Dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) năm nay, tỉnh Bình Dương tuyên dương trên 200 doanh nhân xuất sắc, chủ trang trại tiêu biểu của tỉnh năm 2016. Những điển hình này đã có những đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Đại tá LÊ TRUNG CHÍNH, Giám đốc Viettel chi nhánh Bình Dương: Tinh anh phẩm chất bộ đội Cụ Hồ
Nhớ lại đời lính bôn ba, đại tá Lê Trung Chính cho biết, đúng 18 tuổi ông rời quê Thanh Hóa tòng quân, được tuyển làm lính thông tin. Thời ấy, đơn vị ông là Lữ đoàn thông tin Khu vực phía Nam, có nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt toàn vùng, trong đó có Bình Dương.
Đại tá Lê Trung Chính không chỉ giỏi kinh doanh mà luôn có nhiều đóng góp vào công tác xã hội tại Bình Dương. Trong ảnh: Đại tá Lê Trung Chính tặng thưởng cho điểm bán thân thiện năm 2016. Ảnh: XUÂN THI
Năm 2005, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) bắt đầu kinh doanh mảng dịch vụ di động, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn cơ động thông tin (Bộ Quốc phòng) Lê Trung Chính nhận nhiệm vụ Phó Giám đốc kỹ thuật khu vực IV (Tây Nam bộ), rồi sau đó trở thành Giám đốc Chi nhánh Cần Thơ. Những ngày đầu bỡ ngỡ, vừa làm vừa học nhưng ông Chính tâm niệm: Đã là người lính thông tin, trong thời chiến bảo đảm liên lạc thông suốt thì cũng phải làm tốt nhiệm vụ trong thời bình, bảo đảm kinh doanh tốt, mang lại lợi ích cho nhân dân.
Với tâm niệm ấy, ông Chính nhanh chóng trở thành một trong những nhân tố chủ lực trong việc phát triển nguồn lực, khai thác kinh doanh cho toàn Viettel ở khu vực phía Nam. Trải qua nhiều cương vị khác nhau, ông vẫn giữ vững phẩm chất ưu tú của người lính thông tin. “Đó không chỉ là phẩm chất mà còn là truyền thống của người lính chúng tôi. Ở trong hoàn cảnh nào cũng phải kỷ cương, quyết liệt triệt để nhưng cũng không kém phần sáng tạo”, ông Chính tâm sự.
Đến năm 2014, đại tá Lê Trung Chính được Viettel tín nhiệm phân công nhiệm vụ làm Giám đốc Viettel chi nhánh Bình Dương, là một trong những chi nhánh lớn nhất nước. Ông Chính nhớ lại: “Đây vừa là vinh dự cũng là trách nhiệm lớn đối với cá nhân tôi. Bởi lẽ, đất và người Bình Dương gắn bó nhiều kỷ niệm trong đời lính của tôi khi làm lính thông tin trên mảnh đất này giai đoạn 1998-2004. Hơn nữa, tập đoàn rất kỳ vọng vào Chi nhánh Bình Dương nên trách nhiệm rất nặng”.
Về Bình Dương đã năm thứ 3 nhưng ông Chính liên tục có nhiều cách làm hay, sáng tạo để đưa Viettel Bình Dương duy trì tốc độ phát triển trong 3 năm qua bình quân 15%/năm, doanh thu đạt 2.500 tỷ đồng trong năm 2015, đứng thứ 3 của cả nước sau Chi nhánh Viettel tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Không chỉ giỏi kinh doanh, chuyên sâu kỹ thuật, đại tá Lê Trung Chính còn liên tục có những đóng góp cho địa phương với hàng loạt chương trình tri ân khách hàng, từ thiện, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó… Ấn tượng nhất vẫn là việc chính ông đã đề xuất thực hiện chương trình lắp đặt internet miễn phí cho toàn bộ các trường học trên địa bàn tỉnh với chi phí lớn. Chỉ tính riêng tiền cước đã lên đến gần 600 triệu đồng/tháng.
Ông Chính tâm sự: “Mảnh đất và con người Bình Dương đối với tôi như cật ruột. Chính vì thế, đến khi nào còn công tác ở tỉnh, tôi sẽ vẫn luôn tâm niệm làm được nhiều điều tốt, tri ân tối đa khả năng có thể với nơi này”.
Ông SAKAI YOICHIRO, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Becamex Tokyu: Một doanh nhân Nhật Bản vì Bình Dương
Biết đến Bình Dương nhân một chuyến du lịch ngắn ngày nhưng cũng từ chuyến đi ấy, ông Sakai Yoichiro trở nên gắn bó với vùng đất và con người nơi đây. Từ đó, ông trở thành một trong những doanh nhân Nhật Bản nổi bật, có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Khi đã có thời cơ chín mùi, ông Sakai cùng các đồng sự quyết định chọn Bình Dương để phát triển dự án. Công ty Becamex Tokyu thành lập vào tháng 3-2012. Dưới sự lèo lái của ông, công ty đã thực hiện các dự án: Căn hộ cao tầng Sora Gardens, khu ẩm thực và mua sắm Hikari, tuyến xe buýt Kaze do công ty con là Công ty xe buýt Becamex Tokyu vận hành.
Đối với căn hộ Sora Gardens, hiện đang được đánh giá là “căn hộ đáng sống với người nước ngoài”. Trên cương vị tổng giám đốc, ông Sakai luôn tìm cách tăng cường về quan hệ đối ngoại với khách hàng người Việt Nam và người nước ngoài, duy trì hoạt động bền vững của công ty, đồng thời có chính sách khen thưởng cho nhân viên…
Khi điều hành Becamex Tokyu, ông Sakai xây dựng 6 chiến lược, đó là giao thông, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, giải trí và thu hút doanh nghiệp đầu tư. Hiện tại, công ty đang tiến hành các nội dung này, nếu thành công sẽ tạo một hiệu quả lớn đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Bình Dương.
Không chỉ chuyên tâm kinh doanh, ông Sakai còn rất quan tâm đến các hoạt động cộng đồng. Trong 5 năm qua, Becamex Tokyu đã thực hiện nhiều hoạt động như tổ chức cho đội bóng của Kawasaki Frontale đến thi đấu tại Bình Dương; hợp tác tổ chức chương trình Trò chơi truyền hình “Không giới hạn Sasuke”, Lễ hội Noel… “Chúng tôi luôn mong muốn được đóng góp cho địa phương, cùng với người dân làm cho nơi này phát triển. Hiện công ty chúng tôi đang tổ chức hoạt động nhặt rác làm sạch môi trường, và trong thời gian tới sẽ ở rộng hoạt động này hơn nữa”, ông Sakai chia sẻ.
Ông TRẦN THÀNH CÓ: “Vua cam” một vùng
Gặp ông Trần Thành Có, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) trồng cây ăn trái công nghệ cao Nhân Đức (xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên) chúng tôi rất ngạc nhiên khi biết năm 1982, ông đặt chân lên vùng đất này theo chính sách tản dân. Là một người sinh ra trong gia đình thuần nông, lại từng làm việc tại HTX giống cây trồng từ thời bao cấp, ông Có rất tự tin khi quyết định lập nghiệp tại vùng đất này.
Ông Trần Thành Cóbên vườn cam sành của HTX Nhân Đức. Ảnh: Q.NHIÊN
Ông Có đã trải qua khá nhiều nghề làm nông nghiệp như trồng cao su, lập trại nuôi heo, nuôi gà... nhưng hiệu quả không cao. Năm 2011, ông quyết định chuyển sang trồng cây có múi, bắt đầu với 7 ha cam, 4 ha bưởi. Có được dịp biết đến công nghệ CK mới từ Bến Tre, ông đã mạnh dạn từ vay vốn thế chấp 6 tỷ đồng để đầu tư phát triển cây có múi. Với công nghệ trồng mới này, cây trồng được ông thiết kế mương liếp bảo đảm thông thoáng lối đi để quản lý cây trồng. Cùng với đó, ông trồng với mật độ thưa, bón lót phân hữu cơ, sử dụng giống cây sạch bệnh và chọn thời điểm xuống giống để hạn chế sâu bệnh. Qua 3 năm chăm sóc, ông đã có vụ thu hoạch trái đầu tiên khả quan, sản lượng bình quân 40 tấn/ha.
Đến đầu năm 2014, từ đề xuất của ông, HTX Nhân Đức được thành lập. Hiện nay, diện tích trồng cây có múi của HTX lên đến 73 ha, năng suất bình quân 60 tấn/ha. Thu nhập bình quân của HTX năm 2015 đạt hơn 28,5 tỷ đồng. Tất cả sản phẩm thu hoạch của HTX đều được hợp đồng tiêu thụ từ các thương lái ở miền Bắc với giá ổn định hơn 40.000 đồng/kg.
HTX Nhân Đức còn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại lạnh với diện tích 15.000m2, quy mô 100.000 con gà giống. Hệ thống trại lạnh được HTX đầu tư rồi cho doanh nghiệp thuê cơ sở hạ tầng, thiết bị phục vụ để chăn nuôi gà giống Mỹ. Hàng tháng, trang trại gà mang lại thu nhập khoảng 700 triệu đồng cho HTX. Như vậy, cộng thêm thu nhập từ vườn cây, bình quân mỗi xã viên HTX có thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.
Ông Có cho biết, trong thời gian tới, HTX không chỉ cơ giới hóa toàn bộ diện tích đang có mà còn xây dựng nên sản phẩm trái cây sạch, an toàn theo hướng VietGAP.
KHÁNH VINH - QUỲNH NHIÊN - XUÂN THI