Nhà máy xử lý nước thải Thủ Dầu Một: Cần tăng cường tuyên truyền, minh bạch giá

Cập nhật: 04-06-2014 | 00:00:00

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh vừa có buổi khảo sát tình hình hoạt động tại Nhà máy xử lý nước thải Thủ Dầu Một nhằm có cơ sở tham mưu HĐND tỉnh ban hành khung giá phí xử lý nước thải. Cũng tại buổi giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương (Biwase), chủ đầu tư dự án phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và minh bạch giá.

Lựa chọn phù hợp

Tổng Giám đốc Biwase Nguyễn Văn Thiền cho biết, Nhà máy Xử lý nước thải Thủ Dầu Một có công suất thiết kế 70.650m3/ngày đêm, được đầu tư bằng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh. Nước thải sau khi xử lý sẽ đạt cột A, Quy chuẩn QCVN 14:2008 TNMT. Giai đoạn I có công suất 17.650m3/ ngày đêm. Đây là 1 trong 5 tiểu dự án thuộc dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương, khánh thành và đưa vào hoạt động ngày 31-5-2013.

Đại biểu Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát thực tế Nhà máy Xử lý nước thải Thủ Dầu Một

Hiện công suất xử lý đang tăng nhanh nhờ sự ủng hộvà tin tưởng của người dân. Đến nay công suất đạt được từ 4.500m3 đến 5.000m3/ngày đêm, vượt kế hoạch dự kiến và nhà máy đã xử lý được 1.266.696m3. Sự ra đời của nhà máy đã góp phần bảo vệ môi trường, giải quyết bức xúc của người dân về tình trạng ô nhiễm và góp phần thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020. Ông Thiền cho biết thêm: “Các nhà máy khác thường chỉ tính theo dòng đời, tuổi thọ của dự án để lắp đặt đường ống thu gom. Với công suất thiết kế Nhà máy xử lý nước thải Thủ Dầu Một chỉ cần đặt đường ống Ω40 là đạt yêu cầu, nhưng chúng tôi đã lắp đặt đường ống đến Ω300 để dự phòng sự phát triển về sau. Nếu không dự phòng trước, sau này phải đào phá đường để lắp đặt đường ống mới rất tốn kém. Trong quá trình vận hành, chạy thử từ tháng 6-2013 tháng 5-2014 chi phí về điện được nhà thầu và tổ chức Jica hỗ trợ. Kể từ tháng 6-2014 trở đi mọi chi phí cho công tác vận hành chưa có nguồn để chi trả.

Tuyên truyền, minh bạch hóa chi phí

Với tốc độđấu nối bình quân 3 hộ/ngày, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 1.000/13.000 hộtrong vùng ảnh hưởng thực hiện đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom chung của nhà máy. Trong đó có 832 hộgia đình, 165 doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ và 6 đơn vị hành chính sự nghiệp. Báo cáo của Biwase cũng cho biết, để đẩy nhanh tiến độcũng như khuyến khích người dân tham gia đấu nối, Biwase đã được UBND tỉnh cho phép tạm không thu phí nước thải sinh hoạt của các hộdân trong khu vực dự kiến đến hết năm 2014. Bên cạnh đó công ty tích cực tìm kiếm nhà cung cấp dịch vụ, thiết bị chất lượng cao, giá rẻ, trả chậm để kéo giảm giá thành giúp tiết kiệm chi phí (trên 10 triệu đồng/hộ) cho bà con. Ngoài ra, từ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Á Châu - ADB hỗ trợ xây nhà vệ sinh khoảng 5 tỷ đồng với trên 7.000 hộđã đáo hạn, chuyển nguồn vốn này cho hội viên phụ nữ nghèo tại địa phương để thực hiện đấu nối nước thải”.

Ông Nguyễn Tầm Dương, Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đặt vấn đề, trong số 1.000/13.000 hộthuộc vùng dự án đã thực hiện đấu nối là tự nguyện hay quá bức xúc phải đấu nối để bảo đảm môi trường. Các hộnày có ý kiến gì sau khi đã đấu nối? Bà con phản ánh là đấu nối xong có hiện tượng trào ngược và bốc mùi, có hiện tượng này không?

Phó Tổng Giám đốc Biwase Lê Văn Gòn thừa nhận, tại một số khu vực thuộc vùng trũng ven sông Sài Gòn phải sử dụng kỹ thuật bơm nâng. Do hệ thống thu gom chưa khép kín nên khi bơm thì khu vực trũng phát sinh mùi khi nắng lên. Điều này sẽ được khắc phục khi đã hoàn thiện hệ thống. Hiện tượng bốc mùi là do một số chủ hộtiết kiệm đã chọn mua vật tư bên ngoài trong đó có xi-phông (còn gọi là “con thỏ”) đặt phía dưới hố xí. Loại xi- phông trôi nổi không bảo đảm chất lượng nên chỉ sau một vài ngày nước rò rỉ, bốc hơi sẽ phát sinh mùi. Xi-phông do công ty đặt sản xuất, khi lắp đặt yêu cầu phải thử nước thật kỹ, bảo đảm an toàn mới bàn giao.

Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Cường đề nghị phải đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền để người dân hiểu về ý nghĩa, tác dụng cũng như mục đích tốt đẹp của việc đấu nối thu gom, xử lý nước thải là góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng cho chính chúng ta và con cháu sau này. Ngoài ra còn phải ràng buộc thực hiện như phối hợp với các ban ngành chức năng của TP.TDM trong việc phê duyệt, cấp phép xây dựng công trình mới phải thực hiện đấu nối nước thải. Điều quan trọng là phải công khai minh bạch chi phí, giá xử lý vì đây là dự án phi thương mại.

Bài, ảnh DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1603
Quay lên trên