Năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Để hoàn thành các mục tiêu của nghị quyết đề ra, UBND tỉnh đã xác định những nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của năm 2016 và đề ra phương hướng, những giải pháp trọng tâm để thực hiện.
Năm 2016, Bình Dương phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Pro Active Global Việt Nam (Khu công nghiệp Đại Đăng). Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Căn cứ vào mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, UBND tỉnh đã xác định những nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu trong năm 2016. Theo đó, tỉnh nhà sẽ bảo đảm ổn định kinh tế, phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2016 cao hơn năm 2015; đẩy mạnh thực hiện các chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X; đồng thời cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh theo hướng phát triển nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị - dịch vụ tạo tiền đề đưa Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại; cùng với đó đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...
Năm 2016 phấn đấu GRDP tăng 8,2%
Về chỉ tiêu kinh tế, năm 2016, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,2% so với năm 2015; tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông - lâm - ngư nghiệp trong cơ cấu kinh tế tương ứng đạt 63,2% - 23,3% - 4,3%. Tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội năm 2016 khoảng 78.000 tỷ đồng, bằng khoảng 35,7% GRDP; tổng thu ngân sách đạt 39.000 tỷ đồng.
Kết quả đạt được trong năm 2015 có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra. Theo đó, năm 2015, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 13% (kế hoạch 13%); cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 60% - 37,3% - 2,7%; GDP bình quân đầu người đạt 73,1 triệu đồng. Tổng thu ngân sách đạt 36.000 tỷ đồng, tăng 13%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 70.114 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2014... Trong năm qua, chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng 10,3%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,8%; có 24/27 nhóm mặt hàng sản xuất công nghiệp chủ yếu tăng so với năm 2014. Trong đó có 13 nhóm tăng trên 10%, tập trung các mặt hàng có xuất khẩu ổn định và tiêu thụ tốt góp phần vào mức tăng trưởng chung của ngành như dệt tăng 14%, da và các sản phẩm có liên quan tăng 14%...
Bên cạnh đó, hoạt động thương mại nội địa tiếp tục phát triển ổn định, hàng hóa dồi dào, phong phú, hàng nội địa chiếm ưu thế trên thị trường. Năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh tăng 25,7% so với năm 2014. Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển ổn định; Bình Dương tiếp tục xuất siêu 3,7 tỷ USD. Đối với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành chăn nuôi tiếp tục tăng và đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của ngành. Kết quả cho thấy, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4%; các chính sách khuyến khích phát triển trong nông nghiệp tiếp tục thực hiện hiệu quả...
Trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2015 và căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, để hoàn thành các mục tiêu của năm 2016, UBND tỉnh đã đề ra phương hướng và những giải pháp trọng tâm.
Tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X
Nhằm đạt kết quả cao ngay từ năm đầu của kế hoạch 5 năm 2016-2020, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh cần tập trung tháo gỡ, khắc phục những mặt còn khó khăn, hạn chế; tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X một cách đồng bộ, chọn đúng những vấn đề trọng tâm, trọng điểm mang tính quyết định, động lực để chỉ đạo quyết liệt. Trong lĩnh vực công nghiệp, cần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, từng bước tăng tỷ lệ công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, tiết kiệm năng lượng, ít gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và kinh tế nông thôn, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm. Bên cạnh có, các ngành, các cấp cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; triển khai quy hoạch, bố trí quỹ đất để thu hút đầu tư sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam tham gia có hiệu lực.
Đối với lĩnh vực thương mại và dịch vụ, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nhanh những ngành có lợi thế, có công nghệ và giá trị gia tăng cao như dịch vụ ngân hàng, logistics...; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước để tiêu thụ hàng hóa, bảo đảm tiếp tục duy trì thế mạnh xuất siêu của tỉnh. Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, cần chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường công tác khuyến nông, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; song song đó phát huy hiệu quả các mô hình canh tác nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hiện đại đạt năng suất và chất lượng cao...
Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu năm 2016 đạt kết quả cao nhất, tại kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa VIII vừa qua, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Bình Dương sẽ tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X; tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; đồng thời triển khai những hoạt động cần thiết để thu hút đầu tư sau khi TPP có hiệu lực.
Ông yêu cầu các cấp, các ngành tập trung xử lý nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, thực hiện có hiệu quả các chương trình bình ổn giá, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngay từ lúc này phải tính toán cụ thể lộ trình, tiêu chí, giải pháp, nguồn lực; phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng để bảo đảm đạt được mục tiêu xây dựng Bình Dương trở thành đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Các cấp, các ngành cần tập trung rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chí đô thị để kịp thời có giải pháp phấn đấu hoàn thành những tiêu chí còn nợ, chưa đạt chuẩn và tiếp tục nâng chất những tiêu chí đã đạt, nhất là các tiêu chí về an sinh xã hội.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp. Phát triển các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; nâng dần hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm công nghiệp, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước. Trên lĩnh vực nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn đúng hướng, phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị; cùng với đó tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai, khoáng sản...
PHƯƠNG LÊ