Bài 1: Lớp lớp giáo viên, học sinh cùng ra trận
Trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, dù cuộc chiến giữa ta và địch vô cùng ác liệt, nhưng phong trào giáo dục vẫn duy trì và phát triển ở mọi nơi. Riêng Thủ Dầu Một, Bình Dương, Tiểu ban giáo dục tỉnh được thành lập vào tháng 6-1962. Dưới làn bom, mũi đạn của kẻ thù, hoạt động dạy học vẫn diễn ra sôi nổi. Phong trào diệt giặc dốt vô cùng cam go, có những người thầy đã hy sinh trong cuộc chiến đấu giành con chữ dưới mưa bom bão đạn của giặc…
Cán bộ Tiểu ban Giáo dục Trung ương Cục thời kỳ chống Mỹ chụp ảnh lưu niệm với cán bộ chủ chốt ngành giáo dục Thủ Dầu Một
Người người cùng đánh giặc
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc, già trẻ, gái trai đều nhất tề đứng lên đánh giặc. Thời ấy, những giáo viên, sinh viên, học sinh cũng lên đường tòng quân. Liệt sĩ Lê Thị Thiên ở Cai Lậy (Tiền Giang), một nữ giáo viên tham gia dạy học ở vùng chiến khu Đ là một minh chứng cho thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh xếp bút nghiên lên đường kháng chiến. Riêng ở Bình Dương cũng có rất nhiều học sinh, sinh viên, những nhà giáo cùng tham gia chiến đấu, hoặc làm cơ sở cho cách mạng. Những người ấy bây giờ tóc đã bạc, chân đã run, nhưng mỗi khi nhắc lại một thời hào hùng, họ vẫn còn hừng hực tinh thần “thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Cô Nguyễn Thị Thu Vân, hiện ngụ phường Hiệp Thành (TP.TDM) là một trong số những người như vậy. Trong thời gian còn đi học, cô đã hoạt động cách mạng. Năm 1962, thi xong tú tài 2, cô thoát ly vô rừng ở xã Tân Vĩnh Hiệp (Tân Uyên).
Cô Nguyễn Thị Thu Vân xem lại những hình ảnh các nhà giáo kháng chiến cùng thời với cô
Năm 1961, cô Trịnh Thị Tuyết Sương, hiện sinh sống ở thị trấn Mỹ Phước (Bến Cát) vừa tròn 20 tuổi. Ước mơ được làm giáo viên, nhưng đất nước lâm nguy, cô gác lại chuyện học tập, thoát ly cách mạng về vùng chiến khu Đ. Thấy cô lanh lợi, tổ chức phân công cô phụ trách công tác văn nghệ. Cô là một trong những người có công thành lập đội văn nghệ khu miền Đông. Năm 1963 cô được điều về công tác tại vùng Tam giác sắt. Không chỉ là cô văn công hát hay, múa đẹp, khi có giặc đến cô lại cầm súng chiến đấu. Những năm 1970, cô được chuyển về Phòng giáo dục Phân khu 5. Sau giải phòng, cô là Phó ban Giáo dục huyện Bến Cát. Với công việc nào, cô vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt trong công tác góp phần chống giặc dốt.
Còn với chú Nguyễn Văn Sọc, ngụ xã Tương Bình Hiệp (TP.TDM), trước khi trở thành nhà giáo dạy học ở trường THCS Tây Nam A (Bến Cát), chú đã có nhiều cống hiến công sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Dù không thoát ly, nhưng chú cũng có công cung cấp tin tức cho cách mạng. Gia đình chú vốn có truyền thống cách mạng, ba tham gia bộ đội chủ lực, người anh và người em là bộ đội. Riêng chú, thời gian học ở trường Trung học Nghĩa Phương (nay là trường Tiểu học Nguyễn Trãi, phường Phú Cường, TP.TDM), chú theo dõi nắm tình hình giặc và báo cáo cho cơ sở ở xã nhà. Những tin tức chú nắm được đã giúp ích rất nhiều cho cách mạng.
Tinh thần yêu nước của thanh niên, học sinh, sinh viên thời đó rất cao, đã có biết bao thanh niên gạt bỏ chuyện học tập, gạt bỏ tình riêng lên đường đánh giặc. Mỗi người một vị trí khác nhau, có người hoạt động mật, người ở trong lòng địch, người thì thoát ly vô rừng, tất cả đều cùng chung sức chung lòng đánh đuổi giặc ngoại xâm. Khoảng thời gian dạy học tại Sài Gòn, chú Trần Văn Sùng, ngụ xã Tân Định (Bến Cát) đã là cơ sở cách mạng. Giữa bốn bề là giặc, vậy mà chú đã nuôi giấu cán bộ, chứa vũ khí. Đất nước toàn thắng như ngày nay có sự đóng góp của những cơ sở cách mạng như chú.
Dạy học dưới làn bom, mũi đạn kẻ thù
Tiểu ban Giáo dục tỉnh được thành lập vào tháng 6-1962. Nhiệm vụ của tiểu ban là bồi dưỡng chính trị và bổ túc văn hóa cho cán bộ chủ chốt cấp huyện, tỉnh. Để chăm lo việc học tập của con em các địa phương và bộ đội, đầu năm 1965 phong trào giáo dục phát triển mạnh vì vùng giải phóng ngày càng mở rộng. Trải qua năm tháng, có những giai đoạn chiến tranh vô cùng ác liệt, nhưng phong trào học tập vẫn được duy trì. Đội ngũ giáo viên đứng lớp ở các trường vùng giải phóng như người chiến sĩ ngoài mặt trận, họ có thể hy sinh bất cứ lúc nào, vì trường lớp thường là mục tiêu đánh phá bằng phi pháo của địch.
Đầu năm 1965 phong trào giáo dục toàn tỉnh phát triển mạnh, vì vùng giải phóng của ta được mở rộng. Ngoài dạy cho cán bộ, đối tượng học được mở rộng ra con em cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện, con thương binh, liệt sĩ, con em nhân dân. Ông Nguyễn Xuân Vinh, nguyên Phó Trưởng Tiểu ban giáo dục giai đoạn 1969-1972 nhớ lại, năm 1966 ông đã tham gia vào Hội nhà giáo yêu nước miền Nam Việt Nam. Không riêng gì ông, ngày ấy các nhà giáo có nhận thức, lý tưởng cách mạng và tự giác cao nên dù cuộc sống có khó khăn, thậm chí bị sốt rét rừng hoành hành vẫn bám trường, bám lớp. Cô Nguyễn Kim Liên, một nhà giáo kháng chiến kể, đầu năm 1973 cô đã làm giáo viên dạy bình dân học vụ cho du kích và nhân dân ở vùng Vĩnh Tân (Tân Uyên). Ban ngày cô học phổ cập, ban đêm lội ruộng, băng rừng ra lớp dạy. Cuộc chiến giành con chữ cũng vô cùng ác liệt. Trên đường đi gặp giặc phục kích hoặc càn bố, nếu không nhanh trí thì khó mà thoát được. Học nhưng luôn trong tư thế sẵn sàng, nghe tiếng pháo kích là tất cả vội vàng chui hầm. Đã bao phen giặc đánh sập lớp học, các thầy cô tiếp tục mở lớp ở nơi khác. Cứ như vậy, phong trào giáo dục ở địa phương tiếp tục được duy trì.
Còn cô Nguyễn Thị Thu Vân sau khi thoát ly, cô chuyển công tác qua nhiều đơn vị. Sau đó cô được Huyện ủy Bắc Bến Cát cử đi học khóa sư phạm. Đến năm 1965 cô về “ban tuyên văn giáo” của huyện. Từ đây, cô và một số thầy cô khác đi mở lớp ở xã Thanh Tuyền, Thanh An (Dầu Tiếng). Cô kể, trường lớp chưa có, thầy trò vô rừng chặt cây, cắt tranh dựng lớp. Để tránh bom đạn giặc, xung quanh lớp phải đào giao thông hào tránh B52, đào hầm tránh pháo. Bom đạn ác liệt, biệt kích thì nhiều, vậy mà người gieo mầm tri thức vẫn cần mẫn, học trò vẫn khát khao đi tìm con chữ.
A.SÁNG