(Tiếptheo kỳ trước)
15.Hạnh phúc lớn lao nhất của đời tôi
Ngày tạm biệt miền Nam lên đường tập kết ra Bắc, bà con, cô bác giao cho tôi (Ngô Thị Liễu) một nhiệm vụ, đơn giản mà rất thiêng liêng: “Có gặp Bác Hồ thì thưa giùm với Bác rằng bà con trong này ngày đêm trông Bác về thăm!”. Tuy gật đầu lia lịa sẵn sàng nhận lời, nhưng tôi vẫn thầm nhủ rằng không dễ gì có được vinh dự ấy. Vậy mà tôi lại được gặp Bác vào cuối năm 1954, khi đoàn Tuồng Khu Năm được vào Phủ Chủ tịch diễn Tuồng chị Ngộ. Anh chị em trong đoàn ai cũng náo nức bồn chồn, nguyện mang hết sức mình diễn cho Trung ương xem. Đứng trên sân khấu, tôi lách nhẹ tấm màn nhung, nhìn ra qua kẽ hở: Bác Hồ! Đó, Bác ngồi đó! Bận quần áo nâu giản dị, ung dung thanh thản, hiền cách chi là hiền! Tôi tưởng như thuở nào mình đương đóng vai nường Xuân Hương mà gặp được tiên ông ban phép thần để có sức mạnh xua tan quân giặc. Rồi chẳng hiểu sao, tôi thấy rào rào trong tim mạch và nước mắt trào ra lúc nào tôi đâu có biết!
Khi diễn lớp chị Ngộ bị giặc bắt buộc phải ôm đầu anh Tài quăng xuống cống, tôi nhìn thấy Bác chống tay lên cằm nghiêng đầu cúi xuống. Tôi lo lo. Đến khi buông màn kết thúc, khi Bác nắm tay chúng tôi động viên, cổ vũ, đồng chí Trường Chinh mới cho biết là xem lớp đó, Bác nói với đồng chí ngồi bên rằng: “Thấy giặc quăng đầu đồng chí mình như vậy, Bác đau nhói trong tim, chịu không nổi!”. Lời Bác nói đã làm chúng tôi giật mình nhìn kỹ lại, khiến ai cũng ghê sợ lớp tuồng đó. Bác đã dạy chúng tôi một cảm xúc thẩm mỹ mới. Từ ấy không ai có thể diễn nổi lớp đó nữa và cũng từ ấy lớp đó bị cắt bỏ.
Qua năm 1959, chúng tôi lại được Bác gọi lên lần nữa. Lần này ông Tảo và tôi diễn lớp Trại Ba níu chồng là Địch Thanh. Theo lời đồng chí Lê Văn Hiến kể lại thì Bác thích lớp tuồng này lắm. Diễn xong, tôi được nắm tay Bác và được nghe lời Bác dạy. Tôi quên sao được cái nhìn trìu mến như cha nhìn con, tiếng nói đượm hơi ấm tình thương của Bác: “Hay lắm! Nghệ thuật của cha ông để lại hay lắm. Phải giữ cho được, nhưng chớ gieo vừng ra ngô!”.
16. Quà của Bác Hồ tặng các cháu
Ngày Tết dương lịch năm 1960, mọi người lên Phủ Chủ tịch để chúc tết Bác Hồ. Các cơ quan, đoàn thể trong nước, đoàn ngoại giao và ủy ban quốc tế đều đến đông đủ.
Vẫn trong bộ kaki giản dị, với phong thái ung dung, chủ động, Bác đáp lễ vui vẻ và nói lời chúc mừng.
Sau tiệc ngọt, Bác cầm lấy một quả táo to cùng một túi kẹo đứng lên. Bác đi đến chỗ ông Đại tướng Ấn Độ và hỏi:
- Ngài Đại tướng có mang phu nhân sang đây không?
Vị Đại tướng râu hùm, hàm én, lẫm liệt oai phong là vậy mà lúc ấy, vì vô cùng xúc động trước vinh dự bất ngờ, bỗng lộ vẻ lúng túng, ấp úng đáp:
- Thưa Chủ tịch, cảm ơn Chủ tịch, tôi chỉ mang theo sang đây cháu trai năm nay 9 tuổi.
- Thế thì - Bác Hồ nói - tôi gửi ông mang về cho cháu quả táo này và gửi cháu những cái hôn.
Mọi người đều xúc động và vô cùng cảm phục một cử chỉ vừa thân mật vừa tự nhiên của Hồ Chủ tịch.
Rồi quay lại phía khách nước ngoài, Bác nói:
- Tết nhất, ở nhà các vị chẳng thiếu thứ gì. Nhưng xin các vị hãy cầm lấy chút hoa quả ở trên bàn và mang về gọi là quà của Bác Hồ tặng các cháu ở nhà.
Cả phòng khách bỗng ồn ào nhộn nhịp hẳn lên. Khách nước ngoài khách trong nước ùa đến bàn tiệc, cầm lấy táo, lê, bánh kẹo, nét mặt hớn hở.
(Theo di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh)