Những cành hồng tươi thắm

Cập nhật: 23-08-2010 | 00:00:00

Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha

Đi khắp thế gian không ai sánh bằng mẹ

Gian khổ cuộc đời ai nặng gánh hơn cha?

Tôi thật ấn tượng với 4 câu thơ trên mà tôi đã được đọc từ lâu lắm. Công ơn cha mẹ mênh mông như biển, như sông, cao dày như non, như núi. Biển rộng, núi cao cũng còn có điểm dừng nhưng công ơn cha mẹ là vô tận. Vì thế, chỉ có những ai mất đi người thân yêu nhất trên đời mới thấm thía hết câu ca dao: “Có cha có mẹ thì hơn/ Không cha không mẹ như đờn đứt dây/ Đờn đứt dây còn xoay còn nối/ Cha mẹ mất rồi con chịu mồ côi...”.

Thế nhưng, cuộc sống bon chen, một số người con bị dòng xoáy cuộc đời lôi cuốn đã dần mất đi cái đạo cơ bản của một con người. Đó là đạo hiếu. Đọc báo, xem đài, đâu đó vẫn còn những người con ngược đãi, tranh giành tài sản với cha, với mẹ, làm cha mẹ buồn lòng. Ban Bạn đọc - Pháp luật Báo Bình Dương thỉnh thoảng cũng nhận được những lá đơn kêu cứu, nhờ can thiệp từ những sự việc trên. Gần đây nhất, nhiều người bức xúc và phẫn nộ trước một đoạn video clip quay lại cảnh một người con ở quận Gò Vấp (TP.HCM) ngược đãi mẹ già đã gần 90 tuổi. Khi địa phương đến xác minh sự việc, người mẹ vẫn “bênh” con, phủ nhận hành vi sai trái của người con. Tấm lòng của mẹ là vậy. Bảo vệ con đến cùng.

Đạo hiếu là một trong những chuẩn mực của đạo đức truyền thống. Người bất hiếu bị xã hội lên án, trời không dung, đất không tha nên gọi họ là những đứa con “trời đánh”. Trong gia đình, một con người không tròn chữ hiếu thì ra ngoài xã hội họ thật khó thành danh. Bởi họ sẽ bị dư luận dèm pha, dị nghị, chê bai...

Việc thể hiện lòng hiếu thảo không chỉ là chuyện vâng lời, phụng dưỡng nuôi nấng cha mẹ lúc về già mà còn là những hành vi biểu hiện trong cuộc sống thường ngày như có miếng ngon dành cho các đấng sinh thành; thường xuyên gần gũi, thăm viếng (nếu ở xa); tìm cách để làm cho cha mẹ vui lòng. Tôi thật thấm thía câu: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/ Đừng để buồn vương mắt mẹ nghe không?”. Lòng hiếu thảo không chỉ thể hiện đối với cha mẹ ruột mà còn cả ở những bậc sinh ra cha mẹ mình (ông bà), cha mẹ vợ, chồng.

Ngày nay, do kinh tế - xã hội phát triển, tuổi thọ trung bình ngày càng cao, người cao tuổi xuất hiện ngày càng nhiều. Có một thực tế, một bộ phận người cao tuổi đang phải sống cô đơn, có cuộc sống cơ cực trong cộng đồng hoặc phải nương thân vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Họ không nơi nương tựa vì nhiều nguyên nhân khác nhau, phần nhiều trong họ do lâm vào cảnh “lá trên cành khóc lá xanh rơi” hoặc kể cả có nguyên nhân từ những người con thiếu lòng hiếu thảo. Lòng hiếu thì người con nào chẳng thấm nhuần nhưng cũng có trường hợp do lâm vào hoàn cảnh nghèo khó nên không ít người con không thể chăm sóc cha mẹ già được trọn vẹn. Vì thế, rất cần các hoạt động thiết thực từ chính quyền, các tổ chức xã hội nhằm sưởi ấm những con người đang thiếu những tình cảm ấm áp từ con, nhất là trong mùa Vu lan báo hiếu.

 Mùa Vu lan đang về. Đây là dịp những người con thể hiện tấm lòng hiếu thảo. Những ngày này, những cành hồng được cài lên ngực áo. Nhiều người đi chùa để cầu cho cha mẹ được “sống lâu trăm tuổi”. Cũng có những người đang cài lên áo những bông hồng trắng đang khấn nguyện cho người thiên cổ sớm siêu thoát. “Đêm đêm con thắp đèn trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con”. Còn tôi, tối nay, tôi không đến chùa mà sẽ mua một cành hồng và chạy về với mẹ.

 THƯỜNG DÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên