Theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sau hơn 2 năm thực thi tương đối hiệu quả, cả từ góc độ thương mại, đầu tư cũng như xây dựng pháp luật bảo đảm tuân thủ cam kết. EVFTA đã góp một phần quan trọng, làm giảm nhẹ các tác động bất lợi, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng quá trình thực thi EVFTA cũng tồn tại một số bất cập, hạn chế cản trở hiện thực hóa các lợi ích. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chủng loại hàng hóa xuất khẩu Bình Dương sang EU vẫn còn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa sau đại dịch. Thêm vào đó, EU lại là thị trường luôn có đòi hỏi cao về các quy chuẩn chất lượng, cũng như nhiều rào cản khắt khe về thương mại, chú trọng xu hướng tiêu dùng xanh, sạch… làm hạn chế khả năng tiếp cận của nhiều ngành hàng và doanh nghiệp.
Trước thực tế đó, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc doanh nghiệp cần định vị thương hiệu và xúc tiến thương mại, cũng như chủ động nắm bắt thông tin về cắt giảm thuế quan đối với sản phẩm của doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua các kênh để đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Cộng đồng doanh nghiệp đề xuất, để thực thi có hiệu quả hơn EVFTA trong thời gian tới, Nhà nước cần hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép, lương thực để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này. Nghiên cứu, ban hành các chính sách tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp, hiệu quả chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.
KHẢI ANH