Đại diện 12 quốc gia thành viên tham gia lễ ký kết TPP tại New Zealand - Ảnh: AFP
Theo BBC, Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb là người đầu tiên ký vào biên bản thỏa thuận và toàn bộ đã hò reo vui mừng khi Bộ trưởng New Zealand Todd McClay là người ký sau cùng. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu và ký kết.
AFP cho biết hiệp định đầy tham vọng này nhằm phá vỡ các rào cản về thương mại và đầu tư giữa các quốc gia nắm khoảng 40% kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng New Zealand John Key và Đại diện Thương mại Mỹ Mike Froman chủ trì buổi lễ ký kết. "Hôm nay là một ngày trọng đại, không chỉ với New Zealand mà còn với 11 quốc gia khác trong Hiệp đinh đối tác xuyên Thái Bình Dương" - ông Key tuyên bố.
Sau lễ ký kết, 12 quốc gia thành viên tham gia TPP có thể bắt đầu quá trình phê chuẩn trong nước và có thời hạn hai năm để hoàn thành quá trình phê chuẩn này trước khi hiệp định có hiệu lực.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết sau lễ ký kết, văn bản hoàn chỉnh sẽ được đệ trình lên Quốc hội Việt Nam để phê chuẩn.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng ngay lập tức lên tiếng ca ngợi việc ký kết, nói rằng TPP sẽ tạo cho Mỹ lợi thế lớn hơn các nền kinh tế hàng đầu khác, đặc biệt là Trung Quốc.
"TPP sẽ cho phép Mỹ - và không như các quốc gia giống Trung Quốc - đề ra các quy tắc trên lộ trình trong thế kỷ 21, đặc biệt là tại khu vực năng động như châu Á" - ông Obama nhận định.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông John Key cho rằng TPP sẽ thúc đẩy tự do thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương trong khu vực và sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho 12 nước thành viên.
Trong khi đó đại diện Thương mại Mỹ Mike Froman phát biểu rằng: "Sau năm năm đàm phán, ký kết TPP là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực của chúng tôi nhằm thiết lập quy tắc tiêu chuẩn cao trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời tạo ra một thỏa thuận có lợi nhất cho công nhân, nông dân và các doanh nghiệp Mỹ".
TPP được ký kết bởi 12 nước thành viên là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.
Đàm phán TPP kết thúc vào ngày 5-10-2015, VN đã đạt được kết quả theo đúng chủ trương đề ra ban đầu. Sau lễ ký kết chính thức ngày 4-2-2016, các nước sẽ tiến hành phê chuẩn với mục tiêu là đưa Hiệp định có hiệu lực từ đầu năm 2018.
Theo nhóm nghiên cứu của NH HSBC, ngay khi các quốc gia phê duyệt và TPP được đưa vào thực hiện, những lợi ích lâu dài của hiệp định sẽ bắt đầu tích lũy một cách liên tục.
Dỡ bỏ thuế, mở cửa thị trường
Theo chính phủ Nhật Bản, 95% dòng thuế của 9.018 mặt hàng được đàm phán trong TPP, trong đó 99,9% sản phẩm công nghiệp sẽ dần dần được dỡ bỏ thuế. Công cụ lớn nhất mà TPP sử dụng để thúc đẩy trao đổi hàng hóa là những ưu đãi miễn giảm thuế mà các nước cam kết sẽ giành cho nhau.
Theo tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, việc mở cửa thị trường VN cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước TPP thông qua việc cắt giảm thuế quan và các điều kiện khác, có thể kỳ vọng về một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, với hàng hóa và dịch vụ giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn cho người tiêu dùng, với công nghệ, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phong phú hơn và giá thấp hơn cho sản xuất trong nước, và cả những mô hình, phương thức quản lý mới, hiện đại và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bắt đầu tư năm 2010, sau năm năm kiên trì đàm phán, 12 quốc gia gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và VN với mục tiêu giảm rào cản thương mại và thiết lập những tiêu chuẩn cao nhằm tăng cường thương mại và đầu tư, thúc đẩy sáng kiến, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm trong khối, cuối cùng cũng đã xây dựng được một khu vực mậu dịch tự do chiếm tới 40% kinh tế và 30% thương mại toàn cầu và được dự báo sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.
Riêng VN, dệt may, và da giày là hai ngành xuất khẩu chủ lực của VN và được VN chú trọng trong đàm phán TPP. Hiện nay với ngành dệt may, thị trường Hoa Kỳ chiếm khoảng ½ tổng giá trị xuất khẩu của VN, thuế suất trung bình 17,3%, cao nhất 32%, sẽ giảm xuống 0%.
Để hỗ trợ cho ngành dệt may VN đáp ứng các yêu cầu xuất xứ trong TPP, các nước đồng ý để VN có thời gian ân hạn đối với quy tắc từ sợi trở đi dành cho một số vải VN chưa thể sản xuất được ngay là 3 năm.
Như vậy, cộng với độ trễ của hiệp định, VN sẽ có vài năm để xây dựng nguồn cung nguyên liệu trong nước. Nhưng câu hỏi đặt ra hiện nay liệu VN có kịp để làm việc này khi trong 10 năm qua VN đã thất bại trong việc xây dựng nguồn cung này?
Với thu hút đầu tư nước ngoài, TPP sẽ giúp cho đầu tư quốc tế trở nên minh bạch hơn nhờ các quy định mới. Các điều khoản trong TPP được thiết kế để bảo vệ doanh nghiệp nước ngoài, không cho phép chính phủ của nước chủ nhà bắt buộc công ty nước ngoài tiết lộ bí quyết, công nghệ độc quyền hay tạo điều kiện mở cửa dễ dàng hơn đối với việc mở địa điểm mới trong lĩnh vực bán lẻ, ngân hàng, viễn thông và một số lĩnh vực khác.
Ông Diệp Dũng - chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op cho rằng việc giảm thuế quan chắc chắn sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng trong luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam với giá cả cạnh tranh. Hàng hóa xuất xứ đa dạng và người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn. Do đó, thị trường bán lẻ cũng sẽ sôi động hơn, cạnh tranh gay gắt dành thị phần. “Sức ép này buộc các doanh nghiệp VN phải thay đổi để tồn tại, nâng cao sức cạnh tranh” - ông Dũng nói.
Chia sẻ quy tắc chung về đầu tư, sở hữu trí tuệ
Có lẽ điều quan trọng nhất là TPP sẽ đem lại một làn sóng cải cách về thể chế và hành chính mới, hiệu quả cho Việt Nam. Các quy tắc pháp luật, quy trình hành chính và cả cách thức quản lý được chờ mong sẽ minh bạch hơn, công bằng và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp và người dân.
Về sở hữu trí tuệ, TPP hướng đến tiêu chuẩn cao về bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Thời gian bảo vệ bản quyền phim, tác phẩm văn học và các tài sản khác khoảng 70 năm hoặc lâu hơn.
Thời hạn bằng sáng chế cũng sẽ được đảm bảo ngay cả trong trường hợp quá trình phê duyệt phải mất hơn năm năm, bảo vệ người sáng tạo khỏi những thiệt hại do sự chậm trễ.
TPP áp dụng quy tắc xuất về tỷ lệ nội khối cho phép các nước nội khối tận dụng được chi phí lao động giá rẻ của các nước trong ASEAN nhưng xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ lại được hưởng thuế suất thấp.
Ngoài lĩnh vực đầu tư, sở hữu trí tuệ hay hàng hóa, TPP cũng thừa nhận quyền của các quốc gia trong việc duy trì doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cũng như cho phép chính phủ sử dụng DNNN như công cụ phục vụ phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng.
TPP chỉ yêu cầu DNNN khi tham gia cạnh tranh thị trường thì phải hoạt động đúng nguyên tắc thị trường, minh bạch hơn một số thông tin như tỷ lệ sở hữu của nhà nước…
Theo thứ trưởng Trần Quốc Khánh, các quy định mới trong TPP không tác động quá nhiều đến tình hình DNNN hiện nay, trong khi đó, các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp vệ sinh, đầu tư, hải quan, bảo hộ đầu tư nhìn chung tương đồng với các hiệp định thương mại tự do VN đã ký kết.
Theo TTO