Vừa rồi, tôi có dịp gặp lại anh bạn mà mấy năm rồi không gặp mặt. Sau một hồi hỏi thăm về cuộc sống gia đình, anh tâm sự dạo này anh thường xuyên bị “viêm màng túi” vì… phải đi dự nhiều tiệc cưới quá.
Nghe anh kể khổ vì phải đi dự nhiều tiệc cưới khiến tôi suy nghĩ đến cái sự tế nhị giữa được mời và bị mời đang trở thành nỗi phiền lòng khó nói của nhiều người mà tôi tạm gọi ra đây là nỗi niềm thiệp cưới.
Chúng ta thấy trong mỗi tấm thiệp cưới đều có câu “sự có mặt của ông / bà (anh / chị) là niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi” điều đó cho thấy người được mời vô cùng quan trọng đối với gia chủ, vậy thì tại sao cái sự được mời lại trở thành bị mời và trở thành nỗi phiền lòng của không ít người trong xã hội ngày nay.
Có thể nói đám cưới ngày nay đã khác xưa ở cái sự mời người dự tiệc. Ngày xưa đám cưới chỉ mời những người trong tộc họ, kế đến là những người thân quen, bạn bè bằng hữu thân thuộc. Vì vậy mà khách mời cũng hết sức hạn chế. Nhưng đám cưới ngày nay quen thân hay sơ gì thì bạn cũng có thể trở thành khách mời của gia chủ và số lượng bàn tiệc cũng hết sức hoành tráng.
Việc được mời (hay bị mời) đi dự nhiều tiệc cưới quá nhiều khiến bạn phải lo lắng cho vấn đề tài chính của mình, có khi tiền mừng cưới vượt ra ngoài khả năng tài chính khiến bạn phải vay mượn và như vậy thì cái việc được đi ăn cưới cũng mất đi một phần ý nghĩa, làm mất đi một nửa cái vui của bạn đối với gia chủ. Một nỗi niềm khác của tấm thiệp cưới là phần ăn tiệc, bạn phải nếm qua những món mà thực đơn gần như giống nhau đến nỗi khiến bạn phải phát ngán và cái sự đi ăn tiệc cũng vì thế mà mất đi một phần vui.
Để buổi tiệc cưới thật sự đem lại trọn vẹn ý nghĩa “song hỷ” của nó, thiết nghĩ gia chủ cũng như khách được mời phải có cách ứng xử hết sức tế nhị với những tấm thiệp mời, đừng để những toan tính làm mất đi ý nghĩa của ngày vui chỉ có một lần trong đời.
ĐỨC LÊ