Nhậu sa đà và những hậu quả

Cập nhật: 06-10-2011 | 00:00:00

Kỳ 3: Những nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông

Kỳ 2: Theo chân CSGT xử lý “ma men” trên đường 

Kỳ 1: Nhậu trên từng cây số

Để góp phần kéo giảm, hạn chế đến mức thấp nhất những vụ tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn, Công an Bình Dương mà trực tiếp là Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã xây dựng Kế hoạch số 317/KH-PC67 về việc triển khai Tháng An toàn giao thông (ATGT) năm 2011. Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn với Thượng tá Phan Văn Kiết (ảnh trên), Phó phòng CSGT, Công an Bình Dương, về nội dung chủ yếu và những hiệu quả bước đầu của tháng ATGT.

 

- Ông có thể cho biết nội dung chủ yếu của kế hoạch triển khai Tháng ATGT của Bình Dương và những kết quả đạt được tính đến thời điểm này?

- Ban lãnh đạo Phòng CSGT tỉnh xác định mục đích, yêu cầu trong đợt cao điểm Tháng ATGT phải huy động tối đa lực lượng, trang thiết bị thực hiện đồng bộ các biện pháp, đồng thời cũng thông qua công tác tuần tra kiểm soát (TTKS) đấu tranh, phòng chống tình trạng thanh thiếu niên tụ tập điều khiển xe lạng lách đánh võng, đua xe trái phép và phát hiện bắt giữ các loại tội phạm, góp phần bảo đảm tình hình trật tự ATGT và trật tự xã hội. Chủ đề Tháng ATGT năm nay là “Phòng, chống uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông”, căn cứ vào đó chúng tôi chỉ đạo anh em cán bộ chiến sĩ thực hiện triệt để theo tiêu chí xử lý nghiêm minh các lỗi vi phạm là nguyên nhân gây nên TNGT, chủ yếu là những người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

 

Đừng vì rượu bia để chuốc lấy hậu quả đau lòng khi tham gia giao thông

 

 Kế hoạch 317/KH-PC67 được triển khai quán triệt cho các đơn vị của phòng cũng như 7 huyện, thị trong tỉnh cùng nhau ra quân thực hiện đồng bộ TTKS các khu vực trọng tâm, trọng điểm, nhất là những nơi có đông đối tượng thanh thiếu niên sử dụng xe phân khối lớn tham gia tụ tập, nẹt pô, dàn hàng ngang, đánh võng, lạng lách có biểu hiện đua xe; TTKS những tuyến đường trọng điểm, kịp thời kiểm tra xử lý các chủ phương tiện uống rượu bia khi tham gia giao thông.

Theo thống kê mới nhất, chỉ trong vòng 15 ngày, từ 1 đến 14-9, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xảy ra 9 vụ TNGT nghiêm trọng làm chết 9 người, bị thương 11 người. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hiện có khoảng 40% số vụ TNGT liên quan đến rượu bia. Kết quả nghiên cứu tại Bệnh viện Việt Đức và Xanh Pôn (Hà Nội) cũng cho thấy, 62% các nạn nhân bị TNGT đường bộ đều có độ cồn trong máu. Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10 - 30%; làm giảm khả năng điều khiển, tự chủ, phản xạ và thị lực; gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác, quá trình xử lý và truyền tải hình ảnh tới não... gây ước tính sai về khoảng cách. Uống rượu, bia quá nồng độ, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ dễ bốc đồng, chạy xe với tốc độ cao do bị kích thích, sau đó gây ức chế não bộ làm cho người lái xe ngủ gật trong khi điều khiển xe...

 

Kết quả, sau 2 tuần ra quân, Phòng CSGT đã tổ chức được 126 ca TTKS với 610 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia, lập biên bản và phạt tại chỗ là 2.680 trường hợp. Trong đó, số trường hợp bị lập biên bản là 1.974 trường hợp, phạt tại chỗ 712 trường hợp. Tổng số tiền nộp kho bạc là 1 tỷ 239 triệu đồng;  tước 185 giấy phép lái xe (ô tô là 152 trường hợp), đình chỉ lưu hành 167 phương tiện (165 mô tô). Như vậy, so với 2 tuần liền trước ở trong tháng 8 thì số trường hợp bị lập biên bản tăng 687 trường hợp và số tiền phạt tăng hơn 207 triệu đồng.

- Các lỗi vi phạm chủ yếu được phát hiện trong đợt cao điểm Tháng ATGT này là gì, thưa ông?

- Theo số liệu tổng hợp, lỗi không có giấy phép lái xe (596 trường hợp) và vi phạm tốc độ là phổ biến nhất với 394 trường hợp. Ngoài ra, các lỗi như đi không đúng làn đường, phần đường quy định (243 trường hợp), tránh vượt sai quy định (142 trường hợp), đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ (78 trường hợp) vẫn còn xảy ra nhiều, rất dễ dẫn đến TNGT. Ngoài ra, còn có các lỗi vi phạm khác như chở quá số người quy định, quá tải, chở hàng quá kích thước, không đội mũ bảo hiểm (96 trường hợp) và đặc biệt là lạng lách, đánh võng (18 trường hợp) cũng đã được lực lượng phát hiện, xử lý nghiêm minh.

 - Đối với công tác kiểm tra nồng độ cồn ở những người điều khiển phương tiện giao thông đã được triển khai như thế nào? 

- Trong lúc TTKS, lực lượng CSGT đều có mang theo đầy đủ các thiết bị, công cụ chuyên môn hỗ trợ như máy đo tốc độ, máy đo nồng độ cồn... Khi nhận biết người điều khiển phương tiện giao thông có dấu hiệu sử dụng rượu bia, lực lượng TTKS sẽ yêu cầu dừng xe, đề nghị kiểm tra nồng độ cồn bằng cách thổi qua máy chuyên dùng. Sau khi kiểm tra, chỉ trong vài chục giây máy sẽ tự động in ra kết quả phân tích nồng độ cồn trên 1 lít khí thở của người được áp dụng kiểm tra. Đây sẽ là căn cứ để xử lý những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

- Trong quá trình áp dụng thực tế, được biết là lực lượng TTKS trật tự ATGT đã gặp rất nhiều khó khăn khi tiến hành kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông. Điều này là do đâu?

- Khi yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, có nhiều trường hợp do đã uống rượu bia khi tham gia điều khiển giao thông nên không chịu ngậm ống thổi, hoặc ngậm tượng trưng; hay viện dẫn các lý do không phù hợp để bào chữa cho hành vi của mình.

- Thưa ông, để bảo đảm vấn đề vệ sinh, thì ống nhựa dùng để người kiểm tra ngậm và thổi vào máy đo nồng độ cồn có phải chỉ dùng riêng cho từng người một. Và còn nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ về mức độ chính xác của máy đo nồng độ?

- Tôi xin khẳng định là ống nhựa (màu trắng) chỉ dùng cho một người rồi bỏ. Khi TTKS thì lực lượng CSGT sẽ mang theo đầy đủ số lượng ống thổi cần thiết, sẽ không sợ thiếu đến độ một ống dùng cho 2 người. Thứ hai, máy đo nồng độ cồn mà lực lượng đang sử dụng là do Bộ Công an trang bị, đã được các cơ quan chuyên môn thẩm định về mặt an toàn chất lượng kỹ thuật, bảo đảm sự chính xác cao trong từng kết quả kiểm tra nên không phải lo ngại về điều này.

- Theo thượng tá, việc uống rượu bia rồi tham gia điều khiển phương tiện giao thông có phải là một trong những nguyên nhân trực tiếp và nhiều nhất gây nên các vụ TNGT nghiêm trọng vừa qua?

- Có rất nhiều nguyên nhân gây nên TNGT mà chỉ cần một chút bất cẩn, thiếu quan sát, tránh vượt sai quy định hay điều khiển phương tiện vượt quá tốc độ cho phép đều có thể dẫn đến những vụ TNGT nghiêm trọng làm thiệt hại tính mạng và tài sản của người dân. Trong số này, gây TNGT do uống rượu bia cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu và rất đáng báo động, cần phải loại bỏ. Bởi, theo những phân tích, kết quả nghiên cứu khoa học đã chứng minh việc uống rượu bia sẽ khiến người tham gia giao thông không làm chủ được tốc độ, giảm thị lực, ước lượng khoảng cách sai, khả năng phản xạ sẽ trở nên chậm chạp, khó mà xử lý tình huống chính xác khi tham gia giao thông, có thể xảy ra TNGT bất cứ lúc nào.

- Kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông là một trong những biện pháp hiệu quả để góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, liệu biện pháp này chỉ được áp dụng mạnh trong tháng cao điểm ATGT hay là xuyên suốt trong thời gian tới, thưa ông?

- Việc kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông không chỉ được áp dụng mạnh trong tháng cao điểm ATGT mà sẽ duy trì thường xuyên trong thời gian tới, bên cạnh kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ khác, cũng như nhiều giải pháp khác, trong đó có tăng cường lồng ghép tuyên truyền giáo dục về ATGT cho học sinh, sinh viên, công nhân lao động... Chúng tôi đã thực hiện tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, kết hợp trưng bày hình ảnh TNGT cho hơn 1.000 sinh viên, học sinh ở các trường học trong tỉnh và sắp tới sẽ mở rộng ra nhiều đối tượng khác.

- Xin cảm ơn ông!

Chính phủ vừa ra Nghị quyết số 88 về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thời gian qua, các vụ TNGT đã giảm nhưng chưa bền vững, số người bị thương do TNGT vẫn cao và còn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành liên quan tăng cường phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu bia. Trong đó, Bộ Y tế và Bộ Công an trong quý IV năm nay phải ban hành được quy định về việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người tham gia điều khiển phương tiện giao thông.

Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định rõ mức xử phạt tăng nặng với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà có nồng độ cồn trong máu: phạt từ 4 - 6 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở; phạt từ 2 - 3 triệu đồng với người có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4mg/1 lít khí thở.

LONG VĨNH - BÌNH MINH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=394
Quay lên trên