Những thương binh sống đẹp giữa đời thường

Cập nhật: 20-07-2013 | 00:00:00

Kỳ 1: Chuyện cổ tích ở một gia đình thương binh

Kỳ 2: 5 thương binh chung sức dựng xây cơ nghiệp

Kỳ 3: Tình đồng đội

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, những thanh niên ưu tú đã lên đường bảo vệ quê hương, đất nước. Chiến tranh, bom đạn ác liệt đã lấy đi một phần thân thể, có người mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Sau giải phóng, nhiều thương binh (TB) trở về quê hương, đoàn kết xây dựng kinh tế, bên cạnh đó, họ vẫn âm thầm tìm kiếm hài cốt của những đồng đội đã ngã xuống. Nghĩa cử cao đẹp, thắm tình đồng đội ấy đã góp phần làm rạng ngời thêm truyền thống bộ đội Cụ Hồ.

Ngày đêm tìm đồng đội

Nhớ lại kỷ niệm thời kháng chiến oanh liệt nơi vùng đất Tân Phước Khánh anh hùng, ông Đỗ Minh Nghĩa (SN 1956, nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) thị trấn Tân Phước Khánh), bồi hồi xúc động khi nhắc đến chuyện cùng các đồng đội đi tìm, quy tập gần 30 hài cốt liệt sĩ (LS). Trong đó, có đồng đội đã cùng ăn, cùng ngủ, cùng chiến đấu và hứa hẹn ngày hòa bình sum họp. Ông Nghĩa tham gia kháng chiến năm 1972. Với ý chí quyết tâm đẩy lùi giặc, ông cũng như những thanh niên trong vùng luôn đi đầu, xông pha chiến tuyến, bảo vệ sự bình yên cho địa phương.

Ông Nghĩa nhớ lại, trong trận đánh năm 1973, Xã đội trưởng Đỗ Văn Quang và Xã đội phó Nguyễn Thị Tràn đã hy sinh anh dũng. Hai người đồng đội mãi mãi ra đi, những người ở lại dù đau buồn vẫn cố động viên nhau dũng cảm chiến đấu. “Khi hai đồng chí hy sinh, chúng tôi đã chôn cất gần nhau. Do đó, sau khi hòa bình, chúng tôi đã đưa các anh, chị về với gia đình”, ông Nghĩa cho biết.  

Các thành viên Ban liên lạc truyền thống CCB Tiểu đoàn 28 Đặc công

Ngoài tìm hài cốt LS cùng chiến đấu, ông và các thành viên trong Hội CCB thị trấn còn giúp các đơn vị quy tập gần 30 hài cốt LS đã hy sinh tại Tân Phước Khánh về Nghĩa trang LS tỉnh, nghĩa trang LS Tân Uyên.

Ban liên lạc truyền thống CCB - Tiểu đoàn 28 Đặc công Sư đoàn 7 (khu phố 9, Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một), được thành lập từ năm 2009, với 6 thành viên chính thức là TB, CCB. Số lượng người ít ỏi nhưng đã làm nên chuyện lớn, khi các thành viên cùng nhau tìm được 35 hài cốt LS. Trong đó, 6 thành viên trong ban đã trực tiếp tìm được 8 hài cốt đồng đội cũ; phối hợp với 28 Đặc công tìm được 23 hài cốt; kết hợp với Quân đoàn 4 tìm được 8 hài cốt. Ông Hoàng Bá Thái, thành viên ban, cho biết: “Chúng tôi đều là những người tham gia kháng chiến từ Bắc vào Nam những năm trước 1975. Sau khi hòa bình lập lại, nỗi nhớ đồng đội đã thôi thúc chúng tôi lên đường đi tìm kiếm hài cốt, cũng như những đồng đội còn sống”.

Dẫu biết rằng cảnh vật, địa hình khi xưa nay đã thay đổi nhiều khiến việc xác định mộ phần của đồng đội khó trăm bề, thế nhưng khi nghĩ đến đồng đội mình lạnh lẽo nơi xứ người, những thành viên trong ban lòng cứ quặn đau. Theo các chú, quá trình tìm hài cốt đồng đội khó nhất là xác định vị trí. Khi đã xác định được vị trí chôn cất, mọi người khoanh vùng và phối hợp với dân địa phương để xác định địa hình xưa và nay. Nhiều trường hợp xác định nhầm vị trí, các chú phải ở lại tìm đến vài ngày, vài tuần mới tìm thấy. Thế nhưng, nỗi vất vả đó bỗng tan biến khi những bàn tay chai sần, đầy vết súng đạn tìm được đồng đội đã ngã xuống. “Chúng tôi nhớ như in, hình ảnh những thân nhân gia đình LS nức nở khi thấy được người thân. Cảnh người mẹ già run run xúc động trước hài cốt của con và cứ rối rít cảm ơn, khiến lòng chúng tôi thêm quặn thắt, khó tả. Mỗi lần như vậy càng tăng quyết tâm để chúng tôi tiếp tục lên đường”, ông Phan Văn Cấn, thành viên trong ban tâm sự.

Giúp nhau vươn lên…

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, nhiều TB đã không ngừng phấn đấu vượt qua khó khăn, năng động vươn lên làm giàu, đóng góp vào sự phát triển của địa phương. TB 1/4 Nguyễn Tấn Phát (khu phố 9, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một) không chỉ là một người lính anh dũng trên chiến trường mà còn là một “chiến sĩ” trên thương trường. Ông sinh năm 1953 ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Năm 17 tuổi, ông tham gia kháng chiến ở Binh chủng Đặc công. Chàng lính trẻ trưởng thành từ những năm tháng chiến tranh ác liệt. Những lần bị thương, những cơn sốt rét rừng… tưởng chừng đã cướp đi mạng sống của ông. Nhưng vượt lên trên tất cả là tình đồng đội, là ý chí ngoan cường và tinh thần xả thân vì nước. Những điều đó giúp ông có mục đích sống để tiếp tục chiến đấu.

Trở về sau chiến tranh biên giới Tây Nam, với thương tật 21%, ông phải “sống chung” với ba mảnh đạn trong cơ thể (một ở đầu, một ở tay và một ở chân). Ông giữ chức vụ Phó Trung đoàn trưởng chính trị Trung đoàn 1, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Năm 1991, ông nghỉ hưu và bắt đầu “khởi nghiệp” từ một đại lý nước giải khát. Sau đó, ông thể hiện tài kinh doanh ở Công ty TNHH Phân bón hữu cơ Bình Dương. Nhờ nắm bắt thị trường tốt, ông Phát đã giúp công ty có được doanh thu cao, đồng thời nhận được những danh hiệu cao quý như: Trâu vàng Đất Việt (2006), Cúp vàng Khoa học công nghệ uy tín và chất lượng Việt Nam… Riêng bản thân ông được nhận danh hiệu CCB Doanh nhân Thành đạt lần I (2006).

Trong ba năm trở lại đây, ông Phát đã nghỉ kinh doanh để chuyên tâm vào công tác ở Ban liên lạc truyền thống CCB Tiểu đoàn 28 Đặc công, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 với cương vị trưởng ban. Trong thời gian qua, ông Phát cùng những thành viên khác trong ban đã có những hoạt động tích cực, như: Tổ chức các hội thảo lịch sử, biên soạn cuốn “Lịch sử Tiểu đoàn 28 Đặc công (1967- 1978)”; tổ chức lễ đón danh hiệu Đơn vị anh hùng… Bên cạnh đó, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ đồng đội, chăm sóc gia đình người có công được ông Phát và các đồng đội đặc biệt chú trọng. “Tôi tham gia hai cuộc chiến, đã tận mắt chứng kiến rất nhiều đồng đội ngã xuống nên rất hiểu sự khốc liệt của chiến tranh và nỗi đau của những người ở lại. Tôi cũng như những anh em ở đây may mắn còn sống nên tự cảm thấy phải có trách nhiệm với nhau và với gia đình những người đã hy sinh”, ông Phát chia sẻ.

Trong giai đoạn 1999-2008, ông Phát đã ủng hộ xây dựng 16 ngôi nhà tình nghĩa ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Lâm Đồng… Hỗ trợ 36 gia đình LS, mỗi gia đình 500.000 - 1.000.000 đồng. Trong thời gian còn làm kinh doanh, ông cũng giúp đỡ nhiều TB và con em họ có việc làm với mức lương cao. Ông còn bỏ kinh phí ra tổ chức các buổi hội thảo, gặp gỡ CCB của Tiểu đoàn 28.

Đối với ông Nguyễn Ngọc Dưỡng, (SN 1949, TB 1/4), khởi nghiệp từ Công ty TNHH Phân bón Nông nghiệp (khu phố 8, Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một). Hiện nay, công ty ông có hàng chục công nhân, chuyên sản xuất phân bón, cho thu nhập cao. Không dừng lại việc chăm lo cuộc sống riêng của mình, ông còn tích cực giúp TB, nông dân, những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh vươn lên thoát nghèo. Ông Dưỡng tâm sự: “Trong chiến tranh ác liệt, chúng tôi đã đoàn kết để giành lấy quê hương. Thời bình, chúng tôi càng phải đoàn kết hơn để cùng nhau bảo vệ, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”.

Với ý nghĩ đó, từ năm 2006 đến nay, ông đã phối hợp với Hội CCB tỉnh xây tặng 4 căn nhà cho TB khó khăn; phối hợp Hội Nông dân tỉnh xây tặng 2 căn nhà cho nông dân nghèo; Công đoàn TP.Thủ Dầu Một 1 căn. Ngoài ra, ông Dưỡng còn tặng tiền mặt cho Trung tâm Nuôi dạy trẻ Quê Hương tại Thuận An (20 triệu đồng); Tháng hành động vì trẻ em 2013 do Trung ương phát động (30 triệu đồng); Quỹ hội nông dân Bình Mỹ - Tân Uyên (20 triệu đồng); Quỹ hội nông dân Trà Vinh (10 triệu đồng)… Hiện nay, ông Dưỡng đang lên kế hoạch hỗ trợ Hội CCB tỉnh xây dựng, trao tặng 1 căn nhà; hỗ trợ khu phố 1, Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một 50 triệu đồng cho TB, CCB, nông dân vay không lấy lãi… Từ những việc làm đó, ông Dưỡng đã được UBND tỉnh, Hội CCB Trung ương… tặng nhiều bằng khen. Tuy nhiên, theo ông “được giúp người là niềm vui”, đăc biệt là những đồng đội của mình.

Kỳ cuối: Những thương binh tích cực tham gia thiện nguyện

T.LÝ - P.CHI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=388
Quay lên trên