Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành đã có đơn hàng xuất khẩu ổn định đến tháng 5, tháng 6 và đang chuẩn bị cho mùa sản xuất mới. Mục tiêu xuất khẩu của ngành năm nay khoảng 14 tỷ đô la Mỹ được xem là nhẹ nhàng. DN không sợ thiếu đơn hàng mà chỉ lo kéo chi phí đầu vào xuống thấp để có giá bán cạnh tranh, lợi nhuận nhiều hơn. Trong khi mọi chi phí đầu vào của thế giới đều xuống, DN Việt Nam rất khó tăng đơn giá xuất khẩu. DN chỉ còn cách tăng năng suất lao động và đổi mới công nghệ.
Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, dệt may được đánh giá là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực sẽ hưởng lợi nhiều từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dù vậy, lãnh đạo VITAS tin tưởng, năm nay, ngành dệt may sẽ có nhiều hứa hẹn với mức tăng trưởng 10 - 15% so với năm trước, dự kiến kim ngạch xuất khẩu từ 28 - 28,5 tỷ đô la Mỹ. DN nội địa không đủ sức về vốn và công nghệ để đầu tư xây dựng vùng nguyên phụ liệu nhằm đáp ứng yêu cầu về quy định xuất xứ trong các FTA, nhất là TPP. Giải pháp lúc này là buộc phải liên kết, hợp tác với DN nước ngoài mở rộng nhà máy sản xuất, chú trọng phát triển về sợi, dệt vải...
Tháng 8-2014, Bộ Công thương đưa ra dự thảo nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ vốn ì ạch nhiều năm nay. Theo các DN ngành dệt may, da giày, việc đầu tư xây dựng vùng nguyên phụ liệu không chỉ giúp DN đáp ứng yêu cầu về xuất xứ mà còn nâng giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu. Nhưng đến nay, nghị định vẫn chưa được ban hành và từ chính sách đến triển khai áp dụng vào thực tiễn là cả quá trình dài…
K.T (tổng hợp)