Thời gian qua, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tỉnh tiếp tục được phát triển, lan tỏa với nhiều cách làm hay, mô hình mới ra đời, góp phần vào công tác phòng ngừa tội phạm trong cộng đồng dân cư.
Lực lượng công an cơ sở tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác trước tội phạm. Ảnh: HƯNG PHƯỚC
Cụ thể như hưởng ứng thực hiện “Mô hình đề án xã hội hóa camera an ninh”, đến nay tổng số camera được các ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương vận động người dân lắp đặt là hơn 4.700 “mắt”, với kinh phí hơn 6,8 tỷ đồng. Hình ảnh từ hệ thống “mắt thần” này kịp thời phục vụ tích cực cho việc phát hiện, điều tra làm rõ một số vụ án; giải quyết các vụ việc mất an ninh trật tự (ANTT), bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị.
Với vai trò của mình, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục củng cố, duy trì 299 mô hình địa chỉ tin cậy với 1.272 thành viên; 81 Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ với pháp luật với hơn 1.800 thành viên; CLB Lá chắn; mô hình 3 không “Không bạo lực gia đình, không trẻ em bị xâm hại; không phụ nữ và trẻ em bị bỏ rơi…”.
Trong khi đó Hội Cựu chiến binh tỉnh tiếp tục phát huy mô hình “Tổ tự quản” do hội viên cựu chiến binh chủ trì với các hoạt động thiết thực như xuống từng nhà vận động, tuyên truyền cách phòng chống tội phạm và đăng ký gia đình không vi phạm các tệ nạn xã hội, con em không tham gia đua xe trái phép… Ngoài ra, hội viên còn vận động gia đình, người thân, khu dân cư nơi cư trú tham gia phong trào gắn camera tự bảo vệ tài sản gia đình, góp phần bảo đảm ANTT tại địa phương.
Một trong những đơn vị được đánh giá cao trong công tác tuyên truyền pháp luật thời gian qua là Sở Tư pháp. Với vai trò, chức năng của mình, sở đã thực hiện nhiều chương trình tư vấn pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Bình Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương... Những nội dung tuyên truyền thiết thực này đã len lỏi vào từng khu dân cư, gia đình và từng bước nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân.
L.T.PHƯƠNG