!

Hầu hết bà con người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nga là bám vào chợ. Chợ dẹp đồng nghĩa với thất nghiệp và là không tiền. Trung tâm Emeral bị xóa sổ đã khiến  khoảng 400 người chạy đôn chạy đáo đi các chợ khác ở Mátxcơva. Sắp tới, không ai biết đến lượt chợ nào sẽ bị loại bỏ? Bởi chính quyền đã thông báo sẽ dẹp ít nhất 15 trong tổng số hơn 300 số chợ lớn nhỏ đang hoạt động. Do tình trạng quá tải các chợ không hợp pháp cũng như sự luộm thuộm về tổ chức làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cảnh quan, giao thông và các vấn nạn khác. Và ở những chợ nói trên có bao nhiêu người Việt đang làm ăn?

Chưa hết, kể từ 1-1-2011 lệnh cấm buôn bán lẻ với người nước ngoài sẽ được thực thi triệt để. Bà con người Việt tại Nga lại một lần nữa đối mặt với những chồng chất khó khăn. Chợ co hẹp; cấm đứng bán ở chợ; đường phố mất an ninh, tính mạng có thể bị đe dọa... Sự yên ổn chưa thực sự đến với mọi người và mọi thử thách vẫn ở phía trước.

Theo Lao Động

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1313
Quay lên trên