Từ xưa đến nay nghề giáo luôn được xã hội quý trọng. Ông bà ta đã từng dạy: “Muốn sang thì bắt cầu Kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Trong đời mỗi người đều trải qua tuổi học trò. Kính trọng thầy cô thể hiện chuẩn mực đạo đức của con người. Ngày 20-11 hàng năm, xã hội lại có dịp tri ân người thầy, những người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tư tưởng văn hóa.
Đóa hoa tươi thắm HS trường THPT chuyên Hùng Vương dâng tặng thầy cô nhân dịp 20-11. Ảnh: A.SÁNG
Trong tuần qua, khắp các trường học trong tỉnh nhộn nhịp những hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam (20- 11). Bởi đây là dịp để học sinh (HS) ghi nhớ công ơn thầy cô giáo. Tại trường THPT Trần Văn Ơn (TX.Thuận An), suốt ngày 19-11 luôn rộn ràng với các hoạt động văn nghệ, thi cắm hoa, viết cảm nhận về người thầy tôi yêu. Trước đó, trường còn phát động trong HS phong trào hoa điểm 10. Thầy Ngô Hiếu, Phó Hiệu trưởng, cho biết đây là hoạt động truyền thống của nhà trường, nhằm giáo dục các em truyền thống tôn sư trọng đạo, đồng thời thi đua nhau học tập, rèn luyện.
Không khí ngày 20-11 lan tỏa khắp các ngôi trường trên địa bàn tỉnh. Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), Trung tâm Giáo dục thường xuyên - kỹ thuật hướng nghiệp huyện Dầu Tiếng đã tổ chức các hoạt động như phát động thi đua dạy tốt học tốt, hoa điểm 10, làm báo tường, văn nghệ, thể thao, vệ sinh trường lớp.
Trong những ngày này, khi đến trường HS không quên mang theo những bó hoa tươi thắm dâng tặng thầy cô thay cho sự tri ân sâu sắc của học trò với người thầy. Thầy cô giáo là những người đã truyền đạt cho HS kiến thức, những kinh nghiệm sống từ khi các em bước vào đời cho đến khi trưởng thành. Như lời tâm sự của một HS lớp 11A1, trường THPT chuyên Hùng Vương (TP. TDM): “Thầy cô chính là người đã dẫn đường, chỉ lối cho chúng em trên đường đời, vun đắp cho chúng em một tương lai tươi sáng. Ngày Nhà giáo Việt Nam chính là dịp để các em kính dâng lên thầy cô những đóa hoa tươi thắm và ý nghĩa nhất”.
Càng gần đến ngày 20-11, hoạt động tri ân càng rộn ràng và đậm nét. Ở từng huyện, thị, thành phố đều có kế hoạch tổ chức các hoạt động và họp mặt nhà giáo. Ông Tạ Tấn Tuấn, Phó phòng GD-ĐT Dầu Tiếng cho hay, nhân dịp ngày nhà giáo, ngành tổ chức hội trại với sự tham gia của 800 trại sinh là giáo viên trong toàn huyện. Ngoài thi dựng trại đẹp, 32 tiểu trại còn thi bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ, thi tiếng hát giáo viên. Trong từng trường học, nhà trường tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, học sinh (HS) giỏi. Những hoạt động này tạo sự vui tươi, phấn khởi và thầy trò cùng thi đua dạy tốt - học tốt.
Hơn 40 năm qua, kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh nhà đã có sự phát triển vượt bậc. Sự đổi thay đó có công sức đóng góp to lớn của đội ngũ nhà giáo, những người đã đào tạo ra nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bà Trần Thị Thảo, Phó Chủ tịch UBND TX.Bến Cát xúc động nói, các thầy cô giáo chính là ngọn đuốc soi đường đưa các thế hệ HS đến những chân trời mới lạ của tri thức. Để rồi biết bao thế hệ HS của quê hương Bến Cát anh hùng đã trưởng thành và có mặt trên mọi miền đất nước, đóng góp trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 20-11 năm nay, những cựu giáo chức cũng ấm lòng khi được xã hội nhớ đến công lao đóng góp của thầy cô cho sự nghiệp trồng người. Hình ảnh người thầy vẫn còn in mãi trong tâm thức của bao thế hệ học trò. Thế nên có những học trò dù bôn ba làm ăn ở nơi đâu cũng vẫn tìm về thăm lại thầy cô trong những dịp này. Đó chính là truyền thống tốt đẹp về đạo lý của người Việt Nam. Vinh quang của nhà giáo hóa thân trong sự thành đạt của học trò. Và thực tế đã chứng minh điều này. Điều đó càng làm cho giá trị của người thầy càng trở nên thanh cao hơn bao giờ hết. Dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, một lần nữa chúng ta lại tôn vinh người thầy, những kỹ sư tâm hồn của thế hệ trẻ.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh:
Với tấm lòng vị tha, yêu nghề, đội ngũ thầy cô giáo trong toàn ngành GD-ĐT trong thời gian qua đã luôn chủ động khắc phục những trở ngại do áp lực gia tăng HS cơ học; vượt qua những khó khăn về vật chất, miệt mài trên bục giảng nhằm truyền thụ kiến thức, dạy dỗ, hình thành niềm tin và chắp cánh ước mơ cho biết bao thế hệ học trò trở thành những công dân tốt, ham học hỏi, vững bước trên đường đời với những hoài bão to lớn để phụng sự quê hương, đất nước.
Trong giai đoạn hiện nay, cuộc sống của các nhà giáo chưa phải đã hết những khó khăn, thiếu thốn; tuy nhiên trong bất kỳ điều kiện nào, hoàn cảnh nào, lãnh đạo tỉnh luôn kỳ vọng và tin tưởng đội ngũ nhà giáo luôn sẵn sàng cống hiến, biết hy sinh mà không một chút đắn đo; tất cả vì sự tiến bộ của HS thân yêu.
Ông Lê Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT:
Sự nghiệp GD-ĐT luôn gắn liền với nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nên có vai trò quyết định sự phồn vinh, giàu mạnh cho mỗi địa phương và đất nước. Để hoàn thành sứ mệnh cao cả ấy, các nhà giáo phải nỗ lực không ngừng, không quản ngại khó khăn, chấp nhận hy sinh bản thân.
Nhân đây tôi kêu gọi 19.000 công chức - viên chức toàn ngành hãy đồng tâm hiệp lực, đoàn kết một lòng, luôn nỗ lực phấn đấu để mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp GD-ĐT tỉnh nhà ngày càng phát triển, vững mạnh, trở thành điểm sáng giáo dục của cả nước, đúng như kỳ vọng và niềm tin mà Đảng bộ và nhân dân đã gửi gắm.
HỒNG THÁI