Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016. Theo đó, thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài do UBND cấp huyện thực hiện. Cụ thể thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài được quy định như sau:
Thẩm quyền đăng ký khai sinh
UBND cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em trong các trường hợp sau đây:
- Trẻ em được sinh ra tại Việt Nam:
+ Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;
+ Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
+ Có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
+ Có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;
- Trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam:
+ Có cha và mẹ là công dân Việt Nam;
+ Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.
Thẩm quyền đăng ký kết hôn
UBND cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài. Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì UBND cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.
Thẩm quyền đăng ký giám hộ, chấm dứt giám hộ
+ UBND cấp huyện nơi cư trú của người được giám hộ hoặc người giám hộ thực hiện đăng ký giám hộ giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài cùng cư trú tại Việt Nam.
+ UBND cấp huyện nơi đã đăng ký giám hộ thực hiện đăng ký chấm dứt giám hộ.
Thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con
UBND cấp huyện nơi cư trú của người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài; giữa người nước ngoài với nhau mà một hoặc cả hai bên thường trú tại Việt Nam.
Thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung
hộ tịch, xác định lại dân tộc
+ UBND cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của người nước ngoài có thẩm quyền giải quyết việc cải chính, bổ sung hộ tịch đối với người nước ngoài đã đăng ký hộ tịch tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
+ UBND cấp huyện nơi người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã đăng ký hộ tịch trước đây có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.
Thẩm quyền đăng ký khai tử
UBND cấp huyện nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử cho người nước ngoài hoặc công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài chết tại Việt Nam.
Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết theo quy định thì UBND cấp huyện nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử.
Thẩm quyền ghi vào Sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài
+ UBND cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam ghi vào Sổ hộ tịch việc khai sinh; kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
+ UBND cấp huyện nơi cá nhân đã đăng ký kết hôn hoặc ghi chú việc kết hôn trước đây ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn, hủy việc kết hôn của cá nhân đã thực hiện ở nước ngoài.
+ UBND cấp huyện nơi cư trú của người có trách nhiệm khai tử (vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử) ghi vào Sổ hộ tịch việc khai tử đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.