Khác với mảng xe phổ thông, các hãng xe sang ở Việt Nam không có báo cáo tổng hợp nào về doanh số hàng năm. Tuy vậy, hầu hết các hãng đều có mức tăng trưởng dương trong 2019 so với cùng kỳ 2018.
Mercedes như thường lệ vẫn là cái tên đứng đầu thị trường. Theo nguồn tin của VnExpress, năm 2019 hãng này bán khoảng hơn 6.800 xe, tăng trưởng nhẹ hơn 8% trong khi năm 2018 là gần 6.300 xe. GLC vẫn là cái tên đóng góp nhiều nhất với tỷ lệ khoảng gần 40% trong tổng số xe bán ra của hãng.
GLC300 nhập khẩu mới về nước. Ảnh: Thành Nhạn |
Như thường lệ, số lượng sản phẩm của hãng xe Đức lấn át các đối thủ, từ phân khúc nhỏ như A-class tới S-class có tới gần 20 dòng xe, mỗi dòng lại thêm vài phiên bản. Trong 2019, một số mẫu xe mới ra mắt như thế hệ mới của E-class, GLE, GLC300 nhập khẩu... Trong 2020, nhiều khả năng chiếc GLB nằm dưới GLC sẽ sớm về nước.
Meredes với lợi thế xe lắp ráp, nhiều lựa chọn nên tạo ra khoảng cách khá xa với phần còn lại của thị trường xe sang. Hai đối thủ đồng hương là BMW và Audi hay các hãng xe sang khác cũng chưa thể làm khó.
Trường Hải từ khi phân phối thương hiệu BMW từ đầu 2018 vẫn chưa có công bố chính thức nào về lượng xe bán ra trong 2018 và 2019. Sau thời của Euro Auto, hai năm qua là khoảng thời gian Thaco tìm cách giải quyết hàng tồn kho thế hệ cũ, xem lẫn giới thiệu những thế hệ mới của X5, X7 hay series 3, series 5. Nguồn tin nội bộ hãng cho biết doanh số 2019 xoay quanh mốc 1.000 xe, đã tăng trưởng so với năm ngoái, nhưng vẫn chưa phải con số khởi sắc. Bởi lẽ, dưới thời Euro Auto, năm đỉnh cao có khoảng gần 2.000 xe tới tay khách Việt.
Audi cũng không công bố doanh số nhưng đại diện truyền thông hãng cho biết lượng xe bán 2019 giảm so với 2018. Lý do được đưa ra là hãng khó khăn trong việc nhập xe về nước do ảnh hưởng của các chính sách đối với xe nhập khẩu. Đây là hãng hiếm hoi giảm doanh số trong 2019.
Lexus của Toyota cũng ghi nhận mức tăng trưởng 157%, từ 588 xe năm 2018 lên 1.511 xe năm 2019. Sở dĩ hãng xe Nhật có mức tăng trưởng cao bởi năm 2018 không có xe để bán do khó khăn trong nguồn cung bởi rào cản từ Nghị định 116. Lexus là cái tên duy nhất đến từ châu Á trong phân khúc xe sang. Hãng này đang cố gắng xóa bỏ những định kiến về việc xe Lexus thường già nua, không có cá tính bằng những thay đổi trong thiết kế cũng như trang bị tiện nghi, công nghệ.
Ngoài các "ông lớn" kể trên, thị trường xe sang Việt ngày càng sôi động với vài hãng mới và đánh vào thị trường ngách hơn. Volvo ghi nhận số bán hơn 500 xe, tăng gấp đôi năm ngoái. Sản phẩm bán chạy nhất là XC60. Hãng xe Thụy Điển không đi theo hướng thiết kế bóng bẩy như Mercedes, không thời trang như Audi, không thể thao như BMW. Thay vào đó Volvo tập trung vào công nghệ an toàn vốn là DNA của hãng cùng những tiện ích nhỏ, chăm chút người dùng đúng phong cách Bắc Âu.
Đại diện hãng cho rằng không dễ để thuyết phục khách hàng Việt đặt an toàn làm tiêu chí hàng đầu khi mua xe bởi văn hóa ôtô còn chưa hình thành rõ ràng. Bởi vậy, khách của hãng thường là những người từng sở hữu nhiều loại xe sang, không còn quá háo hức với những giá trị thiên về cảm tính.
XC40, mẫu xe nhỏ nhất của Volvo ở Việt Nam. Ảnh: Minh Quân |
Porsche, hãng xe sang Đức nằm trên một bậc so với bộ ba Mercedes-BMW-Audi cũng không công bố doanh số, nhưng nguồn tin nội bộ cho biết hãng cũng ghi nhận tăng trưởng. Jaguar Land Rover từ quý cuối 2019 mới cho thấy dấu hiệu khởi động lại các hoạt động bán hàng với nhà phân phối mới Phú Thái, bởi vậy cũng không ghi nhận doanh số nào đáng kể. Các hãng khác như Maserati, Aston Martin, Lamborghini, Bentley, Rolls-Royce phục vụ nhóm khách hàng quá nhỏ, không ảnh hưởng nhiều cục diện thị trường.
Một chuyên gia bán hàng lâu năm cho biết, kinh tế ổn định cũng như biện pháp giảm giá, cung cấp phiên bản thấp từ các hãng giúp khách hàng Việt sở hữu xe sang nhiều hơn. Với xu hướng trong 2019 xe giảm giá cả ở phân khúc phổ thông lẫn cao cấp, thị trường xe sang 2020 được dự đoán sẽ sôi động hơn với nhiều mẫu xe mới về nước, nhờ vậy cơ hội tiếp cận cho khách hàng càng rộng mở.
Theo VNE