Bỗng nhiên bị gánh một số nợ lớn, ông Nguyễn Văn Sang như “chết đứng”. Ở cái tuổi gần đất xa trời, ông quyết đi đòi lại công bằng, thoát khỏi số nợ oan nghiệt kia!
Theo đơn khởi kiện của ông Sơn Hồng Mai, sự việc bắt đầu từ năm 2016, ông cho ông Nguyễn Văn Sang vay số tiền 800 triệu đồng, lãi suất vay 2%/tháng, thời hạn vay là 6 tháng. Việc vay tiền có giấy tay do ông Mai viết, ông Sang đánh dấu thập thay cho ký tên và in dấu vân tay vào giấy mượn tiền.
Sau khi mượn tiền, ông Sang có trả tiền lãi cho ông Mai được 5 tháng, việc trả tiền lãi có viết giấy và in dấu vân tay. Như vậy, ông Sang còn nợ ông Mai 1 tháng tiền lãi khoảng 15 triệu đồng.
Đến hạn, đã nhiều lần ông Mai yêu cầu ông Sang trả nợ nhưng ông Sang cho rằng không vay tiền của ai hết, dấu vân tay trong giấy vay tiền không phải là dấu vân tay của ông nên ông không đồng ý trả tiền nợ gốc và tiền nợ lãi. Để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình, ông Mai làm đơn khởi kiện yêu cầu tòa giải quyết buộc ông Sang trả lại tiền. Nhằm chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ, ông Mai yêu cầu tòa án tiến hành trưng cầu giám định dấu vân tay tại giấy mượn tiền và giấy nhận tiền lãi. Tại bản kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Dương kết luận: Các dấu vân tay tại các giấy trên mờ, nhòe không đủ yếu tố giám định.
Dù vậy, ông Mai vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Nhưng ông Sang vẫn khẳng định ông không mượn số tiền trên và cũng không quen biết với ông Mai! Tuy nhiên, ông cũng không yêu cầu tòa án tiến hành trưng cầu giám định lại dấu vân tay của ông. Phiên tòa sơ thẩm đã buộc ông Sang phải trả số tiền gốc là 800 triệu đồng, đình chỉ yêu cầu khởi kiện về tiền lãi phát sinh.
Sau phiên tòa, cho rằng tòa sơ thẩm không làm rõ vấn đề nên ông Sang kháng cáo đến cấp phúc thẩm yêu cầu xét xử lại theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Mai.
Tại tòa phúc thẩm, ông Mai trình bày, ông từ miền Tây đến Bình Dương làm phụ hồ, ông có cho rất nhiều người vay tiền. Ông đồng ý là giữa hai ông hoàn toàn không quen biết nhau. Nhưng trước ngày vay tiền khoảng 1 tháng thì có một người tên G. gọi điện hỏi ông vay số tiền một tỷ đồng, ông trả lời “Số tiền lớn vậy không có, chỉ có thể khoảng vài trăm triệu nhưng phải có tài sản thế chấp mới cho vay”. Sau đó, nhiều lần ông G. điện thoại liên hệ và hẹn chỗ gặp nhau là tại quán cà phê, ông Mai giao cho ông Sang số tiền 800 triệu đồng, ông Sang cùng người này kiểm đếm và thế chấp lại cho ông Mai bản photocopy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Sang. Ông Mai đã chuẩn bị giấy, mực từ trước và ghi giấy mượn tiền, đọc nội dung cho ông Sang và ông G. nghe rồi ông Mai cầm tay ông Sang lăn mực, in vào giấy mượn tiền. Sau đó, nhiều lần ông G. chở ông Sang đến trả tiền lãi cho ông Mai, lần cuối cùng trả lãi số tiền 20 triệu đồng.
Còn phía ông Sang thì phản bác lại tất cả lời khai của ông Mai. Ông cho rằng mình có thể là nạn nhân của một vụ lừa đảo vì ông biết người đàn ông tên G. mà ông Mai nói. Trước đây ông có nhờ người này làm hộ một số thủ tục khởi kiện một vụ án liên quan đến gia đình ông, người này có kêu ông ký và lăn tay vào rất nhiều giấy tờ nhưng vì tuổi cao, mắt mờ, ông không biết đọc nên không rõ nội dung gì! Có lẽ người này đã lợi dụng lòng tin để kêu ông ký vào giấy mượn tiền ông Mai.
Qua xem xét chứng cứ và lời khai tại tòa, tòa phúc thẩm nhận định lời khai của đôi bên tại tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều mâu thuẫn nhau, hoàn toàn không tin cậy. Việc tòa án cấp sơ thẩm buộc ông Sang trả tiền cho ông Mai không phù hợp, bởi lẽ ông Sang tuổi cao sức yếu, thời điểm xảy ra vụ việc ông đã 80 tuổi, không biết viết, không biết đọc, không quen biết gì ông Mai. Việc vay tiền theo ông Mai trình bày diễn ra tại quán cà phê, không có vợ hoặc con của ông Mai tham gia; không có người làm chứng. Ông G. cũng không thừa nhận có sự việc chở ông Sang đến mượn tiền của ông Mai và chở đi trả tiền lãi. Hơn nữa, dù không quen biết nhau nhưng ông Mai lại cho vay số tiền lớn mà không thế chấp tài sản. Như vậy, ông Mai yêu cầu trả tiền vay với chứng cứ là “Giấy mượn tiền” là không phù hợp sự thật khách quan, mâu thuẫn với chính lời trình bày của mình.
Với chứng cứ và nhận định trên, Hội đồng xét xử xác định không có giao dịch dân sự cho vay tiền giữa hai ông nên không phát sinh quyền và nghĩa vụ các bên theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Sang; sửa bản án dân sự tại tòa sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Mai đối với ông Sang về tranh chấp hợp đồng vay tài sản.
THỦY TRINH