Chọn nghề dạy học, các nhà giáo của ngành giáo dục - đào tạo TP.Thủ Dầu Một dốc hết tâm sức truyền đạt kiến thức cho đàn em thân yêu. 2 nhà giáo chúng tôi nêu dưới đây là những tấm gương tiêu biểu tận tâm, tận tụy, tận lực, tất cả vì học sinh thân yêu.
Cô Châu hướng dẫn trẻ vui chơi từ những đồ chơi do cô tự làm
Người mẹ hiền thứ hai
Kết thúc thời gian hợp tác lao động ở nước ngoài, về nước năm 1998, cô Nguyễn Thị Mỹ Châu, giáo viên trường Mầm non Tuổi Ngọc chọn lối rẽ mới, đó là dạy học. Lý do cô chọn nghề do gia đình có truyền thống dạy học, nhiều anh chị em của cô là giáo viên và bản thân cô cũng yêu thích nghề này từ khi còn nhỏ.
Tốt nghiệp sư phạm với điểm số cao nên cô được phân công giảng dạy ở thị xã. Ban đầu cô dạy trường Mầm non Hướng Dương. Đến năm 2003 cô được điều động về dạy ở trường Mầm non Tuổi Ngọc cho đến nay. Chọn dạy bậc mầm non dẫu biết rằng sẽ cực nhọc nhưng với tấm lòng yêu trẻ, cô Châu quyết đem tình thương của người mẹ hiền chăm sóc, giáo dục trẻ. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, cô Châu được Ban Giám hiệu phân công dạy đủ cả 3 khối: Mầm, chồi, lá. Năm học này cô phụ trách lớp mầm. Cô chia sẻ, ở mỗi khối có đặc trưng riêng, nhưng phụ trách lớp mầm là vất vả nhất, bởi các bé vừa bước vào tuổi mẫu giáo, mọi thứ còn bỡ ngỡ. Từ đầu năm học, cô phải dạy cho các cháu từ nề nếp đến lễ giáo, thao tác vệ sinh cá nhân, nhận biết hiện tượng xung quanh, màu sắc. Ở tuổi lên 3, trẻ phát triển ngôn ngữ, cô còn dạy cháu nói tròn câu, đủ ý, mạnh dạn...
Chăm sóc trẻ mầm non vất vả, giáo viên mầm non còn phải thường xuyên làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Với cô Châu, cô rất thích làm đồ dùng dạy học. Nhìn lớp học do cô phụ trách thật sinh động, các góc học tập của trẻ rất phong phú, đồ chơi đa dạng. Những vật dụng bỏ đi như hộp sữa, hũ yaourt, nút chai, hộp giấy, thìa nhựa... khi vào tay cô đều có ích. Bằng sự sáng tạo, cô đã làm ra nhiều đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Cô tâm sự: “Có những ngày ý tưởng làm một đồ chơi mới cho trẻ trào ra, tôi thức đến 1 - 2 giờ sáng để thực hiện cho đến khi hoàn thành. Đem vào lớp, nhìn các cháu thích thú với món đồ chơi mới, tôi không còn thấy mệt nhọc”.
Ngoài tích cực làm và sử dụng đồ dùng dạy học tự làm, cô Châu còn có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, sáng kiến sư phạm ứng dụng. Từ năm 2012 đến nay, năm nào cô cũng có sáng kiến đạt cấp thành phố, có năm đạt cấp tỉnh. Với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, sáng tạo trong giảng dạy, năm học 2019- 2020, cô Châu được Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng bằng khen vì thực hiện tốt phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.
Sáng tạo trong giảng dạy
Cô Nguyễn Thị Hương Giang, giáo viên dạy môn vật lý trường THPT Chuyên Hùng Vương cũng là một điển hình tiêu biểu thực hiện “Đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy”, được Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng bằng khen trong năm học vừa qua. Là giáo viên trường chuyên, nơi đào tạo nguồn học sinh (HS) giỏi cho tỉnh nên trọng trách của cô càng được đặt nặng hơn so với các trường khác. Với chuyên môn vững, sống hết mình với nghề, nhiều năm qua, cô Giang đã thể hiện tài năng dạy học qua chất lượng của học trò.
Cô Giang cùng HS do cô hướng dẫn đạt giải tư hội thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia
Là giáo viên trường chuyên, cô thường xuyên tích cực đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, sử dụng máy chiếu, bảng tương tác thông minh có hiệu quả. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, bản thân cô đã tăng cường thực hiện công nghệ thông tin trong giảng dạy. Phương pháp này đã đạt hiệu quả cao qua các phần mềm dạy học trực tuyến và đánh giá kiểm tra trực tuyến.
Là giáo viên giỏi, cô Giang được nhà trường phân công bồi dưỡng HS giỏi. Nhiều năm, học trò của cô đạt giải cấp tỉnh, quốc gia và khu vực. Năm học 2017-2018, có 1 HS đạt giải nhì hội thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Năm học 2019-2020 cô hướng dẫn một HS đạt giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và giải tư cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Trong công tác bồi dưỡng HS giỏi môn vật lý, có 11 em đạt giải cấp tỉnh, 1 em đạt giải ba cấp quốc gia; bồi dưỡng HS giỏi trại hè Phương Nam đạt 3 huy chương đồng; 3 HS đạt huy chương đồng môn vật lý trong kỳ thi Olympic khoa học tự nhiên.
Chia sẻ về nghề, cô Giang cho biết: “Đầu tiên cần phải dạy đầy đủ các kiến thức trong sách chuyên đề cho HS, kết hợp với nâng cao kiến thức chuyên sâu cho các em thông qua hệ thống các câu hỏi mở rộng của từng chuyên đề. Sau khi dạy xong phần kiến thức nền tảng, tôi tiếp tục hướng dẫn HS cách trình bày các dạng bài tập, phát huy tính tích cực, chủ động học tập cho các em; đồng thời, thường xuyên động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho HS để các em tích cực, cố gắng phấn đấu học tập nhằm đạt hiệu quả cao”.
Để trở thành một giáo viên giỏi, cô Giang thường xuyên tự học và học hỏi ở đồng nghiệp cũng như học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu giảng dạy tại trường chuyên.
HỒNG THÁI