Bài 1: Công nhân cùng siết chặt tay bảo vệ công ty
Bài 2: Chuyện những tài xế tốt bụngCác công ty gặp “sự cố” vừa qua hầu hết đã đi vào hoạt động trở lại. Riêng tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các chuyên gia nước ngoài cùng nhân viên văn phòng, công nhân cũng đã bắt tay vào làm việc cho kịp tiến độ sản xuất đã đề ra. Điều mà các chuyên gia cũng như lao động nước ngoài vẫn nhắc, vẫn quý là tấm lòng của những người bạn Việt Nam, trong đó có sự giúp đỡ từ các tài xế…
Chuyên gia Hàn Quốc và công nhân Công ty Poong in Vina cùng đóng góp ủng hộ chương trình biển đảo Ảnh: Q.NHƯ
Bên cạnh những hình ảnh xấu như đập phá, hôi của từ một số người, thì vẫn còn đó rất nhiều người tốt bụng. Anh Long, một tài xế lái taxi cho hãng Mai Linh ở khu vực Bình Dương, Thủ Đức, cho biết: “Trong 2 ngày 13 và 14- 5, tôi khá bận rộn với việc đưa chuyên gia nước ngoài từ công ty đi “tránh bão”. Họ là những khách hàng quen của tôi thường ngày vẫn chở đi công tác hay đưa đón đi sân bay mỗi khi họ về nước, đón người thân của họ sang chơi. Thế nên, khi gặp sự cố, họ gọi cho tôi. Trong 2 ngày đó, tôi như con thoi giúp đỡ họ tạm lánh ở nơi an toàn. Chở mấy chuyến nhưng có nhiều người không kịp mang theo ví tiền hoặc tiền trong ví không đủ để trả. Tổng cộng những người khách hôm đó còn nợ tôi hơn 6 triệu đồng nhưng không sao hết, khi nào họ trở lại làm việc sẽ trả cho mình thôi. Rất mong mọi chuyện ổn định trở lại”.
Công nhân Poong in Vina đã đi làm trở lại sau 2 ngày nghỉ việc
Những chuyên gia Trung Quốc tại các công ty ở KCN Nam Tân Uyên kể mãi về một “ân nhân” không muốn nêu tên. Trong những ngày hỗn loạn đó, anh “ân nhân” lấy xe của gia đình chạy lui chạy tới đưa chuyên gia đi từ nhà nghỉ về công ty để nắm tình hình, đưa vợ con họ đi mà không hề lấy một đồng nào. Ông Yang Yung Fang, một chuyên gia Trung Quốc, nói những người tốt ông gặp trong cơn hoạn nạn khiến ông vững tâm hơn. Nhiều người khác giúp đưa chuyên gia nước ngoài tạm đi lánh ở nơi yên ổn ở một số nhà nghỉ trên địa bàn. Yang Fu, Giám đốc Công ty Đại Phát chuyên về điện, nói những ngày đó, ông được chủ nhà đang thuê trấn an rất nhiều và họ đi chợ, lo cơm nước tận tình mà không cần nhận thù lao.
Kể về những ngày căng thẳng vừa qua, các chuyên gia của Công ty Poong in Vina (phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên) vẫn hết lời ngợi khen sự nhanh nhẹn, tháo vát của 2 tài xế “đã giúp chúng tôi thoát nạn!”. Đó là các anh Nguyễn Văn Phong và Nguyễn Văn Hùng. Anh Phong kể: “Khoảng 21 giờ đến 22 giờ đêm của ngày 13-5, công ty bị nhóm người lạ xông vào đập phá. Lúc đó tôi đã nghỉ ca nhưng thấy tình hình công ty lộn xộn nên chạy vào. Mặc dù bảo vệ, công nhân và nhân viên văn phòng đang làm ca đêm ra sức giải thích nhưng những kẻ quá khích vẫn đập phá. Trong khu cư xá dành cho chuyên gia nước ngoài khi đó có 20 người cả Hàn Quốc, Trung Quốc và Philippines. Chúng tôi bàn với nhau đưa 6 người nữ đi trước. Những chuyên gia nam ở lại nhưng họ rất sợ bởi khu văn phòng, nhà khách đã bị đập vỡ tan tành. Anh Hùng lấy xe 7 chỗ chở 6 người nữ. Tôi lấy xe tải thường ngày vẫn chở vải để chở những chuyên gia còn lại. Khi ra đến cổng, những người quá khích chặn xe lại đòi đánh. Tôi nhanh trí thò đầu ra nói chở người Việt và chở hàng hóa. Trên xe tôi còn gắn lá cờ Tổ quốc từ trước đó nên họ để cho chúng tôi đi. Chúng tôi đưa các chuyên gia đến khách sạn Becamex nhưng ở đó không đủ phòng. Thế là một nhóm ở lại, một nhóm đi tiếp về khách sạn của Khu du lịch Đại Nam. Xong xuôi mọi việc, chúng tôi mới về nhà trọ”.
Hỏi các anh sao lại sẵn lòng giúp chuyên gia nước ngoài như thế, các anh cười: “Mình phải biết đúng sai, hơn thiệt chứ! Có phải người chủ nào cũng xấu, có phải người Trung Quốc nào cũng “đối đầu” với mình. Hơn nữa, đập phá tài sản của người khác là phạm pháp, đánh người còn sai phạm nhiều hơn. Thế nên, dù đó không phải là những người thuê mình hàng ngày cũng phải giúp đỡ họ”…
Hầu hết những người chúng tôi gặp từ tài xế, thông dịch viên cho đến công nhân bình thường đều có chung suy nghĩ là xấu hổ và đáng tiếc chuyện đã lỡ xảy ra rồi đối với một số công ty bị thiệt hại. Tất cả cần mở lòng ra với nhau, bước qua khó khăn để giúp doanh nghiệp vực lại tinh thần sản xuất, kinh doanh cũng như vững lòng tin vào môi trường đầu tư ở Bình Dương.
Dạo một vòng quanh các khu công nghiệp cũng như khu nhà trọ, khung cảnh vẫn bình yên như trước đây. Những đứa bé được ba mẹ đón từ nhà trẻ về khi tan ca vẫn đùa vui hồn nhiên. Những góc bếp nhỏ vẫn ấm nóng bữa cơm chiều. Khi con người sống tốt với nhau, mọi điều sẽ nhẹ nhàng hơn, vui tươi, hạnh phúc hơn. Chúng ta hãy cùng tin như thế!…
Anh Nguyễn Văn Phong, sinh năm 1981, quê Cần Thơ là tài xế xe tải. Anh chạy xe hợp đồng cho Công ty Poong in Vina. Theo anh kể lại thì hôm xảy ra “sự cố”, anh đang ở ngoài đường nhưng thấy tình hình công ty “không ổn” nên vào công ty xem sao và đã chở các chuyên gia nước ngoài bằng xe tải hàng ngày vẫn dùng để chở vải. Đến đoạn đường vắng ở TP.Mới Bình Dương bị đám đông chặn xe nhưng anh đã từ tốn giải thích để mọi người hiểu. Hỏi anh về việc làm của mình, anh cho biết là “bình thường thôi, không có gì to tát!”. Anh cũng nói thêm, vợ của anh là chị Nguyễn Thị Thùy Trang, công nhân của Công ty Poong in Vina, làm được gần 4 năm và thu nhập hiện tại của vợ anh gần 5,5 triệu đồng/tháng. Cộng thêm thu nhập của anh khoảng 4,5 triệu đồng/tháng thì “sống ổn và lo được cho con nhỏ”. Anh cũng bỏ tiền túi mua 2 lá cờ Tổ quốc, một gắn ở xe tải và một để ở nhà trọ. Theo anh, đó cũng là tấm lòng với quê hương, đất nước và “có yêu nước cũng nên ôn hòa, làm tốt phần việc của mình chứ không quá khích”!
Bài 3: Dũng cảm trước hiểm nguy
QUỲNH NHƯ