Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Bình Dương trong tháng 4-2023 đã có dấu hiệu khởi sắc, trị giá kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt trên 3.258 triệu USD, tăng 19,8% so với tháng trước. Song, cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất từ trước tới nay. Bên cạnh sự hỗ trợ thiết thực từ chính quyền, DN cũng đang phải “gồng” mình trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Để cải thiện doanh thu và lợi nhuận, các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh nỗ lực tìm kiếm đơn hàng trong điều kiện khó khăn. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình
Đơn hàng sụt giảm
Tính chung 4 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa của Bình Dương ước xuất siêu 2.828,4 triệu USD. Trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trong nước xuất siêu 850,6 triệu USD, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất siêu 1.977,8 triệu USD. Dự đoán thời gian tới, XNK của tỉnh còn nhiều khó khăn. Không những vậy, tính cạnh tranh gay gắt và trước bối cảnh thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm tiêu cực hơn so với dự tính đang đòi hỏi các DN phải thích ứng tốt hơn nữa.
Theo Cục Hải quan Bình Dương, trong quý I-2023, số thu của 7/8 chi cục hải quan trực thuộc giảm mạnh so với cùng kỳ. Nguyên nhân do tình hình đầu tư xây dựng cơ bản gặp khó, các công trình nhà máy, khu công nghiệp về cơ bản đã lấp đầy và tình hình phát triển sản xuất, kinh doanh năm 2023 có xu hướng mở rộng, tăng vốn là chính. Mặt hàng sắt, thép (mặt hàng chủ lực) có đợt tăng giá đầu tiên năm 2023 nhưng vẫn giảm nhiều so cùng kỳ năm trước và số lượng nhập khẩu giảm do hàng tồn kho nhiều. Đơn cử tại Khu công nghiệp Sóng Thần số thu từ các DN thép bị giảm gần 200 tỷ đồng trong quý I.
Các DN trên địa bàn tỉnh thuộc hầu hết các ngành hàng cũng nhận định rằng, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn so với năm 2022. Về cơ hội thị trường, đơn hàng cho năm 2023 với nhiều ngành nghề xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí không có đơn hàng, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng… Nhiều DN đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, chia sẻ tình hình sản xuất sản phẩm gỗ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, sức mua trên toàn cầu giảm mạnh khiến kinh tế thế giới đối mặt với những khó khăn, thách thức, dẫn đến các đơn hàng của ngành giảm so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Hoa Kỳ chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của tỉnh. Khi sức mua của thị trường này giảm lập tức ảnh hưởng đến hoạt động của toàn ngành đồ gỗ, nhiều DN đang phải giảm giờ làm để duy trì và giữ chân người lao động.
Nhiều giải pháp hỗ trợ
Giữa muôn vàn khó khăn, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại tỉnh vẫn ổn định và tăng trưởng, doanh thu và kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng. Khối DN FDI vẫn tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt với tổng trị giá XNK hàng hóa trong tháng 4 năm 2023 đạt trên 2.642 triệu USD, tăng 19,7%.
Hiện Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất của tỉnh với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3.942,6 triệu USD, chiếm 38,9% kim ngạch xuất khẩu và giảm 14,9% so với cùng kỳ. Thị trường EU đạt 1.277,6 triệu USD, tương ứng chiếm 12,6% và giảm 8,3%. Nhật Bản đạt 906,7 triệu USD, chiếm 8,9% và giảm 24,7%. Hàn Quốc đạt 789,7 triệu USD, chiếm 7,8% và giảm 32,5...
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các DN trong tỉnh, ngành chức năng của tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho DN; đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa, rút ngắn thời gian và chi phí khi làm thủ tục thông quan; hỗ trợ DN đẩy mạnh thương mại điện tử, tiếp cận kênh thông tin về xuất khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới; theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu để khai thác.
Ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: “Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiêm túc triển khai chỉ thị của UBND tỉnh về đầu tư công, chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương thi công và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 góp phần tạo động lực cho tăng trưởng. Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, sở sẽ đẩy mạnh các chương trình, chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hỗ trợ DN thích ứng với tình hình mới, ổn định sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng phục hồi, tạo tiền đề bứt phá, nâng cao năng lực cạnh tranh, lớn mạnh về quy mô và cải thiện tuổi thọ bình quân của DN”, ông Phạm Trọng Nhân cho biết.
NGỌC THANH