Những thương binh sống đẹp giữa đời thường

Cập nhật: 18-07-2013 | 00:00:00

 Trong những ngày tháng 7 này, chúng tôi có dịp đến thăm một gia đình thương binh hết sức đặc biệt. Một thương binh với tỷ lệ thương tật lên đến trên 80% đã trở thành một điển hình hiếu học khi đã nuôi con ăn học thành tài. 5 người con đều có trình độ đại học, trong đó có 1 người là giáo sư - tiến sĩ, 3 người có trình độ thạc sĩ. Đó là gia đình của thương binh Phạm Đình Chiêu ở ấp Mỹ Đức, xã Bình Mỹ, Tân Uyên…

Trước mặt tôi là người thương binh già đã cống hiến cả đời mình cho cách mạng. Năm nay ông đã 83 năm tuổi đời, 63 năm tuổi Đảng. Tôi ngồi bên ông bà, nghe kể chuyện và hình dung cảnh nhà sum họp nhộn nhịp khác hẳn của một đại gia đình trong những dịp con cháu về thăm. Mặc dù tuổi già nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất của ông bà là sự thành đạt, hiếu thảo của con cháu mà hiếm gia đình nào có được. Ông bà có 5 người con trai thì cả 5 người đều là những tấm gương hiếu học và thành đạt trong cuộc sống.    Cả đời cống hiến cho cách mạng, giờ đây người thương binh già Phạm Đình Chiêu thỏa ước nguyện vì những người con của mình đã thành đạt, đóng góp cho xã hội

Thoát ly gia đình theo cách mạng từ năm 17 tuổi, chàng trai trẻ Phạm Đình Chiêu đã tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường Nam Bắc, suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sau sự kiện Hiệp định Geneve năm 1954, cũng như hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam lúc bấy giờ, Phạm Đình Chiêu đã tập kết ra Bắc trong sự đau thương chia cắt đất nước để tiếp tục hoạt động cách mạng. Trong thời gian này, chàng trai miền Nam đã phải lòng cô gái Bắc. Đó là cô Phạm Thị Dậu, người vợ, người bạn già của ông hiện nay. Kết quả mối tình của họ là 2 cậu con trai kháu khỉnh, khi đứa con đầu lòng còn lẫm đẫm tập đi thì ông lại phải lên đường trở về miền Nam công tác.

Trong trận đánh Tết Mậu Thân 1968, khi đơn vị của ông đánh vào thị xã Đắc Lắc ông đã bị thương nặng do sức ép của bom B52 làm chấn thương sọ não, hai mắt không còn nhìn thấy được. Sau khi bị thương ông đã được chuyển đi điều trị ở nhiều nơi nhưng phải đến sau ngày giải phóng khi được mổ chấn thương sọ não ở Bệnh viện Quân y 175 thì mắt ông mới có thể nhìn thấy nhưng cũng chỉ thấy được lờ mờ. Khi sức khỏe tạm bình phục ông liền đón vợ con vào Nam đoàn tụ. Đoàn tụ gia đình là niềm vui lớn lao sau ngày giải phóng nhưng lúc này cũng là giai đoạn gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn, khi từ chiến trường trở về gia tài chỉ có chiếc ba lô và vợ con nheo nhóc, đất đai canh tác không có… Cả gia đình ông phải đi phát rẫy, làm thuê làm mướn sống qua ngày. Đến ngay cả ngày mùng 1 tết mà gia đình cũng phải đi phát rẫy chứ không được ở nhà. Là người lính được trui rèn, thử thách qua 2 cuộc chiến tranh, hơn ai hết người thương binh Phạm Đình Chiêu hiểu được cái giá của sự hy sinh mất mát để có được cuộc sống hạnh phúc cả trong thời chiến cũng như thời bình. Trong khổ cực, gian nan ông lấy đó như là một trường học để giáo dục con cái lối sống giản dị, cần kiệm và đặc biệt là hướng các con vào việc học tập. Ông luôn nhắc nhở các con hiểu rằng chỉ có con đường học tập mới giúp các con thay đổi cuộc sống, cũng như ông đã một đời theo cách mạng để cho ngày đất nước được hòa bình, thống nhất.

Người ta thường nói, con trai rất khó dạy bảo nhưng bằng chính tấm gương sáng của mình trong lối sống và lao động ông bà đã thay ngàn lời giáo huấn giúp con cái trưởng thành. Bù lại cả 5 người con trai của ông bà đều là những người con hiếu thảo, ngoan hiền nghe lời cha mẹ chỉ lo phụ giúp việc nhà và dùi mài sách vở chứ không đứa nào la cà lêu lổng. Thật không hổ danh “hổ phụ sinh hổ tử” cả 5 người con của ông bà đều là học sinh giỏi và lần lượt bước chân vào giảng đường đại học. Bà con trong vùng cứ bảo nhà ông bà nuôi con ăn học như “Trần Minh khố chuối ngày xưa”. Đó là những chàng sinh viên vừa đi làm thuê làm mướn vừa đi học để thực hiện ước mơ hoài bão mà nhiều người cho là viễn vông. Ông bà nhớ lại khi người con trai lớn là anh Phạm Đình Luyến thi đậu và học đại học ở TP.Hồ Chí Minh phải ở nhờ nhà người quen, vì khuya cả nhà đi ngủ nên anh không dám mở đèn, anh rón rén ra ngồi dưới cột đèn đường để học bài. Cậu sinh viên nghèo Phạm Đình Luyến ngày nào giờ đây là giáo sư - tiến sĩ đang giảng dạy ở một trường đại học lớn ở TP.Hồ Chí Minh.

Từ một gia đình nghèo không ai nghèo bằng, từ một người không biết chữ thoát ly gia đình theo cách mạng qua suốt hai cuộc chiến tranh, khi trở về thời bình ông đã vượt qua nghèo khó để nuôi con ăn học thành tài, xây dựng gia đình cách mạng gương mẫu. Hiện nay, 5 người con của ông bà, 1 người là giáo sư - tiến sĩ, 2 người là thạc sĩ - bác sĩ, 1 người là thạc sĩ kinh tế, người có trình độ thấp nhất là đại học cũng đã là đại úy công an. Những cậu học trò nghèo ngày nào được truyền từ ý chí sắt thép của người cha thương binh giờ đây cũng đã là những người có địa vị và có những đóng góp to lớn cho xã hội. Thật khó có ngôn từ hoa mỹ nào có thể nói hết sự nỗ lực, ý chí bền bỉ của những con người trong gia đình của thương binh Phạm Đình Chiêu. Bằng ý chí, nghị lực của mình họ đã thực sự viết nên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Kỳ 2: 5 thương binh chung sức dựng xây cơ nghiệp.

ĐỨC LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=628
Quay lên trên