Kết thúc năm 2015, Bình Dương đã hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu về kinh tế, văn hóa - xã hội đã đề ra. Năm 2016 đặt ra cho tỉnh nhiều vận hội mới lẫn thách thức không hề đơn giản. Con đường đi lên đô thị loại I, trở thành thành phố văn minh, hiện đại, thành phố đáng sống đang nằm trong tầm tay của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
Những con đường làm nên đại cuộc
Cột mốc đáng nhớ khi Bình Dương được tách ra từ tỉnh Sông Bé vào năm 1997. Với phương châm “Ngành giao thông phải đi trước, mở đường cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Bình Dương đã lấy mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng giao thông làm đòn bẩy cho kinh tế tỉnh nhà. Tại thời điểm năm 1997, toàn tỉnh chỉ có 2.186 km đường giao thông, việc lưu thông hàng hóa, phát triển các khu công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, tổng chiều dài hệ thống đường bộ trên địa bàn là 7.421km.
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, tỉnh Bình Dương đã nhận định rõ vai trò, vị trí quan trọng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong sự nghiệp công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Từ đó, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo ngành giao thông - vận tải và các cơ quan, ban ngành tập trung thực hiện qui hoạch giao thông, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh gắn với qui hoạch phát triển giao thông – vận tải của quốc gia và khu vực.
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn, một trong những tuyến đường chiến lược trong phát triển kinh tế của Bình Dương vừa hoàn thành giai đoạn 1 đã rút ngắn khoảng cách giao thông giữa các vùng trong tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Ảnh: XUÂN THI
Một số công trình giao thông tiêu biểu mà tỉnh Bình Dương thực hiện trong thời gian qua như: Nâng cấp mở rộng toàn tuyên Quốc lộ 13; nâng câp mở rộng đường ĐT 741; đầu tư xây dựng mới các cầu Thủ Biên, Bạch Đằng, Thạnh Hội; cầu Phú Cường qua sông Sài Gòn... Đặc biệt là công trình đường huyết mạch Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối Thành phố mới Bình Dương với các trung tâm đô thị, các khu công nghiệp trong tỉnh với đầu mối giao thông quốc gia và các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thời gian qua, những con đường còn mang lại mùa xuân cho những vùng quê nghèo chuyển hẳn từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Nhờ đó mà hôm nay, bộ mặt TX.Bến Cát và Tân Uyên, các huyện Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Phú Giáo… ngày càng đổi thay theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ…
Tạo đòn bẩy để phát triển bền vững
Trong năm 2015, Bình Dương đã tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển hạ tầng giao thông. Tỉnh đã khánh thành đường Mỹ Phước - Tân Vạn giai đoạn 1, đường ĐT 744, đưa vào sử dụng cầu Ông Bố… Các công trình được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng đã mang lại sự đổi thay nhanh chóng cho các địa phương trong tỉnh.
Tiếp chúng tôi vào những ngày đầu năm 2016, gia đình anh Trần Phú Tài, ở xã Phú An, TX.Bến Cát cho biết, từ khi đường ĐT 744 được nâng cấp và đưa vào sử dụng, công việc kinh doanh của gia đình anh gặp nhiều thuận lợi. Đó là chưa để đến giá đất khu vực nhà anh cũng ngày một nâng lên nhờ cơ sở hạ tầng giao thông đem lại. Quả thật, trong suốt quá trình thực hiện triển khai công tác xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, hàng ngàn hộ dân trong tỉnh bị ảnh hưởng, phải di dời, giải tỏa. Nhưng rồi người dân đã nhận ra những lợi ích lâu dài mà những công trình giao thông mang lại là vô cùng to lớn.
Có thể thấy những lợi ích về kinh tế - xã hội của tỉnh mà việc đầu tư đường giao thông đa đem lại qua những số liệu cụ thể: Sau 19 năm tái lập tỉnh, số km đường giao thông tăng hơn 3 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng hơn gấp 10 lần; tổng sản phẩm trong tỉnh tăng gấp 100 lần; kim ngạch xuất khẩu tăng 49 lần; tổng doanh thu bán lẻ, dịch vụ tăng 39 lần… |
Hệ thống đường giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, khang trang đã tạo đòn bẩy để tỉnh Bình Dương dần hình thành đô thị hiện đại, văn minh. Năm 2016, năm khởi đầu cho nhiệm vụ trọng tâm đưa Bình Dương trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương theo Quyết định số 81/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bình Dương phải xây dựng không gian kết nối với TP.Hồ Chí Minh và TP.Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai. Ngành giao thông lại lãnh sứ mệnh tiên phong đi mở đường, mở ra nhiều cơ hội mới cho Bình Dương phát triển bền vững.
UBND tỉnh xác định, mục tiêu xây dựng hế thống kết cấu hạ tầng giao thông vừa bảo đảm kết nối thông suốt với hệ thống hạ tầng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vừa bảo đảm tính hiện đại, phù hợp với tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc Trung ương.
Trong giai đoạn 2016-2020, Bình Dương tiếp tục đầu tư điều chỉnh qui hoạch, xây dưng, mở rộng các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh, đường sắt TP.Hồ Chí Minh - Mỹ Tho… Để hoàn thành trọng trách làm “người mở đường”, ngành giao thông sẽ phải vận dụng tất cả nguồn lực tại chỗ cũng như các nguồn vốn từ Trung ương, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để xây dựng thêm nhiều con đường kết nối Bình Dương với khu vực phía Nam.
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, tỉnh Bình Dương sẽ huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại hạ tầng giao thông; bảo đảm kết nối hướng tâm từ các trung tâm đô thị trong tỉnh với Thành phố mới Bình Dương và với Vùng kinh tế trong điểm phía Nam. Nhiệm vụ của ngành giao thông chính là điều chỉnh qui hoạch giao thông – vận tải theo định hướng phát triển hạ tầng giao thông đường bộ kết nối với hệ thống quốc lộ, các tuyến vành đai, các trục đường nối đầu mối giao thông các tỉnh, thành lân cận.
Những con đường đã mang lại mùa xuân ấm no, hạnh phúc cho người dân sẽ tiếp tục được mở rộng và nâng cao chất lượng. Tất cả vì mục tiêu chung là mọi sự phát triển đều gắn liền với lợi ích của người dân. Mùa xuân rồi đây sẽ đến từ những con đường như vậy.
Xuân Vĩ