Tôn vinh và quảng bá sản phẩm đạt chuẩn OCOP

Cập nhật: 16-11-2022 | 08:58:52

 Trong khuôn khổ Chương trình Bình Dương Expo 2022, nhằm đẩy mạnh kết nối cung - cầu hàng hóa tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh đã trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đợt I năm 2022 cho 19 sản phẩm. Đây là hoạt động nhằm tiếp tục tôn vinh và quảng bá, giới thiệu sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh đến tay người tiêu dùng và các nhà phân phối.

 Lãnh đạo tỉnh trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đợt I năm 2022

Mở ra nhiều cơ hội

Với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1166/QĐ-UBND ngày 29-4-2020 phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025.

Đánh giá sản phẩm OCOP căn cứ vào các tiêu chí về chất lượng sản phẩm: Chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm, tiêu chuẩn sản phẩm, khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế cùng các tiêu chí về tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị… Tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100 điểm và được phân thành 5 hạng, trong đó hạng 5 là hạng cao nhất.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trong đợt I năm 2022 có 65 sản phẩm của 40 chủ thể trên địa bàn 6 huyện, thị của tỉnh đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Qua rà soát hồ sơ, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bình Dương đã tổ chức đánh giá, phân hạng cho 65 sản phẩm theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg và Quyết định số 781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả, Hội đồng đã trình UBND tỉnh công nhận 19 sản phẩm của 12 chủ thể đạt sản phẩm OCOP 3 sao (có số điểm từ 50 đến 69 điểm).

Các sản phẩm này đáp ứng điều kiện là sản phẩm đặc sản, đặc trưng, truyền thống của địa phương; bảo đảm các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác theo xu hướng thị trường tiêu dùng và theo quy định. Như vậy tính đến thời điểm này, tỉnh Bình Dương có 47 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 8 sản phẩm đạt 4 sao và 39 sản phẩm đạt 3 sao.

Các hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh đều xác định làm OCOP là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn để tạo dựng thương hiệu và ghi dấu ấn tại các thị trường lớn trong nước và mục tiêu xa hơn là xuất khẩu. Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo), cho biết việc tham gia chương trình là rất cần thiết. Bởi các mặt hàng của hợp tác xã nếu được công nhận là sản phẩm OCOP sẽ có thương hiệu, được tham gia hệ thống xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm, không chỉ có chỗ đứng trên thị trường trong nước, khu vực mà còn có cơ hội mở rộng thị trường sang nước ngoài.

 Các sản phẩm OCOP 3 sao  trưng bày tại triển lãm

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Ông Phạm Văn Bông chia sẻ thêm, Chương trình OCOP là chương trình hướng đến mỗi xã sẽ tạo ra ít nhất một hay nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới trong tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững. Hiện chương trình đang được các địa phương triển khai tích cực, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

 Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa được xem là một hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng thường niên của tỉnh. Chương trình đang trở thành kênh kết nối giao thương hữu hiệu cho sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP tỉnh Bình Dương. Qua đó, giúp các hiệp hội, doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của Bình Dương và cả nước có thêm kênh gặp gỡ, thiết lập và khai thác mối quan hệ giao thương trong nước và quốc tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh doanh trong hiện tại và tương lai.

Thời gian qua, tỉnh đặc biệt rất chú trọng quan tâm và chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông đến các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tỉnh về Chương trình OCOP, coi OCOP là chương trình phát triển kinh tế quan trọng trong cộng đồng đặc biệt đối với khu vực nông thôn. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành, các địa phương hỗ trợ và tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia chương trình củng cố, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa, nâng cao chất lượng giá trị các sản phẩm tham gia OCOP đáp ứng các tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm theo quy định.

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đề ra mục tiêu 100% số xã trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; ít nhất 150 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP; ít nhất 80 sản phẩm đạt 3 sao trở lên được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao được chứng nhận sản phẩm OCOP quốc gia.

Xác định xúc tiến thương mại là bước then chốt của chương trình, tỉnh đã tổ chức xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, giới thiệu trên các trang thương mại điện tử; xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP. Vừa qua, tỉnh tổ chức thành công Chương trình kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Bình Dương năm 2022 nhằm kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo thúc đẩy liên kết trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn liền với thị trường tiêu thụ, khuyến khích các tổ chức kinh tế, cá nhân phát triển sản xuất nông sản có tiềm năng lợi thế của địa phương.

Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP tỉnh Bình Dương đợt I năm 2022

1. Rượu vắt nếp cái hoa vàng 1908 của Công ty TNHH TM DV SX Hùng Thuận Phát

2. Rượu kim ngọc tửu 1908 của Công ty TNHH TM DV SX Hùng Thuận Phát

3. Rượu vắt nếp cẩm 1908 của Công ty TNHH TM DV SX Hùng Thuận Phát

4. Chuối già của Công ty TNHH An Điền

5. Tiêu lốp của Hộ hồ tiêu Kiết Tường

6. Trà ASTISO + của Công ty TNHH MTV TM DV SX C.V.C

7. Trà thảo mộc túi lọc ASTISO + của Công ty TNHH MTV TM DV SX C.V.C

8. Trà nấm linh chi của Công ty TNHH MTV TM DV SX C.V.C

9. Trái ổi tươi của HTX nông nghiệp ổi Thanh Kiên

10. Bưởi da xanh của Trang trại Mai Quốc 3

11. Dưa lưới của Hộ SXKD Phúc Đạt

12. Rượu nếp năng lượng của Công ty TNHH Mạnh Hùng Power

13. Linh chi mật ong đông trùng hạ thảo của Hộ kinh doanh Linh chi Trường Sinh

14. Nước uống linh chi đông trùng hạ thảo của Hộ kinh doanh Linh chi Trường Sinh

15. Nước yến bổ dưỡng của Công ty TNHH TM SX Yến sào Việt Nam, chi nhánh Tân Uyên

16. Nước yến đường phèn của Công ty TNHH TM SX Yến sào Việt Nam, chi nhánh Tân Uyên

17. Nước yến đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH TM SX Yến sào Việt Nam, chi nhánh Tân Uyên

18. Cải ngọt của HTX dịch vụ nông nghiệp Thạnh Hội

19. Lạp xưởng tươi cô giáo Phượng của Hộ kinh  doanh Bùi Phong Sơn.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=748
Quay lên trên