Những câu chuyện kể về Bác Hồ

Cập nhật: 21-06-2012 | 00:00:00
36. Có gì mà viết lắm thế?Vụ lúa chiêm 1958, miền Bắc hạn to, ruộng đồng khô nẻ. Nhân dân nô nức làm thủy lợi, đào mương dẫn nước vào đồng. Bác Hồ về thăm tỉnh Hưng Yên. Hôm ấy, một ngày tháng giêng, trời rét đậm. Bác Hồ rời Hà Nội thật sớm. Đến huyện Tiên Lữ, có mấy vị lãnh đạo tỉnh chờ sẵn ven đường. Bác xuống xe bắt tay, hỏi han mọi người, rồi băng băng đi bộ vào cánh đồng. Nông dân 5 xã đang đào một con sông. Bác Hồ bước rất nhanh giữa cánh đồng khô, đến mỗi nơi có đồng bào làm Bác dừng lại, thăm hỏi động viên. Bà con hoan hô Bác. Bác xua tay: “Đừng hoan hô Hồ Chủ tịch, hãy hoan hô nước khi nào nước về”. Hễ gặp các vị cao niên là Bác tiến đến thăm hỏi. Có một cụ tên là Đoàn Đình Kiêu, năm ấy 82 tuổi, người thôn Hoàng Xá, xã Trung Dũng cũng tham gia làm thủy lợi. Bác nắm chặt tay cụ, nói: “Tôi cảm ơn cụ đã làm gương cho con cháu”. Rồi Bác quay lại bảo cán bộ địa phương đi theo: “Các cụ cùng chống hạn để làm gương cho con cháu như thế là rất tốt, nhưng phải chú ý sức khỏe các cụ, chớ để các cụ làm quá sức”. Gặp ông Chủ tịch huyện quần áo tinh tươm đang đứng chờ để chào Bác. Bác bảo Chủ tịch đưa tay xem. Rồi Bác nói nhỏ: “Tay chú sạch quá. Cán bộ cũng phải cùng lao động với bà con, để cho bà con thấy mình là người của nhân dân”. Đến xã cuối cùng, Bác Hồ dừng lại, rút trong túi ra một phong bì nhỏ. “Đây là phần thưởng của Bác Hồ. Có 7 chiếc huy hiệu tất cả. 5 chiếc tặng bà con 5 xã, 1 chiếc thưởng xã nào thi đua giỏi nhất, còn 1 chiếc Bác tặng riêng cụ Kiêu”. Do mỗi xã phụ trách một khúc sông, cho nên bà con tản mát. Bác Hồ đi bộ đến mấy cây số liền. Tôi tất tưởi theo, lắng nghe Bác nói chuyện với ai xong, lại tới hỏi rõ họ tên, người thôn nào xã nào... để khi viết bài khỏi lẫn lộn, rồi vội vã chạy cho kịp đoàn. Hồi ấy tôi đang sức trai mà mệt phờ, nhưng vui vì nghe và ghi được nhiều điều, thú vị nhất là chuyện Chủ tịch nước đi bộ qua cánh đồng gồ ghề nứt nẻ. Con sông đang đào nơi Bác về thăm năm ấy sau khi hoàn thành được đồng bào gọi là “Sông Bác Hồ”, nay vẫn giữ nguyên tên. Tối hôm ấy về Hà Nội, tôi viết bài tường thuật dài đăng báo Nhân Dân. Hôm sau, khoảng 9 giờ, có điện thoại từ Văn phòng Chủ tịch nước, mời tôi lên ngay. Anh Trần Quý Kiên chờ sẵn. Anh là cán bộ cách mạng lão thành, có thời gian làm Thứ trưởng Thủy lợi (hiện nay Hà Nội có một phố mang tên Trần Quý Kiên). Anh chỉ nói vắn tắt: Bác Hồ cho gọi. Anh vào báo cáo với Bác, rồi dẫn tôi vào. Bác đang làm việc, ngước mắt hỏi: “Chú Quang à? Bác đã đọc bài của chú trên báo. Viết thế là được. Nhưng Bác hỏi chú, trong bài mấy lần chú nhắc đi nhắc lại chuyện Hồ Chủ tịch đi bộ giữa cánh đồng. Vậy ra từ trước tới nay, Bác Hồ toàn đi xe, chưa từng lội bộ bao giờ à? Bác Hồ đi bộ, thì có cái gì mà viết lắm thế?”. Tôi bối rối, chỉ còn biết chắp tay lúng búng: “Cháu xin cảm ơn Bác. Cháu đã thấy khuyết điểm. Lần sau cháu xin cố gắng”.(Theo di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh)  
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=304
Quay lên trên